29/11/2024

Thái Lan làm sạch ‘Thành phố tội lỗi’

Chính quyền quân sự Thái Lan quyết bài trừ mại dâm nhằm thay đổi hình ảnh “du lịch tình dục” của thành phố Pattaya.

 

Thái Lan làm sạch ‘Thành phố tội lỗi’

Chính quyền quân sự Thái Lan quyết bài trừ mại dâm nhằm thay đổi hình ảnh “du lịch tình dục” của thành phố Pattaya.



Phố đi bộ nổi tiếng ở Pattaya, Thái Lan
 /// Ảnh: Cẩm Nhung

Phố đi bộ nổi tiếng ở Pattaya, Thái LanẢNH: CẨM NHUNG

Truyền thông thế giới gần đây phản ánh tệ nạn mại dâm, ma túy và các băng đảng mafia hoành hành ở Pattaya, nơi được mệnh danh là “Thành phố tội lỗi” hay “Kinh đô tình dục thế giới”. Lo ngại những thông tin này ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch và danh tiếng của Thái Lan, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha ra lệnh cho cảnh sát tiến hành chiến dịch truy quét mại dâm tại đây.
“Khu Hạnh phúc”
Trong tháng qua, cảnh sát Pattaya tiến hành những cuộc đột kích kiểm tra bất ngờ các quán bar, nơi có nhiều nữ tiếp viên trẻ đẹp hành nghề bán dâm, theo AFP. Trung tá cảnh sát Sulasak Kalokwilas, người tham gia chiến dịch, cho biết: “Chúng tôi ngăn chặn tất cả các thể loại biểu diễn khiêu dâm (sex show) tục tĩu và bẩn thỉu tại các quán bar. Chúng tôi muốn những hoạt động như thế này phải biến mất”.
Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát quốc gia Thái Lan đã triển khai chương trình “Happy Zone” (tạm dịch: Khu Hạnh phúc). Theo đó, lực lượng cảnh sát tuần tra thường xuyên trên phố đi bộ nổi tiếng của Pattaya, nơi tập trung nhiều quán bar và gái bán dâm đi bộ chèo kéo du khách. Cảnh sát còn ra mắt ứng dụng điện thoại để du khách có thể liên hệ với họ bất cứ lúc nào.
Các cơ sở giải trí trong phạm vi “Happy Zone” phải cam kết đảm bảo an toàn cho du khách và không tổ chức bán dâm. “Đây là chương trình thí điểm tại những nơi thu hút nhiều khách du lịch nhằm xúc tiến ngành du lịch chất lượng cao ở Thái Lan. Chúng tôi cũng sẽ quét sạch mại dâm”, Cảnh sát trưởng Pattaya – ông Apichai Krobpetch nói với Reuters. Chương trình này sẽ được nhân rộng khắp Thái Lan.
Du lịch tình dục
Ở Thái Lan, mại dâm là bất hợp pháp, nhưng nhiều phụ nữ và người chuyển giới vẫn âm thầm bán dâm cho khách hàng nước ngoài lẫn địa phương bất chấp chiến dịch truy quét của cảnh sát. “Tôi kiếm được nhiều tiền ở đây, cho tôi và gia đình nên sẽ không từ bỏ”, một gái mại dâm chuyển giới tên May nói với AFP trong lúc tìm kiếm khách hàng trên phố đi bộ ở Pattaya. “Nhiều người đến đây kiếm sống. Tôi chỉ muốn làm một nhân viên phục vụ bình thường, nhưng sẽ không kiếm đủ tiền nuôi con ăn học”, một phụ nữ 35 tuổi từ vùng quê nghèo miền trung Thái Lan đến bán dâm nhiều năm tại thành phố này, chia sẻ.
Du lịch tình dục đem đến nguồn thu nhập lớn cho những người chủ quán bar, tiệm mát xa, khách sạn, tài xế taxi, gái bán hoa và cả những cảnh sát nhận hối lộ, theo AFP. Nhà báo người Anh Andrew Drummond, chuyên viết về tội phạm ở Thái Lan suốt 20 năm qua, cho hay: “Người Thái gọi đây là “pon prayote”, tức đôi bên đều có lợi. Cảnh sát nhận tiền hối lộ để phớt lờ hoạt động mại dâm”.
Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng báo cáo của Tổ chức Chương trình điều phối của LHQ về HIV/AIDS (UNAIDS) năm 2014 ước tính có khoảng 140.000 phụ nữ bán dâm ở khắp Thái Lan. Trong số đó, hàng chục ngàn người được cho là hành nghề ở Pattaya, thu nhập của mỗi người dao động từ 70.000 – 150.000 baht (2.000 – 4.400 USD)/tháng, cao gấp 10 lần mức thu nhập bình quân tại nước này.
Năm 2016, khoảng 12 triệu du khách – trong đó 70% là người nước ngoài – đến Pattaya, nơi hiện có 2.000 khách sạn với 100.000 phòng từ giá bình dân đến cao cấp. Các quan chức ngành du lịch kỳ vọng Pattaya sạch bóng mại dâm và tội phạm sẽ giúp đẩy mạnh số lượng khách gia đình đến thành phố này du lịch. “Không phải tất cả mọi người đến đây đều là khách du lịch tình dục, nhưng hình ảnh thành phố vấy bẩn vì mại dâm và tội phạm khiến chúng tôi cảm thấy khó chịu”, bà Suladda Sarutilavan, Giám đốc Sở Du lịch Pattaya, nói với AFP.
Bangkok cấm hàng rong trên các tuyến đường chính
Chính quyền thủ đô Bangkok (Thái Lan) hôm qua thông báo sẽ cấm tất cả quán hàng rong dọc theo các con đường chính tại thành phố này, bất chấp sự phản đối dữ dội từ người dân, theo AFP.
Gần 2/3 trong số 30.000 quán hàng rong ở Bangkok đã được dọn dẹp hoặc tái bố trí vì lấn chiếm vỉa hè, gây cản trở cho người đi bộ và ảnh hưởng đến giao thông.
Kể từ giữa năm 2016, chính quyền thành phố bắt đầu chiến dịch giành lại vỉa hè, đuổi những người bán hàng rong cũng như xử phạt xe máy, xe hơi chạy và đậu trên vỉa hè, theo tờ The Bangkok Post. Tuy nhiên, nhiều người Bangkok cho rằng hàng rong là văn hóa đặc trưng của thủ đô, giúp người nghèo có nguồn thu nhập. “Chính quyền không lắng nghe ý kiến người dân. Họ muốn thành phố tươi đẹp, nhưng lại không tính đến dân nghèo”, bà Jurai Saisuthiwong (61 tuổi), bán chuối chiên dạo nhiều năm ở Bangkok, nói với AFP.

 

Phúc Duy