29/11/2024

Trắng tay vì ồ ạt nuôi thuỷ sản tự phát

Sau mấy năm ồ ạt đầu tư nuôi trồng thuỷ sản ven đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), nhiều người bị thua lỗ nặng đành kéo lồng bè vào bờ bán phế liệu.

 

Trắng tay vì ồ ạt nuôi thuỷ sản tự phát

Sau mấy năm ồ ạt đầu tư nuôi trồng thuỷ sản ven đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), nhiều người bị thua lỗ nặng đành kéo lồng bè vào bờ bán phế liệu.



 


Dân đảo Lý Sơn kéo lồng bè vào bờ bỏ hoang	 /// Ảnh: Hiển Cừ

 

Dân đảo Lý Sơn kéo lồng bè vào bờ bỏ hoangẢNH: HIỂN CỪ

 

Vỡ mộng làm giàu
Cuối năm 2014, thấy một số hộ dân trên đảo nuôi tôm hùm, cá bớp trong lồng bè trúng đậm mỗi vụ nuôi thu lãi cả tỉ đồng, ông Phù Nhứt (48 tuổi, ở xã An Vĩnh), dù chẳng hề có chút kinh nghiệm nuôi thủy sản nhưng vẫn đánh liều dốc hết số tiền dành dụm được sau nhiều năm đi biển, cộng với vay mượn của người thân được hơn 2 tỉ đồng đầu tư lồng bè kiên cố thả nuôi gần 1.760 con tôm hùm giống. Mấy tháng đầu tôm phát triển rất nhanh, ông Nhứt mừng thầm trong bụng nghĩ rằng sẽ có tiền tỉ trong tay. Nào ngờ, khi tôm được 6 – 7 tháng, mỗi con có trọng lượng từ 2 – 3 kg thì bỗng dưng bị bệnh chết sạch, chỉ còn sống được 360 con. “Cố bán để vớt vát nhưng cũng chỉ được hơn 500 triệu đồng. Tính ra chỉ trong vòng nửa năm đầu tư nuôi trồng thuỷ sản trong lồng bè, gia đình tui thua lỗ 1,5 tỉ đồng. Thế là trắng tay, nợ nần”, ông Nhứt kể.
Ngay vụ nuôi đầu tiên, hàng tỉ đồng tan theo bọt sóng khiến ông Nhứt nản chí kéo lồng bè vào bờ. Giã từ mộng làm giàu nuôi trồng thuỷ sản, ông Nhứt rao bán lồng bè với giá bèo, chỉ 60 triệu đồng (trước đây đầu tư hơn 400 triệu đồng – PV) nhưng vẫn không có ai đến hỏi mua. Suốt nhiều tháng rao bán không được, ông Nhứt bỏ mặc lồng bè nằm chỏng chơ, xiêu vẹo bên mép bờ vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn. “Nhìn lồng bè là tui buồn não ruột. Vậy ra đó trông coi, tu sửa làm gì nữa. Một bài học quá cay đắng”, ông Nhứt chua chát.
 
 
Chấm dứt nuôi trồng thuỷ sản tự phát
Không chỉ Lý Sơn mà nhiều địa phương ở Quảng Ngãi cũng xuất hiện tình trạng nuôi trồng thuỷ sản tự phát, nhiều lồng bè cá bớp bị chết hàng loạt. Cụ thể như tại xã Bình Đông (H.Bình Sơn), mới đây UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương vận động nhân dân chấm dứt tình trạng nuôi trồng thuỷ sản tự phát, không nuôi trồng thuỷ sản ngoài vùng quy hoạch, nhằm hạn chế thiệt hại, nguy cơ lây truyền dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nước. UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở NN-PTNT khẩn trương hoàn thành, trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tổ chức công bố các vùng quy hoạch nuôi trồng thuỷ hải sản, hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ hải sản để người dân biết và thực hiện.

 

Không chỉ trường hợp ông Nhứt mà nhiều hộ gia đình ở Lý Sơn nuôi trồng thủy sản trong lồng bè ven đảo cũng rơi vào tình trạng tương tự, người lỗ ít nhất vài trăm triệu đồng, người nhiều lên đến hàng tỉ đồng, nên kéo lồng bè vào bờ bán đổ, bán tháo. Thậm chí, có hộ phải tháo dỡ từng bộ phận lồng bè để bán… phế liệu gỡ gạc lại ít vốn.

Nhiều hệ lụy từ phá vỡ quy hoạch
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nghề nuôi thủy sản ở Lý Sơn sau mấy năm phát triển ào ạt, nay đã trầm lắng. Vào thời điểm này năm ngoái, khu vực biển nằm ngoài vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn ken dày lồng bè nuôi tôm hùm, cá bớp nhưng hiện còn rất ít. Cụ thể, đầu năm 2016, có 64 lồng bè thủy sản, đến nay giảm xuống chỉ còn gần 20 lồng bè, trong đó không còn lồng bè nuôi tôm hùm, chỉ nuôi cá bớp thương phẩm song chỉ mang tính cầm chừng vì giá xuống quá thấp.
Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND H.Lý Sơn, cho biết huyện đã quy hoạch vùng nuôi với khoảng 50 ha. Tuy nhiên, vì thấy lợi nhuận đem lại từ việc nuôi trồng thủy sản trong lồng bè khá cao, nhiều người dân đất đảo bất chấp rủi ro, đổ xô vào việc nuôi tôm hùm, cá bớp một cách tự phát khiến quy hoạch bị phá vỡ.
Cũng theo bà Hương, thời tiết ở Lý Sơn thường hay có sóng to gió lớn, trong khi mật độ thả lồng bè trên mặt biển quá dày nên thường xuyên bị va đập với nhau, thức ăn cho tôm, cá còn dư thừa thải ra quá nhiều làm nguồn nước bị ô nhiễm. Khi thời tiết xấu, các hộ nuôi lại tranh nhau kéo lồng bè vào vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn để tránh trú. Bên cạnh đó, nhiều người nuôi không có kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản, nguồn con giống thả nuôi không đảm bảo chất lượng… cũng là những yếu tố làm tôm hùm, cá bớp thả nuôi bị dịch bệnh chết hàng loạt, dẫn đến hộ nuôi trồng thua lỗ nặng nề.
“Rõ ràng việc nuôi trồng thuỷ sản ven bờ đảo Lý Sơn còn nhiều khó khăn, bất cập, trong khi nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này rất lớn nhưng rủi ro lại cao. Chính vì thế, huyện đang cân nhắc, tính toán phương án nuôi trồng thủy sản trên địa bàn sao cho phù hợp. Trước mắt, huyện đề nghị các xã tuyên truyền để người dân không phát triển thả nuôi thủy sản lồng bè tràn lan nhằm khỏi thiệt hại kinh tế gia đình”, bà Hương nói và cho biết thêm địa phương sẽ đề xuất các cơ quan chuyên môn của tỉnh giúp phát triển lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, nhất là việc chuyển giao kinh nghiệm nuôi, kiểm soát chất lượng con giống và quy hoạch vùng neo đậu lồng bè trú tránh an toàn mỗi khi có thời tiết xấu. Có như vậy, nghề nuôi trồng thuỷ sản ven đảo Lý Sơn mới có thể phát triển bền vững, tạo thu nhập cho người dân, hạn chế thất bát, thua lỗ như những năm vừa qua.

 

Hiển Cừ