Heo sạch được bao tiêu
Đang bị thua lỗ nặng do giá heo xuống thấp và bí đầu ra, hơn 400 hộ chăn nuôi sạch tại Đồng Nai như “vớ được cọc” sau khi được một công ty ký cam kết bao tiêu toàn bộ 30.000 con heo nuôi tiêu chuẩn VietGahp.
Heo sạch được bao tiêu
Đang bị thua lỗ nặng do giá heo xuống thấp và bí đầu ra, hơn 400 hộ chăn nuôi sạch tại Đồng Nai như “vớ được cọc” sau khi được một công ty ký cam kết bao tiêu toàn bộ 30.000 con heo nuôi tiêu chuẩn VietGahp.
Nhiều người chăn nuôi heo theo quy trình VietGAHP tại Đồng Nai vừa được “tiếp sức” sau khi một siêu thị cam kết bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường – Ảnh: Công Trung |
Chương trình bao tiêu heo sạch theo tiêu chuẩn VietGahp vừa được Công ty MM Mega Market VN (siêu thị Metro cũ) ký kết với các hộ dân, thông qua đơn vị trực tiếp thu mua là Công ty TNHH Thy Thọ, với sự hỗ trợ và kết nối của Sở NN&PTNT Đồng Nai.
Người nuôi heo sạch được tiếp sức
Đang kéo dây xịt nước tắm cho đàn heo hơn 80 con, ông Vy Hướng Mạnh (xã lộ 25, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết sau khi được ký hợp đồng bao tiêu, gia đình ông như vừa trút được gánh nặng, tập trung chăm sóc đàn heo trở lại sau một thời gian bỏ bê do giá heo xuống quá thấp.
“Trời nắng nóng quá, tui phải tắm cho heo 2-3 lần/ngày, mỗi ô nuôi cũng được xây thêm một bể nước cho heo ngâm mình tắm mát và thường xuyên thay nước để đảm bảo sạch, heo không bị bệnh ngoài da” – ông Mạnh nói.
Ngoài hệ thống cho ăn tự động, trại nuôi của ông Mạnh còn đầu tư hệ thống vòi uống nước tự động riêng, được làm bằng cao su và gắn vào tường để heo tự động uống nước, tiết kiệm nước và công chăm sóc.
Chỉ vào hai bồn nước gần 1.000 lít (một bồn chứa và một bồn lọc) dành cho đàn heo, ông Mạnh cho biết không chỉ thức ăn mà nguồn nước nuôi heo cũng phải sạch.
“Chỉ cần nước nhiễm phèn hoặc có tạp chất là heo bị nhiễm bệnh. Một khi heo bị bệnh, dùng thuốc để trị heo sẽ không đạt yêu cầu chất lượng và tiêu chuẩn sạch, bị từ chối mua” – ông Mạnh cho biết.
Loay hoay cắt rau muống ở bờ ao sau nhà, bà Phấn (huyện Thống Nhất) cho biết đây là khẩu phần cho đàn heo ăn giặm vào buổi chiều.
“Rau muống nước do tui trồng, không thuốc thang gì mới dám bỏ cho ăn, chứ không dám cho heo ăn rau muống mua ở chợ vì sợ có dư lượng thuốc, chất lượng heo không đảm bảo, bị từ chối mua là nguy” – bà Phấn nói.
Đồng thời bà cho biết đàn heo hơn 100 con tại trại nuôi này đều là “cây nhà lá vườn”, heo giống tự cung cấp chứ không mua bên ngoài.
Trước đây các trại nuôi đều phải dùng heo đực để phối giống trực tiếp nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, chất lượng đàn heo cho thịt kém, chi phí chăn nuôi tăng cao do phải nuôi nhiều heo đực giống mới đáp ứng được yêu cầu thụ tinh.
Tuy nhiên, hiện nay người nuôi có thể ra cửa hàng mua liều tinh nhân tạo về là có thể tự động phối giống cho heo.
“Việc áp dụng thụ tinh nhân tạo đã giảm được nguy cơ lây lan dịch bệnh, giảm chi phí phối giống khoảng 55.000 đồng/lần, heo con tăng trọng nhanh hơn, tránh bị trùng huyết nữa, đảm bảo heo sạch vì ít nhiễm bệnh” – bà Phấn nói.
Do còn hai hộ chưa làm hầm biogas nên tổ hợp tác nuôi heo VietGAHP số 2 (huyện Thống Nhất) chưa đủ tiêu chí tham gia đợt ký kết bao tiêu sản phẩm đợt này. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Hấn – một trong 15 thành viên thuộc tổ hợp tác này – cho rằng thông tin heo VietGAHP được bao tiêu như “luồng gió mát” đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn.
“Chúng tôi đang vận động mọi người trong tổ hợp tác góp tiền hỗ trợ hai hộ còn lại nhanh chóng làm hầm biogas, kịp thời đề nghị được bán heo cho siêu thị” – ông Hấn cho biết.
Kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Minh Báu – phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai – cho biết theo dự kiến, thông qua đơn vị thu mua là Công ty Thy Thọ, phía siêu thị sẽ bắt đầu thu mua heo đợt đầu tiên vào giữa tháng 5-2017, với số lượng 100 con/ngày và sẽ tăng dần trong thời gian tới tuỳ theo nhu cầu của thị trường.
Đặc biệt, những người chăn nuôi được ký kết bao tiêu là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nằm trong dự án Lifsap, thay vì các trang trại lớn.
Cũng theo ông Báu, trên địa bàn Đồng Nai hiện có hơn 50 tổ hợp tác chăn nuôi VietGAHP nhưng chỉ mới có 23 tổ được ký kết tiêu thụ nhờ kết quả kiểm tra đạt chất lượng theo yêu cầu. Theo đó, Công ty Thy Thọ sẽ trực tiếp ký hợp đồng và thanh toán với tổ hợp tác, hộ chăn nuôi.
Giá thu mua được cam kết cao hơn giá thị trường 4.000-6.000 đồng/kg, dựa trên kết quả đấu giá giữa các tổ hợp tác và một số doanh nghiệp chăn nuôi và giết mổ lớn trên địa bàn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thọ, giám đốc Công ty Thy Thọ – đơn vị sẽ tổ chức thu mua heo trực tiếp của người dân, cho biết việc tổ chức thu mua heo theo hợp đồng được ký kết sẽ được thực hiện với quy trình chặt chẽ.
Nhân viên của công ty sẽ trực tiếp xuống từng hộ dân để kiểm tra trước khi heo xuất chuồng, heo được test nhanh chất lượng tại chỗ và chỉ cho lên xe nếu đảm bảo yêu cầu. Khi heo được đưa về sẽ có bộ phận kiểm tra test lại một lần nữa mới giết mổ.
Để chuẩn bị cho việc thực hiện các quy trình này, Công ty Thy Thọ đã chi hơn 2 tỉ đồng mua thêm trang thiết bị máy móc như máy cạo lông, kho lạnh, nơi nhốt heo chờ giết mổ, dây chuyền từ kho đông lạnh đến xe vận chuyển…
Đặc biệt, theo ông Thọ, quy trình thu mua heo của siêu thị khá nghiêm ngặt, đưa chuyên gia xuống từng hộ chăn nuôi đã ký kết để kiểm tra các điều kiện chăn nuôi, từ con giống đến nguồn nước, thức ăn…, chứ không giao phó hoàn toàn cho doanh nghiệp tổ chức thu mua – ông Thọ nói.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán – phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, trong bối cảnh người chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn do giá heo hơi xuống thấp và bí đầu ra như hiện nay, việc kết nối bao tiêu heo sạch là tín hiệu rất đáng mừng cho người chăn nuôi, nhất là chăn nuôi sạch.
“Nhưng số lượng các tổ hợp tác chăn nuôi theo tiêu chí VietGAHP vẫn còn quá ít và manh mún, cần nhân rộng mô hình này và có sự liên kết để kiểm soát được quy mô đàn cũng như chất lượng heo thịt” – ông Đoán gợi ý.
Lỗ hơn 1 – 1,5 triệu đồng/con heo Ông Nguyễn Kim Đoán cho biết giá heo hơi trên địa bàn hiện còn dưới 25.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với cùng thời điểm này năm trước, người chăn nuôi lỗ từ 1-1,5 triệu đồng/con, nhiều người phải giao cả đàn heo cho đại lý cám để trừ nợ. Ngay cả các đại lý thức ăn chăn nuôi cũng bị vạ lây bởi tình trạng thua lỗ của người chăn nuôi, không thu hồi được tiền cám. Ngoài lý do phía Trung Quốc ngừng hoặc hạn chế mua tại một số thời điểm, việc giá heo hơi giảm mạnh còn do người chăn nuôi tăng đàn quá nhanh trước đó, khi giá heo đứng ở mức cao. |
Tiêu chuẩn nuôi heo VietGAHP Theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) do Bộ NN&PTNT ban hành, để được cấp giấy chứng nhận VietGAHP, trại chăn nuôi phải đảm bảo kiểm soát chất lượng từ khâu chọn vị trí chuồng trại; con giống, thức ăn, nước uống, công tác thú y, ngày giờ xuất bán, sổ sách ghi chép… Theo đó, vị trí xây dựng chuồng trại, thiết bị nuôi phải tách biệt với nơi ở và nguồn nước sinh hoạt của người, có tường bao kín hoặc hàng rào kín ngăn cách với khu vực xung quanh. Heo giống có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh…Thức ăn chăn nuôi phải có nguồn gốc, không chứa hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng. Nước uống phải đảm bảo chất lượng, hợp vệ sinh và đáp ứng theo nhu cầu của từng loại heo. Các chất thải lỏng phải được dẫn trực tiếp từ chuồng nuôi tới hệ thống xử lý nước thải (biogas, bể lắng…) trước khi xả ra môi trường; heo xuất bán phải có thẻ tai nhận dạng để truy xuất nguồn gốc … |