29/11/2024

Ứng phó những bất ổn kinh tế 2017

Đó là thông điệp được các chuyên gia kinh tế, nhà làm chính sách gửi đến doanh nghiệp tại hội thảo “Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp 2017” do Trường ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp ĐH Quản trị Paris (Pháp) tổ chức tại TP.HCM vào chiều qua (15.4).

Ứng phó những bất ổn kinh tế 2017

Đó là thông điệp được các chuyên gia kinh tế, nhà làm chính sách gửi đến doanh nghiệp tại hội thảo “Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp 2017” do Trường ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp ĐH Quản trị Paris (Pháp) tổ chức tại TP.HCM vào chiều qua (15.4).


 

 

Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà làm chính sách tham dự hội thảo  /// Ảnh: Khả Hòa

 

Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà làm chính sách tham dự hội thảo

 

ẢNH: KHẢ HOÀ

 

 

Thách thức bẫy thu nhập trung bình

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định sự phát triển cũng như xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 đã tạo nhiều mô hình kinh doanh mới, làm đảo lộn nhiều mô hình kinh doanh truyền thống. VN với điểm yếu là năng suất lao động thấp, lại tập trung quá lớn vào lao động giá rẻ, phát triển thiếu bền vững gây bất lợi cho môi trường là thách thức lớn trong xu thế này.
TS Nguyễn Ngọc Bảo, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư, dẫn con số doanh nghiệp (DN) thành lập mới tăng song cảnh báo số DN đóng cửa, giải thể cũng quá lớn. Ông chỉ ra rằng: “Thách thức của chúng ta lúc này là việc ổn định vĩ mô và mục tiêu tăng trưởng đều gặp nhiều khó khăn. Kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lạm phát gia tăng, áp lực nợ công… vẫn là những vấn đề lớn đáng quan tâm. Với DN, môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn nhiều rào cản, mức độ minh bạch bị đánh giá thấp trong khi chúng ta gặp khó trong khắc phục ngắn hạn. Đầu tư dàn trải, chưa bình đẳng với DN trong quá trình tiếp cận các nguồn lực, chi phí chính thức và phi chính thức DN chịu còn cao. Đặc biệt, tình trạng thanh kiểm tra DN còn quá nặng nề từ hậu đến tiền kiểm. Ngoài ra, tình hình tái cơ cấu chậm, DN nhà nước hoạt động kém hiệu quả, trong khi quy mô của DN tư nhân manh mún, DN đầu tư nước ngoài nhận ưu đãi song hoạt động nhiều vào các lĩnh vực khai thác tài nguyên, nhân công giá rẻ…”.
Với thực trạng trên, các chuyên gia kinh tế tham dự hội thảo kêu gọi cộng đồng DN chung tay với Chính phủ để đổi mới. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, nhận định nếu theo Ngân hàng Châu Á dự báo, tỷ lệ tăng trưởng của VN đang ở mức khá cao so với các nước trong khu vực, tuy nhiên đất nước đang đứng trước thách thức rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Dù đã qua 7 năm từ cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, kinh tế thế giới vẫn phục hồi khá chậm với những rủi ro thường xuyên. Đặc biệt, trong năm 2016, sau thời điểm VN chính thức tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, một hình thức hội nhập sâu rộng về kinh tế, chính trị và xã hội, sự kiện nước Anh rời EU hay việc hoãn lại Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng tạo nhiều xáo trộn trong nền kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến tình hình đầu tư kinh doanh tại VN. “Vấn đề sống còn của DN là đổi mới để hội nhập”, ông Phong nhấn mạnh.
Cần có phong trào “bình dân học vụ” cho doanh nhân
Cho rằng niềm tin của cộng đồng DN đang quay trở lại, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN, khẳng định xu hướng hình thành một quốc gia khởi nghiệp đang bắt đầu tại VN.
Nhắc lại thời điểm lần đầu tiên VN tổ chức Hội nghị APEC 2006, ông Lộc nói: “Sau năm 2006, chúng ta đã có 3 năm phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội. Sắp tới, VN sẽ tổ chức Hội nghị APEC 2017. Hy vọng sự kiện này sẽ tạo động lực mới cho VN tăng tốc một lần nữa”.
Tuy nhiên, ông Lộc cũng tỏ ý lo ngại VN đang đối diện khủng hoảng nợ công sẽ phần nào giảm nội lực của đất nước. “Khủng hoảng nợ công, di cư, việc nước Anh rút khỏi EU… chắc chắn ảnh hưởng đến VN. Tuy nhiên, việc hội nhập của chúng ta cũng đang bị cản trở, TPP bị dừng lại, thương mại toàn cầu chững lại, tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa theo đó cũng giảm theo. Trong khi kim ngạch xuất khẩu của chúng ta chủ yếu dựa vào DN nước ngoài, bên cạnh đó nhập siêu không có gì chuyển biến cả. Đây là những vấn đề lớn không thể khắc phục ngày một ngày hai. Đầu tư nước ngoài và trong nước đã không kết nối thành chuỗi giá trị vươn ra quốc tế. Chúng ta tăng trưởng lại dựa vào quá nhiều nội lực, vốn, khai thác tài nguyên, rồi lạm phát, năng suất lao động rất thấp đang là điểm yếu then chốt của nền kinh tế VN. Đó là chưa tính biến đổi khí hậu, thách thức dân số già… mà VN đang đối diện”, ông Lộc phân tích hàng loạt thách thức vĩ mô mà “có thể sờ thấy được”.
Từ đó, ông Lộc cho rằng, Chính phủ cải cách đã đành nhưng phải chỉ ra được vấn đề quản trị DN đang rất yếu. Ông Lộc thông tin, khảo sát 60 nền kinh tế thế giới, VN xếp 1 trong 2 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp cao nhất. Nhưng VN cũng là một trong 20 quốc gia có trình độ quản trị kém nhất. “Vấn đề đặt ra là nâng cấp quản trị DN. Tôi nhớ sau khi giành lại chính quyền từ thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào bình dân học vụ. Trước vận hội mới này, chúng ta cần có một phong trào “bình dân học vụ” cho các nhà quản trị DN, doanh nhân…”, ông Lộc đề nghị.
Đồng quan điểm, PGS-TS Vũ Minh Khương (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – ĐH Quốc gia Singapore) ví von: “Nền kinh tế VN có thể ví như đã có nhạc công, nhạc cụ, sao không cất nên được một bản giao hưởng hay. Đâu đó có cất lên lẻ tẻ rồi cũng rè rè và tắt hẳn”. PGS Khương cũng cảnh báo VN sau khi mất lợi thế vào TPP, đã có sự nhụt chí của nhà đầu tư. Nếu Chính phủ sắp tới không có thông điệp mang tầm chiến lược mà chỉ cải thiện môi trường đầu tư, rất khó thu hút vốn ngoại.
TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Kinh tế T.Ư, cho rằng: “Chiến lược của DN có thể sai, trong ngắn ngày có thể điều chỉnh, nhưng dài hạn phải cải tổ. Chính phủ cải cách, DN phải cải tổ lại mới ứng phó được những rủi ro. Chúng ta không kiểm soát được gì xảy ra trong tương lai, nhưng kiểm soát được công cụ để ứng phó với rủi ro trong tương lai”.

Hằng Nga