Triều Tiên cảnh báo chiến tranh tổng lực
Triều Tiên được cho là tạm hoãn thử hạt nhân để tránh căng thẳng leo thang vượt tầm kiểm soát nhưng cũng cảnh báo sẵn sàng cho chiến tranh tổng lực.
Triều Tiên cảnh báo chiến tranh tổng lực
Triều Tiên được cho là tạm hoãn thử hạt nhân để tránh căng thẳng leo thang vượt tầm kiểm soát nhưng cũng cảnh báo sẵn sàng cho chiến tranh tổng lực.
Sáng 15.4, CHDCND Triều Tiên tổ chức diễu binh quy mô lớn tại thủ đô Bình Nhưỡng nhân “Ngày Thái dương”, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 105 của Chủ tịch Kim Il-sung (Kim Nhật Thành), ông nội của đương kim lãnh đạo Kim Jong-un.
Trước sự chứng kiến của đám đông được cho là lên tới hàng trăm ngàn người, các binh sĩ diễu hành cùng nhiều xe tăng, máy bay chiến đấu và 56 tên lửa thuộc 10 dòng khác nhau, theo AFP. Đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm thử thành công hồi tháng 8.2016 và 2 loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới. Những tên lửa này đều được cho là có thể đặt toàn bộ lãnh thổ của Hàn Quốc vào tầm ngắm cũng như đủ sức uy hiếp cả Mỹ. Đặc biệt, giới chuyên gia nhận định nếu được triển khai, ICBM mới sẽ “thay đổi cuộc chơi chiến lược trong khu vực” nhưng phải mất nhiều năm nữa, Triều Tiên mới có thể tiến hành phóng thử.
Trong khi đó, AFP dẫn lời nhà phân tích Lee Il-woo thuộc tổ chức Mạng lưới quốc phòng Hàn Quốc cho rằng tất cả tên lửa xuất hiện tại cuộc diễu binh “chỉ là mô hình nhằm phô trương hình ảnh”.
Trước đó, truyền thông Mỹ loan tin Triều Tiên có thể tiến hành thử hạt nhân vào ngày 15.4. Thông tin này cộng với việc Mỹ bất ngờ điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đến gần bán đảo Triều Tiên ngay sau khi phóng tên lửa vào Syria hôm 7.4 cùng những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Donald Trump khiến tình hình khu vực mấy ngày qua “căng như dây đàn”. Hôm 14.4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo “xung đột liên quan đến Triều Tiên có thể xảy ra bất kỳ lúc nào”. Tuy nhiên, thời khắc căng thẳng nhất dường như đã qua khi Bình Nhưỡng chỉ tổ chức diễu binh chứ không thử hạt nhân hay phóng tên lửa.
Dù vậy, Phó chủ tịch đảng Lao động Choe Ryong-hae, nhân vật thân cận với lãnh đạo Kim Jong-un, khẳng định Triều Tiên là “nhà nước hạt nhân hùng mạnh ở phương Đông và dẫn đầu châu Á về tên lửa”, đồng thời cảnh báo nước này “sẵn sàng đáp trả chiến tranh tổng lực bằng chiến tranh tổng lực”.
Cũng trong hôm qua 15.4, AFP dẫn lời chuyên gia Evans Revere thuộc Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ) nhận định có thể Bình Nhưỡng đã quyết định rằng việc phô diễn các loại tên lửa mới là đã đủ để gửi thông điệp đáp trả mạnh mẽ tới Mỹ, thay vì lựa chọn thử hạt nhân quá nhiều rủi ro trong bối cảnh hiện nay. Theo ông Revere, không loại trừ khả năng Triều Tiên sẽ tiếp tục thử hạt nhân hay phóng tên lửa trong tương lai, nhưng vụ Mỹ tấn công căn cứ không quân Syria và lập trường cứng rắn của Washington “có thể khiến Bình Nhưỡng tạm dừng lại”.
Trong khi đó, Hàn Quốc vẫn lo ngại miền Bắc có thể sẽ thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa nhân dịp kỷ niệm 85 năm thành lập lực lượng vũ trang vào ngày 25.4. Dự kiến trong hôm nay 16.4, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ đến Hàn Quốc để củng cố cam kết bảo vệ đồng minh và tham vấn về chương trình hạt nhân Triều Tiên, theo CNN. Đây là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du khu vực kéo dài 10 ngày của ông Pence. Sau đó, ông sẽ đến Nhật, Indonesia và Úc.
Reuters dẫn lời một cố vấn về chính sách ngoại giao của Nhà Trắng cho hay vấn đề Triều Tiên đều nằm trong chương trình nghị sự tại mỗi điểm dừng chân. Chuyến công du diễn ra hai ngày sau khi tờ The Washington Post đưa tin Mỹ sẽ vận dụng chính sách gây “sức ép tối đa” đối với Triều Tiên nhưng không tìm cách thay đổi chế độ ở nước này.
Văn Khoa