29/11/2024

Thế trận binh lực Triều Tiên

Dù các loại tên lửa đạn đạo tầm xa mà Triều Tiên sở hữu chưa rõ hiệu quả tác chiến thực sự ra sao, thì nước này vẫn có sức mạnh tấn công tầm ngắn và tầm trung đáng để các bên khác phải lưu tâm.

 

Thế trận binh lực Triều Tiên

Dù các loại tên lửa đạn đạo tầm xa mà Triều Tiên sở hữu chưa rõ hiệu quả tác chiến thực sự ra sao, thì nước này vẫn có sức mạnh tấn công tầm ngắn và tầm trung đáng để các bên khác phải lưu tâm.



Tên lửa phóng từ tàu ngầm Pukguksong-1 của Triều Tiên tại lễ duyệt binh ngày 15.4.2017 /// AFPNguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ

 

Tên lửa phóng từ tàu ngầm Pukguksong-1 của Triều Tiên tại lễ duyệt binh ngày 15.4.2017AFPNGUỒN: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

“CHDCND Triều Tiên với lực lượng đặc nhiệm, pháo binh cũng như tên lửa cho khả năng đáng kể để mở màn những cuộc tấn công quy mô nhỏ rồi leo thang thành đụng độ diện rộng. Triều Tiên đang nỗ lực nâng cấp có tính chọn lọc đối với kho vũ khí vốn đã lỗi thời. Bình Nhưỡng tập trung tăng cường lực lượng pháo binh tầm xa cùng một số lượng tên lửa đạn đạo đáng kể có thể vươn đến Hàn Quốc và Nhật Bản. Quá trình hiện đại hoá quân sự của Triều Tiên có thể nhấn mạnh vào phòng thủ và năng lực tấn công bất đối xứng để chống lại đối thủ có công nghệ vượt trội như Mỹ”. Đó là nhận định mà Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra trong báo cáo hồi năm ngoái về sức mạnh quân sự của Triều Tiên.
Thế trận binh lực Triều Tiên - ảnh 1

Từ trái qua: bố trí các căn cứ lục quân, không quân, hải quân của Triều TiênBỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Lục quân với pháo binh mạnh mẽ
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, lục quân Triều Tiên (KPA) phần lớn là các lực lượng bộ binh hạng nhẹ thông thường, nhưng được hỗ trợ bởi các đơn vị cơ giới kết hợp cùng pháo binh hạng nặng với cơ số pháo binh hùng hậu. Cụ thể, Bình Nhưỡng được cho là hiện nắm trong tay nhiều bệ phóng pháo phản lực đa nòng với phi đạn cỡ lớn như 170 mm, 240 mm và thậm chí là 300 mm.
Lực lượng pháo binh của KPA được triển khai dọc theo vùng phi quân sự trên bán đảo Triều Tiên nên thủ đô Seoul của Hàn Quốc tiềm ẩn nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công bất cứ lúc nào, bởi tầm bắn của số rocket trên có thể đạt hàng trăm ki lô mét. Điển hình như loại rocket đa nòng KL-09 cỡ đạn 300 mm có tầm bắn lên đến 200 km, trong khi khoảng cách từ khu phi quân sự đến Seoul chỉ khoảng 60 km. Những thông tin mới nhất cũng chỉ ra rằng Triều Tiên vẫn đang liên tục nâng cấp và hiện đại hóa pháo binh.
Thế trận binh lực Triều Tiên - ảnh 2

Pháo binh Triều Tiên tập trận năm 2013REUTERS

Đặc biệt, KPA đang triển khai hàng ngàn cơ sở nằm sâu dưới mặt đất, trong các hầm kiên cố nhằm hạn chế thiệt hại nếu bị tấn công bất ngờ. Có thể lý do này khiến cho giới quan sát nhận định việc Mỹ thả “mẹ của các loại bom”, đánh phá các hang động của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Afghanistan vào ngày 13.4, là một thông điệp hướng đến Bình Nhưỡng.
Không chỉ sở hữu tên lửa tấn công thông thường, việc ra sức phát triển tên lửa đạn đạo cũng tạo uy thế đáng kể cho Triều Tiên, với hàng trăm tên lửa đạn đạo tầm gần, cùng một cơ số đáng kể tên lửa tầm trung có thể được phóng đi từ các phương tiện di động trên mặt đất cũng như tàu ngầm. Đặc biệt, Bình Nhưỡng được cho là có nhiều bước tiến trong việc chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08 mà nếu hoàn thiện thì có thể đạt tầm bắn từ 1.500 – 6.000 km. Tháng 10.2015, Triều Tiên từng đưa ra 4 tên lửa KN-08 trong một cuộc diễu binh.
Bên cạnh đó, vào năm 2012, sau một lần thử nghiệm thất bại thì Bình Nhưỡng cũng có một lần thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa TD-2 có tầm bắn 4.000 – 6.700 km đủ vươn đến Mỹ. Tuy nhiên, để tránh phải đồn trú một vị trí cố định (dễ thành mục tiêu tấn công), thì việc vận hành TD-2 đòi hỏi một bệ phóng di động và đây chính là thách thức lớn, đòi hỏi nhiều kỹ thuật công nghệ, mà Bình Nhưỡng không dễ gì tiếp cận.
Phòng không lạc hậu, hải quân nhiều tàu ngầm
Cũng theo đánh giá của Lầu Năm Góc, không quân Triều Tiên (NKAF) đang sở hữu khoảng 1.300 máy bay quân sự các loại. Nhiều về số lượng nhưng chiến đấu cơ của NKAF không được đánh giá cao, bởi phần lớn là các loại đời cũ như MiG-15, MiG-17, MiG-19 và MiG-21. Số ít chiến đấu cơ hiện đại mà Bình Nhưỡng sở hữu là tiêm kích MiG-29 và MiG-23, cùng máy bay cường kích MiG-25. Máy bay chở quân thì Bình Nhưỡng đang vận hành dòng phi cơ An-2 Colt vốn ra đời từ cuối thập niên 1940 với khả năng rất giới hạn. Đa phần trực thăng chiến đấu của Triều Tiên là loại Mi-2 khá cũ kỹ bởi dòng máy bay này được phát triển từ thập niên 1960.
Về khả năng phòng không, hệ thống tên lửa phòng thủ tầm xa hiện đại nhất của Triều Tiên được cho SA-5 (tức S-200), kết hợp cùng các dòng SA-2, SA-3, hệ thống tên lửa di động SA-13, tên lửa vác vai SA-7. Bên cạnh đó, qua các hình ảnh từ cuộc diễu binh hồi năm 2010, Lầu Năm Góc nhận định nhiều khả năng Bình Nhưỡng đã phát triển loại tên lửa phòng không dựa trên nền tảng của S-300 của Nga và HQ-9 của Trung Quốc.
Ngoài ra, trong một cuộc tập trận của quân đội Triều Tiên vào năm 2013, Bình Nhưỡng cũng giới thiệu dòng máy bay không người lái được cho là sao chép kỹ thuật từ mẫu MQM-107 Streaker của Mỹ. Dù MQM-107 không có khả năng vũ trang, nhưng truyền thông Triều Tiên khi đó khẳng định mẫu máy bay không người lái trên có thể mang theo chất nổ để hoạt động như một tên lửa hành trình với tính chính xác cao.
Thế trận binh lực Triều Tiên - ảnh 3

Tàu ngầm của Triều Tiên nhiều nhưng đa phần lạc hậuREUTERS

Dù hiệu quả tác chiến chưa rõ ràng, nhưng xét về số lượng thì Triều Tiên là quốc gia sở hữu lực lượng tàu ngầm hùng hậu với khoảng 70 chiếc. Tàu ngầm mà Bình Nhưỡng sở hữu có thể mang theo tên lửa đối hạm, ngư lôi và cả pháo. Tuy nhiên, phần lớn số tàu ngầm này đều thuộc cỡ nhỏ với độ choán nước chỉ vài trăm tấn, tầm hoạt động giới hạn, ví dụ tàu ngầm lớp Yono mà Bình Nhưỡng đang sở hữu gần 40 chiếc có độ choán nước chỉ 130 tấn, tầm hoạt động khi lặn khoảng 50 hải lý (chưa đầy 100 km) chỉ phù hợp mang theo lực lượng biệt kích. Nổi bật nhất của lực lượng tàu ngầm Triều Tiên có lẽ là lớp Sinpo được phát triển trong những năm gần đây, có độ choán nước khoảng 2.000 tấn, tầm hoạt động hơn 2.500 km và có thể phóng tên lửa đạn đạo.
Theo Hãng thông tấn Yonhap, Triều Tiên từng thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm lớp Sinpo vào năm 2016 nhưng thất bại. Cùng với tàu ngầm, lực lượng tàu chiến nổi của Triều Tiên cũng rất nhiều với khoảng 430 tàu tuần tra, 260 tàu đổ bộ, 20 tàu phá mìn, 40 tàu hỗ trợ và gần 10 khinh hạm các loại. Tuy nhiên, số tàu này bị đánh giá khá cũ, lỗi thời.
Bên cạnh hải lục không quân, thì lực lượng đặc nhiệm được cho là rất thiện chiến cũng là thế mạnh của Triều Tiên. Ngược lại, các hệ thống liên lạc, điều phối tác chiến của Bình Nhưỡng không được đánh giá cao.
Tàu sân bay chỉ là “chim mồi”
Thế trận binh lực Triều Tiên

Ảnh: NVCC

Vừa qua, Washington đã điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson, theo thông báo từ hải quân Mỹ. Nhóm này bao gồm tàu sân bay USS Carl Vinson kèm theo 2 tàu khu trục USS Wayne E.Meyer (DDG 108) và USS Michael Murphy (DDG 112) thuộc lớp Arleigh Burke, kết hợp cùng tuần dương hạm USS Lake Champlain thuộc lớp Ticonderoga.

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, TS Satoru Nagao (ảnh), chuyên nghiên cứu về an ninh tại Đại học Gakushuin (Nhật Bản), nhận định nếu Mỹ động binh thì nhóm tác chiến tàu sân bay chỉ đóng vai trò “chim mồi” bởi tên lửa và chiến đấu cơ khó phát huy hiệu quả khi Washington khó tổ chức một cuộc tấn công diện rộng vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho các bên. Mỹ có thể dùng lực lượng đặc biệt đóng vai trò chính để phá hủy các cơ sở tên lửa của Triều Tiên. Tuy vậy, nhiều khả năng Mỹ cũng chỉ tập trung gây sức ép lên Trung Quốc để Bắc Kinh phải kiềm chế Bình Nhưỡng.

 

Ngô Minh Trí