12/01/2025

Minh bạch thị trường vé số

Ngày 12.4, Báo Thanh Niên cùng Công ty cổ phần Báo Thanh Niên tổ chức hội thảo ‘Minh bạch thị trường vé số’.

 

Minh bạch thị trường vé số

Ngày 12.4, Báo Thanh Niên cùng Công ty cổ phần Báo Thanh Niên tổ chức hội thảo ‘Minh bạch thị trường vé số’.



 

Hội thảo ‘Minh bạch thị trường vé số’ẢNH: Đ.N.THẠCH

Hội thảo có đại diện Bộ Tài chính, đại diện của hàng chục đại lý vé số, các chuyên gia luật, tài chính… Riêng đại diện các công ty xổ số (XS) truyền thống không đến dù đã được mời.
Xây dựng niềm tin để thu hút khách
Giữa tháng 7.2016, lần đầu tiên Công ty xổ số điện toán VN (Vietlott) chính thức hoạt động. Việc ra đời của loại hình XS này đã nhanh chóng thu hút được sự tham gia của nhiều người dân do hình thức tự chọn và giải thưởng trị giá cao. Theo công bố của đơn vị này, đến cuối năm 2016 doanh thu ước tính đạt 1.600 tỉ đồng. Điều này khiến các công ty XS truyền thống lo lắng.
Thế nhưng theo TS Bùi Quang Tín (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM), năm 2016 ngành XS cả nước đã tạo ra tổng doanh thu hơn 75.000 tỉ đồng. Trong đó 21 công ty XS miền Nam có doanh thu gần 66.700 tỉ đồng, chiếm 89% doanh thu cả nước trong khi 29 công ty XS miền Bắc chỉ chiếm 5% doanh thu và 14 công ty XS miền Trung chiếm 6% doanh thu. Riêng đối với doanh thu của Vietlott cũng chỉ chiếm 2,39% doanh số cả nước. Con số đó cho thấy hoạt động của Vietlott tuy phát triển nhanh nhưng vẫn chưa tác động đáng kể đến thị phần của XS truyền thống.
TS Bùi Quang Tín nhấn mạnh: Loại hình XS điện toán đã có ở nhiều nước trên thế giới. Do đó nó xuất hiện ở VN là một tất yếu. Bản thân XS truyền thống cũng đã chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các tệ nạn cờ bạc, lô đề, cá độ… vốn tồn tại lâu đời trong xã hội. Bên cạnh đó, xét ở góc độ kinh tế, loại hình XS điện toán huy động thêm nguồn lực tài chính mới cho ngân sách nhà nước. Từ đó cũng sẽ góp phần hạn chế các loại tệ nạn cờ bạc khác. “Vietlott ra đời nhằm mục tiêu của Chính phủ là hiện đại hoá ngành XS. Đồng thời tạo thêm nhiều sản phẩm để người dân lựa chọn và sẽ thúc đẩy XS truyền thống năng động hơn”, TS Bùi Quang Tín chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, phân tích: Chưa thể khẳng định Vietlott đã đe dọa đến thị phần của XS truyền thống. Quan trọng hơn, hiện nay tất cả các ngành kinh doanh của VN đều đang phải chuyển mình theo xu thế thị trường, áp dụng công nghệ kỹ thuật, hiện đại hoá… nên hoạt động XS cũng không phải ngoại lệ. Điều đó mới giúp các công ty có sản phẩm chất lượng, phục vụ khách hàng và giữ chân được khách hàng. Đặc biệt, sản phẩm vé số tự chọn và vé số truyền thồng có đặc điểm riêng, thu hút thêm nhiều đối tượng khách hàng mới tham gia. Đây là hai sản phẩm cùng tồn tại song song bởi ngoài ra, vẫn còn một thị trường rất lớn đang tồn tại là lô đề, cá cược bất hợp pháp… Quan trọng nhất là để sự cạnh tranh minh bạch, các công ty đều phải cải tiến và có thể hợp tác cùng phát triển.
“Thị trường XS của VN rất rộng lớn. Đây không phải là cuộc chiến sống còn nên theo tôi, các doanh nghiệp nên suy nghĩ tìm cách hợp tác và xem đây như là một ngành cung cấp dịch vụ. Trong đó xây dựng niềm tin cho khách hàng là yếu tố quan trọng nhất để thu hút sự tham gia của nhiều người”, TS Đinh Thế Hiển nói.
Không thể cấm người bán vé số dạo
Theo quy định hiện nay, XS điện toán chỉ được phép triển khai tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước. Do đó ở những tỉnh thành còn lại, Vietlott chưa có các đại lý bán tại chỗ. Tuy nhiên, vì mức độ thu hút của vé số này nên nhiều người bán vé số dạo đã mua sẵn và bán lại để hưởng chênh lệch. Vì vậy đã có một số địa phương tịch thu và tiêu hủy vé số điện toán của những người bán lẻ. Điều này gây ra tranh cãi về pháp lý và tạo nên tâm lý bất an cho người mua lẫn người bán vé số.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia VN, cho rằng nếu chiếu theo các quy định hiện hành thì việc bán vé số điện toán ở những địa phương chưa được phép thực hiện là vi phạm quy định. Tuy nhiên, việc không cho phép cá nhân bán lẻ lại chưa hợp lý vì cá nhân có quyền kinh doanh bất kỳ sản phẩm nào được phép. Vì vậy cơ quan quản lý nhà nước nên nới lỏng quy định hạn chế vùng miền để tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh trong cùng sản phẩm của Công ty Vietlott cũng như tránh cho người tiêu dùng bị thiệt hại (cùng một sản phẩm nhưng mua giá khác nhau ở các vùng miền khác nhau).
TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh việc cấm những cá nhân bán lẻ vé số tự chọn là không phù hợp bởi mọi cá nhân, người dân đều có thể bán các sản phẩm không bị nhà nước cấm, không bán hàng gian hàng giả… Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng (Bộ Tài chính), cho biết Bộ Tài chính sau khi kiểm tra, nghe báo cáo từ phía Vietlott đã có công văn gửi các địa phương khẳng định việc mua đi bán lại vé số điện toán để hưởng sự chênh lệch của một số cá nhân là hoạt động tự phát. Về quy định thì nếu sai sẽ bị xử phạt hành chính. Thế nhưng sẽ tuỳ thuộc vào từng tình huống cụ thể để xử lý. Chẳng hạn như nếu có cá nhân tổ chức thiết lập đường dây mua bán dạo vé số Vietlott ở nhiều tỉnh thành thì hoạt động này chắc chắn sẽ bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt. Nhưng nếu có trường hợp một cá nhân ngồi ở quán cà phê, lại nhờ người bán vé số dạo đi mua giùm cho vài tờ vé số Vietlott và có trả thêm chi phí thì hành động này lại khó để xử phạt.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu Vietlott triển khai một loạt các biện pháp quyết liệt chấn chỉnh: có văn bản yêu cầu các đại lý XS nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh XS điện toán, thực hiện bán vé qua thiết bị đầu cuối tại các điểm bán vé; mệnh giá vé một lần tham gia dự thưởng là 10.000 đồng; đồng thời, ban hành và áp dụng chế tài xử phạt thích đáng các đại lý nếu phát hiện có sai phạm, trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ chấm dứt hợp đồng đại lý…
Hoạt động XS điện toán vẫn đang còn trong giai đoạn thí điểm (thời gian thí điểm là hai năm). Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, hiện nay hạch toán doanh thu, chi phí và thu nhập của Vietlott thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, thuế và quy định của Hợp đồng hợp tác kinh doanh. Theo đó, ngoài việc sử dụng 55% doanh thu để trả thưởng theo quy định, công ty phải đóng thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt; sau khi trừ chi phí hoạt động kinh doanh (bao gồm cả chi phí trả đối tác), công ty đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và trích lập các quỹ theo quy định. Hoạt động này còn khá mới nên sẽ tiếp tục được giám sát, chỉ đạo để đi theo đúng kế hoạch của Chính phủ.

 

Mai Phương