11/01/2025

Lao đao vì nông sản rớt giá

Hàng loạt nông sản liên lục rớt giá, thương lái không thu mua khiến hàng trăm hộ nông dân ở Quảng Nam điêu đứng, đời sống gặp nhiều khó khăn.

 

Lao đao vì nông sản rớt giá

Hàng loạt nông sản liên lục rớt giá, thương lái không thu mua khiến hàng trăm hộ nông dân ở Quảng Nam điêu đứng, đời sống gặp nhiều khó khăn.



Nông sản rớt giá, nhiều chủ vườn bí đao ở Quảng Nam không buồn hái đi bán /// Ảnh: Mạnh Cường

 

Nông sản rớt giá, nhiều chủ vườn bí đao ở Quảng Nam không buồn hái đi bánẢNH: MẠNH CƯỜNG

Những ngày này, các vùng nông sản chuyên canh ở Duy Xuyên, Thăng Bình, Đại Lộc… (Quảng Nam) đang vào vụ thu hoạch rầm rộ, thế nhưng đi đến đâu cũng nghe nông dân than khó khi hầu hết nông sản rớt giá thê thảm.
Ông Hồ Hành (57 tuổi, ở thôn Thọ Xuyên, xã Duy Châu, H.Duy Xuyên) trồng dưa hấu đã nhiều năm, vụ năm nay gia đình ông cũng làm được 8 sào, nhưng chưa bao giờ lâm cảnh bi đát như vậy. “Năm ngoái, dưa được mùa được giá nên bà con ai cũng vui mừng. Còn vụ năm nay dưa hấu rớt giá rất nhanh. Đến thời điểm này, mỗi ký dưa chỉ còn bán được 1.000 – 2.000 đồng. Không có năm nào điêu đứng như năm nay!”, ông Hành buồn bã nói.
Theo một số hộ dân chuyên trồng dưa hấu trên địa bàn H.Duy Xuyên, những năm trước thương lái ở các nơi tìm đến tận ruộng đặt cọc tiền trước, khi đến mùa thu hoạch thì cho xe tải tới vận chuyển. Nhưng vụ năm nay rất khác lạ: không thấy ai đến mua, người dân mang dưa ra dọc tuyến quốc lộ bán lẻ để mong sao vớt vát được ít vốn.
Không chỉ dưa hấu rớt giá, nông dân trong vùng này cũng đang “khóc ròng” khi hàng trăm héc ta ớt chín rộ nhưng đành bỏ không vì chẳng có ai thu mua. Bà Nguyễn Thị Út (50 tuổi, ở thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu, H.Duy Xuyên) thở dài chỉ tay về vườn ớt khi thương lái Trung Quốc không đến gom hàng như các năm trước. “Năm ngoái ớt bán ra thị trường với giá từ 20.000 – 30.000 đồng mỗi ký, năm nay rớt thê thảm, đâu còn khoảng 2.000 – 3.000 đồng, mà cũng chẳng có ai chịu mua. Mỗi sào ớt, gia đình tôi đầu tư hơn 5 triệu đồng chứ không ít”, bà Út ngao ngán. Mà chẳng riêng vườn ớt của bà Út, đã có hàng chục héc ta ớt đang vào vụ thu hoạch tại đây cũng đang dồn ứ ngoài ruộng, nhiều khả năng mất trắng.
Kêu gọi các doanh nghiệp thu mua
 
 
Lao đao vì nông sản rớt giá - ảnh 1
Hiện chúng tôi đã làm việc với các công ty trên địa bàn để tăng cường thu mua nông sản, để người dân vớt vát chút vốn bỏ ra

Lao đao vì nông sản rớt giá - ảnh 2
 
Ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Duy Xuyên
 

Trong khi đó, người trồng bí đao ở H.Duy Xuyên cũng chịu chung cảnh ngộ được mùa mất giá. Có mặt tại cánh đồng trồng bí đao đang thời kỳ thu hoạch, chúng tôi chứng kiến hàng trăm héc ta bí đao trĩu quả, treo lủng lẳng trên giàn nhưng người dân bỏ mặc, không hái về.

Đang nhặt những trái bí đao bị thối rụng xuống đất, ông Lê Văn Dũng (44 tuổi, ở thôn Tây An, TT.Nam Phước, H.Duy Xuyên) nhắc lại chuyện mấy năm trước thị trường Trung Quốc hút hàng mạnh nên thương lái ồ ạt kéo đến tận vườn thu mua với giá cao. Còn năm nay được mùa lại rớt giá, bí đao cứ “ứ” lại ngay tại vườn, không ai muốn thu hoạch vì tiền bán được không trả đủ cho khoản thuê người hái. Gia đình ông Dũng thu gần 10 tấn bí đao mỗi sào, lãi 12 – 15 triệu đồng/sào, nhưng đó là vụ năm ngoái. “Còn năm nay, mới đầu vụ mà bí đao đã rớt xuống còn dưới 2.000 đồng mỗi ký rồi. Trong khi mỗi sào phải tốn hơn 10 triệu đồng, chăm sóc gần 3 tháng. Thôi đành để yên trên giàn vậy, chờ vài hôm nữa xem giá có nhích lên được tí nào không”, ông Dũng than phiền.
Ông Lê Phước Hải, Phó ban Nông nghiệp xã Duy Châu (H.Duy Xuyên), cho biết toàn xã có khoảng 4 ha dưa hấu, 70 ha ớt đang trong thời kỳ thu hoạch, nhưng do thị trường tiêu thụ gặp khó nên giá nông sản lao dốc. Trong khi đó, theo ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Duy Xuyên, không riêng gì địa bàn H.Duy Xuyên mà nông sản trên nhiều vùng chuyên canh ở Quảng Nam cũng “lâm nạn”. Chủ các vườn bí đao, ớt… bỏ mặc, không buồn ra ruộng hái. “Hiện chúng tôi đã làm việc với các công ty trên địa bàn để tăng cường thu mua nông sản, để người dân vớt vát chút vốn bỏ ra. Đã từng xảy ra cảnh người dân thu hoạch xong mang đi đổ, vì chẳng có ai đứng ra thu mua”, ông Năm nói thêm.

 

Mạnh Cường