13/01/2025

Chế tài hộ kinh doanh chây ì

Nhiều hộ kinh doanh thuộc diện phải thành lập doanh nghiệp (DN), nhưng “nằm im” để tận dụng khoảng trống pháp lý. Sẽ đề xuất hoàn thiện quy định, áp chế tài để tránh bất bình đẳng…

 

Chế tài hộ kinh doanh chây ì

Nhiều hộ kinh doanh thuộc diện phải thành lập doanh nghiệp (DN), nhưng “nằm im” để tận dụng khoảng trống pháp lý. Sẽ đề xuất hoàn thiện quy định, áp chế tài để tránh bất bình đẳng…

 

 

 

Chế tài hộ kinh doanh chây ì
Một hộ kinh doanh ở TP.HCM – Ảnh minh họa: Tự Trung

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Hồng Minh, cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT), thông tin như trên và cho biết theo quy định của pháp luật, hộ kinh doanh phải chuyển thành DN khi sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên. Song kết quả điều tra hộ kinh doanh năm 2016 cho thấy số lượng hộ kinh doanh có trên 10 lao động thường xuyên chiếm tỉ lệ rất lớn, nhưng đa số không có ý thức chuyển thành DN.

Thiếu cơ chế quản lý hiệu quả

* Đã có quy định hộ kinh doanh sử dụng 10 lao động trở lên phải thành lập DN, nhưng sao việc này vẫn chưa được thực hiện, thưa bà?

– Chủ trương chuyển hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động trở lên thành DN đã có từ năm 2000, khi Luật DN 1999 có hiệu lực và đây luôn là chủ trương xuyên suốt của Chính phủ. Tuy nhiên, tại nghị định 155/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư cũng không quy định mức xử phạt đối với các hộ kinh doanh không thực hiện chuyển đổi khi đủ điều kiện.

 

* Phải chăng việc khuyến khích chưa đủ? Ngay cả khi họ chuyển đổi, liệu năng lực của cơ quan nhà nước đủ quản lý?

– Mô hình hộ kinh doanh đã tạo điều kiện cho người dân, hộ gia đình tham gia thị trường một cách linh hoạt. Đây là mô hình phù hợp và là lựa chọn chính đáng cho các cá nhân kinh doanh nhỏ, sản xuất gia truyền, buôn bán thời vụ… Nhiệm vụ của cơ quan nhà nước là hoàn thiện khung pháp lý để đảm bảo hộ kinh doanh cũng có những quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể, thu hẹp những khoảng cách pháp lý giữa hộ kinh doanh và DN, đồng thời chia sẻ hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ kinh doanh. Chỉ có vậy, ý thức về trách nhiệm khi tham gia thị trường của hộ kinh doanh mới được nâng cao, họ mới thấy việc chuyển đổi thành DN chỉ là một “bước đi ngắn”.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý hiện chưa có đủ nguồn lực và cơ chế quản lý hiệu quả đối với hàng triệu hộ kinh doanh đang hoạt động. Việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về hộ kinh doanh phải đi song song với việc kiện toàn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và đây là một thách thức lớn.

Bất bình đẳng với DN

* Liệu quy định hộ kinh doanh sở hữu 10 lao động trở lên phải lập DN đã phù hợp chưa khi “bỏ quên” yêu cầu chất lượng?

– Số lượng hộ kinh doanh nhiều hơn DN cho thấy một bộ phận người dân vẫn muốn tham gia thị trường ở phương thức tổ chức đơn giản. Tuy nhiên, có thực tế nhiều hộ kinh doanh đã bắt kịp và vượt DN về quy mô, hệ thống quản lý sổ sách, kế toán nhưng không lên DN để tận dụng những khoảng trống pháp lý và cách quản lý của cơ quan nhà nước với mô hình này. Đứng từ khía cạnh thị trường và quản lý nhà nước thì đây là sự bất bình đẳng đối với DN.

Tôi cũng nhìn nhận rằng việc quy định hộ kinh doanh có từ 10 lao động trở lên phải thành lập DN là chưa phù hợp. Bởi có trường hợp hộ kinh doanh có 10 lao động nhưng doanh thu thấp, trong khi chỉ vài cá nhân kinh doanh nhưng có doanh thu lớn. Vì vậy cần thêm các tiêu chí khác như doanh thu, nộp ngân sách…

Sẽ tăng biện pháp quản lý

* Mục tiêu phát triển 1 triệu DN đang được Chính phủ đặt ra. Theo bà, tới đây cần phải làm gì để nhiều hộ kinh doanh lên DN?

– Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ KH-ĐT nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Một trong những chính sách quan trọng đang được nghiên cứu, xây dựng là dự thảo Luật DN nhỏ và vừa. Bộ cũng đang tìm hiểu những vướng mắc để đề xuất hoàn thiện quy định về hoạt động và đăng ký của hộ kinh doanh.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng đang chuẩn bị đề án xây dựng cơ sở dữ liệu đăng ký kinh doanh trên toàn quốc. Theo đó, không chỉ có DN mà thông tin từng hộ kinh doanh cũng sẽ được đưa vào hệ thống này để quản lý thuận tiện hơn.

Chúng tôi sẽ tính toán, đề xuất quy định bổ sung các điều kiện chuyển đổi thành DN của hộ kinh doanh (như điều kiện về doanh thu…) và quy định cụ thể chế tài xử lý đối với hộ kinh doanh không chuyển đổi theo quy định. Cùng với đó sẽ đơn giản hoá quy trình, thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN… Ngoài ra, theo tôi, cần kiện toàn, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước các cấp, đặc biệt là cấp quận, huyện đối với hoạt động của hộ kinh doanh.

Số hộ ở TP.HCM chuyển lên DN vẫn ít

Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, từ nay đến năm 2020 mỗi quận, huyện sẽ vận động khoảng 10% hộ kinh doanh cá thể chuyển thành DN. Trong năm 2016-2017, chỉ tiêu cần chuyển 20.000 hộ kinh doanh lên DN.

Tuy nhiên, thực tế việc chuyển đổi hiện vẫn khá chậm. Như tại quận Tân Phú, quý 1 có thêm 610 hộ thành lập mới, tăng 27% so với năm ngoái, nhưng chỉ có 6 hộ kinh doanh chuyển thành DN. Quận 12 có khả quan hơn, 3 tháng đầu năm quận này đã vận động được 87 hộ thành lập DN. Hiện nay, các quận đang tích cực rà lại những hộ kinh doanh, trước mắt chỉ vận động những hộ có doanh số lớn, thường xuyên sử dụng hóa đơn chuyển 
lên DN.N.Bình

Anh N.Đ.Hoà (quê Thanh Hoá, làm tại một xưởng gỗ ở Gia Lâm, Hà Nội):

Thiệt thòi khi làm cho hộ kinh doanh

Tôi vừa nghỉ việc sau hơn 5 năm gắn bó. Tại hộ kinh doanh không có ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Nhiều ngày lễ vẫn phải đi làm. Bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế… đương nhiên không được đóng. Nhiều khi lương còn phát chậm.

Xưởng làm việc có hơn chục lao động, phần lớn đều thỏa thuận hợp đồng miệng về lương và chế độ làm việc. Công việc chính của tôi là xẻ gỗ, nhưng việc gì cũng đến tay. Bảo hộ lao động không có gì. Sau hơn 5 năm làm việc, thành thợ chính, lương của tôi chỉ tăng lên được 6 triệu đồng/tháng (không gồm ăn uống).

Trường hợp làm ca đêm hoặc đi giao hàng khuya, chủ xưởng có thể quên hoặc chỉ trả vài chục nghìn đồng. Họ không muốn lên DN cũng đúng thôi, đơn giản vì họ sẽ không thể hành xử và thu lợi thế nào cũng được. Nhưng nếu lên DN, làm ăn bài bản, ít nhất là trả tiền làm ngoài giờ nghiêm túc cho người lao động, tôi nghĩ nhiều thợ giỏi sẽ gắn bó, họ cũng phát triển bền vững hơn.

Lê Thanh

NGỌC AN thực hiện