11/01/2025

Giá cát tăng ‘dựng đứng’

Tại TP.HCM, hiện các đầu nậu, điểm bán cát đã đẩy giá cát tăng gấp 2 – 3 lần chỉ trong một thời gian ngắn.

 

Giá cát tăng ‘dựng đứng’

Tại TP.HCM, hiện các đầu nậu, điểm bán cát đã đẩy giá cát tăng gấp 2 – 3 lần chỉ trong một thời gian ngắn.




Xe tải xếp hàng chờ vào chở cát tại một vựa trên địa bàn Q.4, TP.HCM  /// Ảnh: Đình Sơn

Xe tải xếp hàng chờ vào chở cát tại một vựa trên địa bàn Q.4, TP.HCMẢNH: ĐÌNH SƠN

Lũng đoạn thị trường
Trong vai người dân đi mua cát, dạo một vòng quanh các vựa cát và các cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn TP mới thấy, thời điểm này, cát nóng hơn lửa, ở đâu cũng hét giá cao ngất trời. Người quản lý ở bến 42C của Công ty CP Tôn Thất Thuyết trên đường Tôn Thất Thuyết (Q.4) cho biết, hiện giá cát vàng để làm hồ xây tô lên đến 480.000 đồng/m3, trong khi cách đó một tháng chỉ khoảng 180.000 đồng/m3. Cát san lấp từ hơn 90.000 đồng/m3 nay tăng lên hơn 100.000 đồng/m3. “Giá cát tăng mỗi ngày, giờ bán 480.000 đồng/m3 có khi chút nữa lên 520.000 đồng/m3 không chừng”, người này cho hay.
Quả thật, chỉ khoảng một giờ sau ghé vào một cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiển, H.Nhà Bè, chủ cửa hàng đã hét giá cát vàng dùng để làm hồ xây lên 560.000 đồng/m3, cát đen cũng được đẩy lên đến 350.000 đồng/m3. Ông này cho biết, cách đây một tuần đã không lấy được cát về bán. Chủ một cửa hàng khác cũng trên đường Nguyễn Thị Thập (Q.7) nói ngay khi chúng tôi tạt vào hỏi mua cát: “Giờ cát tốt (cát vàng sông – PV) khan hiếm lắm, chỉ còn cát đen (cát vàng sông pha với cát mặn – PV) nên giá đắt đỏ. Muốn mua số lượng lớn phải đặt tiền cọc trước mới có”.
Ông Liên, chủ vựa cát trên đường Nguyễn Bình, xã Nhơn Đức, H.Nhà Bè, cho biết nguyên nhân khiến cát tăng giá, khan hàng bởi thời gian gần đây các cơ quan chức năng đã mạnh tay với cát tặc, thêm vào đó các điểm được cấp phép khai thác, nạo vét cũng tạm dừng để rà soát lại nên nguồn cung giảm đi nhiều. “Cát xây dựng tăng hơn 200%, cát san lấp tăng khoảng 20% chỉ trong vòng khoảng một tháng nay”, ông này cho biết.
Tìm nguồn thay thế 
Theo ông Nguyễn Hiệu, nhà thầu xây dựng tại Q.12 (TP.HCM), cát tăng giá làm chi phí xây nhà tăng lên khoảng 10%. Chưa kể, trước đây khi lấy vật liệu thường thanh toán gối đầu nhưng nay muốn mua cát phải thanh toán tiền trước. Ông Hiệu cũng đang “đau đầu” xử lý vụ giá cát tăng phi mã bởi đã ký thầu xây dựng với chủ nhà, giá đã chốt, nay cát và một số vật liệu khác tăng theo khiến lợi nhuận công ty gần như không còn.
Là một trong những nhà thầu lớn về xây dựng hiện nay tại VN, ông Huỳnh Nhân Quang, Trưởng phòng Vật tư Công ty CP xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình, phân tích giá cát tăng đột biến do nhà nước có các biện pháp kiểm soát những đơn vị khai thác cát dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Giới buôn bán cát lợi dụng tạo sự khan hàng, đẩy giá cát tăng cao, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thầu xây dựng và thị trường xây dựng nói chung. Để giải quyết tình huống, trước mắt, công ty vẫn chủ động tìm các nguồn cung cấp cát trên thị trường để duy trì tiến độ thi công cam kết với khách hàng, mặc dù chi phí bị ảnh hưởng khá nhiều.
Đúng là cát đang bị làm giá nhưng có một thực tế, tài nguyên này cũng ngày càng cạn kiệt. Theo thông tin từ Bộ TN-MT, hiện tổng tài nguyên cát chỉ khoảng hơn 2 tỉ m3 nhưng chỉ tính riêng năm 2016 nhu cầu cát cho xây dựng đã lên tới 131 – 140 triệu m3, đến năm 2020 con số này lên 182 – 197 triệu m3. Nếu không quy hoạch và không tìm loại vật liệu khác thay thế thì nguy cơ không còn cát để xây dựng là rất lớn. Ở nhiều công trình đã phải dùng đến cát nhân tạo, được tạo ra từ việc nghiền đá, như công trình thủy điện Sơn La, thuỷ điện Lai Châu…
Ông Huỳnh Nhân Quang (Công ty Hoà Bình) cũng cho biết Hoà Bình đang tính đến phương án sử dụng vữa xây tô trộn sẵn để thay thế phương thức truyền thống cát + xi măng. Tuy nhiên, thị trường cung ứng vữa trộn sẵn của VN hiện còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của thị trường xây dựng do quy mô sản xuất của các đơn vị còn nhỏ và chi phí cao. Đơn vị có quy mô sản xuất lớn nhất là Xi măng Hà Tiên cuối năm trước cũng đã dừng hẳn dây chuyền sản xuất vữa khô đóng bao do đánh giá thấp tiềm năng phát triển vật liệu này của thị trường.
“Qua đợt khan hiếm cát xây dựng hiện nay, chúng tôi cũng đã chủ động đặt vấn đề với các đơn vị sản xuất vữa và xi măng về nhu cầu sử dụng vật liệu vữa trộn sẵn. Hy vọng các nhà sản xuất sớm đánh giá lại tiềm năng để phát triển kịp thời các dòng sản phẩm thay thế nhằm đáp ứng nhu cầu sắp tới của thị trường”, ông Quang cho biết.

 

Đình Sơn