29/11/2024

Đăng ký xét tuyển ĐH 2017: kinh tế, luật, CNTT đang dẫn đầu

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, khối ngành kinh tế đang dẫn đầu trong thống kê sơ bộ tốp 100 ngành có số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển nhiều nhất ở các trường ĐH cả nước (tính đến cuối ngày 10-4).

 

Đăng ký xét tuyển ĐH 2017: kinh tế, luật, CNTT đang dẫn đầu

 Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, khối ngành kinh tế đang dẫn đầu trong thống kê sơ bộ tốp 100 ngành có số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển nhiều nhất ở các trường ĐH cả nước (tính đến cuối ngày 10-4).

 

 

 

Đăng ký xét tuyển ĐH 2017: kinh tế, luật, CNTT đang dẫn đầu
Học sinh Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM nộp hồ sơ dự thi THPT quốc gia 2017 cho giáo viên chủ nhiệm – Ảnh: Như Hùng

Theo đó, các ngành/nhóm ngành kinh tế chiếm 35/100 ngành có số lượng nguyện vọng được thí sinh đăng ký nhiều nhất.

Nhóm ngành nhiều nhất: hơn 5.000 hồ sơ

Trong đó, các ngành của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển nhiều nhất, với hơn 5.000 hồ sơ (gồm các ngành: kinh tế, quản trị kinh doanh, marketing, kinh doanh quốc tế, kinh doanh thương mại, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, tài chính – ngân hàng, kế toán).

Ngành tài chính – ngân hàng của Học viện Tài chính có lượng nguyện vọng xếp thứ hai, với gần 2.200 hồ sơ. Ngành kinh tế vận tải biển của Trường ĐH Hàng hải có số nguyện vọng đăng ký xét tuyển thấp nhất cũng lên đến hơn 660.

Xếp vị trí thứ hai là ngành luật, trong đó tại Trường ĐH Luật Hà Nội có số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển ngành này là gần 2.200 hồ sơ, Trường ĐH Luật TP.HCM gần 1.900 hồ sơ, Trường ĐH Cần Thơ nhận hơn 1.800 hồ sơ có nguyện vọng vào ngành luật…

Ngành công nghệ thông tin cũng đang có số lượng nguyện vọng nhiều: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội gần 1.900 hồ sơ, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội gần 1.500 hồ sơ, Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) và Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cùng có gần 1.400 hồ sơ;

Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) có gần 1.000 hồ sơ, Trường ĐH Cần Thơ gần 770 hồ sơ, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM) cũng nhận hơn 750 hồ sơ…

Ở các trường đào tạo nhóm ngành khoa học sức khoẻ, ngành y đa khoa đang có số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển nhiều nhất, trong đó Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có hơn 1.500 hồ sơ vào ngành này, Trường ĐH Y dược Cần Thơ gần 1.300 hồ sơ;

Trường ĐH Y dược Thái Bình và Trường ĐH Y dược Hải Phòng cùng gần 1.200 hồ sơ, Trường ĐH Y dược TP.HCM hơn 1.000 hồ sơ; Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y dược (ĐH Thái Nguyên) cùng gần 900 hồ sơ; Trường ĐH Y dược (ĐH Huế) có hơn 700 hồ sơ có nguyện vọng vào ngành y đa khoa…

Đáng chú ý, các ngành kỹ thuật cũng đang được nhiều thí sinh lựa chọn: tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngành cơ khí – động lực có đến gần 1.800 hồ sơ, ngành điện – điều khiển và tự động hoá hơn 1.400 hồ sơ, ngành điện tử – viễn thông gần 1.300 hồ sơ, ngành cơ điện tử gần 1.000 hồ sơ…

Tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, ngành công nghệ kỹ thuật ôtô gần 1.500 hồ sơ, ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí gần 1.200 hồ sơ, ngành công nghệ kỹ thuật điện – điện tử gần 1.000 hồ sơ…; tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ngành công nghệ kỹ thuật ôtô (hệ đại trà) hơn 900 hồ sơ;

Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) nhóm ngành kỹ thuật điện – điện tử, kỹ thuật điện tử – truyền thông có hơn 750 hồ sơ; tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, ngành công nghệ kỹ thuật ôtô hơn 700 hồ sơ…

Hồ sơ tăng đột biến, trường lo… ảo

Ngày 11-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – cho rằng số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào một loạt nhóm ngành của trường như cơ khí – động lực, điện – điều khiển và tự động hóa, điện tử – viễn thông, cơ điện tử… đều có trên 1.000 hồ sơ/nhóm ngành, là tương đối cao so với mọi năm.

“Kết quả này cho thấy quy chế năm nay đã rất “chiều” thí sinh. Việc cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng đã giúp thí sinh mạnh dạn đăng ký những ngành các em yêu thích, mà có thể mức điểm chuẩn các năm trước cao hơn so với năng lực của các em.

Với ngành công nghệ thông tin, chỉ tiêu đào tạo đại trà là 500 cộng với chỉ tiêu đào tạo chương trình tiên tiến 200, mà số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển lên đến gần 1.900 hồ sơ là quá nhiều so với các năm trước” – ông Điền nói.

Thông thường, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội mỗi năm tiếp nhận khoảng 15.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển cho 8 nhóm ngành, với khoảng 30 ngành đào tạo. Tuy nhiên, ông Điền dự đoán năm nay số hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường sẽ tăng gấp đôi so với mọi năm.

Trong khi đó, dù ngành tài chính – ngân hàng của Học viện Tài chính có số lượng hồ sơ xét tuyển đứng thứ hai trong thống kê (đến ngày 10-4), nhưng TS Nguyễn Đào Tùng – trưởng ban đào tạo Học viện Tài chính – cho rằng số lượng hồ sơ như vậy không thật sự có nhiều ý nghĩa trong đánh giá chất lượng thí sinh.

Với 1.900 hồ sơ đăng ký dự thi cho 950 chỉ tiêu ngành này, ông Tùng cho biết đây là “con số đột biến”.

“Do thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng, cộng với quy định đã trúng tuyển ngành có thứ tự nguyện vọng cao sẽ không được xét tuyển vào ngành có nguyện vọng thấp, nên các nguyện vọng thứ tự thấp có nguy cơ ảo cao.

Trường chỉ có thể căn cứ số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào các ngành đào tạo mới có thể đánh giá chính xác sự quan tâm và yêu thích với ngành nghề các em đã lựa chọn” – ông Tùng phân tích.

Số đăng ký dự thi chưa đạt 30% so với dự kiến

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT đến 14h ngày 11-4, có khoảng 250.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia. Như vậy, đã quá nửa chặng đường của thời hạn đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, nhưng số thí sinh nộp hồ sơ trên cả nước chỉ đạt chưa đến 30% so với tổng số hồ sơ đăng ký dự thi năm nay theo dự kiến của Bộ GD-ĐT.

Ngày 11-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Trần Văn Nghĩa – phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT – cho biết Bộ GD-ĐT đã tạo kênh trao đổi thông tin thường xuyên và trực tiếp với lãnh đạo 63 sở GD-ĐT trên cả nước, cũng như toàn bộ các trường ĐH và các trường CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên, để có những chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời.

Trước tình hình đăng ký dự thi và truy cập cổng thông tin tuyển sinh của bộ từ một số tỉnh khó khăn còn thấp, lo thí sinh nhiều nơi không có điện thoại di động và máy tính nối mạng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường phổ thông mở cửa phòng máy tính nối mạng, cho thí sinh truy cập thông tin phục vụ đăng ký dự thi và xét tuyển.

Ông Nghĩa cũng cho rằng con số gần 30% thí sinh đăng ký chưa nói lên được nhiều, vì thực tế việc đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển của thí sinh khá đơn giản. Nếu thí sinh nắm vững quy định, có thể hoàn thành đăng ký chỉ sau vài giờ (kể cả việc nhập dữ liệu và rà soát thông tin cũng chỉ hết vài ngày).

Tuy nhiên, trong quá trình đăng ký hồ sơ, thời gian qua không ít thí sinh bị nhầm lẫn nên khi nhập liệu, hệ thống không chấp nhận, phải khai lại thông tin. Vì vậy, để tránh tình trạng phải gấp gáp sửa thông tin (nếu gặp sai sót), thí sinh cần chủ động nộp sớm hồ sơ khi đã cân nhắc kỹ.

TRẦN HUỲNH – NGỌC HÀ