Trung Quốc hiện diện đậm đặc ở Campuchia
Kể từ năm 2012, theo Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody, Trung Quốc đã vượt qua các tổ chức đa phương gộp lại và Liên minh châu Âu về khoản hỗ trợ tài chính thường niên tại Campuchia.
Trung Quốc hiện diện đậm đặc ở Campuchia
Kể từ năm 2012, theo Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody, Trung Quốc đã vượt qua các tổ chức đa phương gộp lại và Liên minh châu Âu về khoản hỗ trợ tài chính thường niên tại Campuchia.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) bắt tay thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Văn phòng thủ tướng Campuhia ở Phnom Penh ngày 13-10-2016 – Ảnh: REUTERS |
Hãng tin Nikkei của Nhật Bản mới đây đã có một bài đánh giá tổng quan về quá trình họ gọi là “Trung Quốc hóa” tại Campuchia.
Qua đó chỉ ra sự hiện diện và chi phối sâu sắc trong lĩnh vực kinh tế của các tổ chức doanh nghiệp Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này.
Nở rộ các dự án hạ tầng
Hội đồng Phát triển Campuchia cho biết kể từ năm 2011, Trung Quốc là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào Campuchia với tổng vốn đầu tư kể từ đó cho tới đầu tháng 12 năm ngoái đạt 4,9 tỉ USD.
Các tòa nhà mới xây với phần lớn từ tiền đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc mọc lên gần như khắp nơi tại nước này.
Một trong những dự án đáng chú ý nhất là khu One Park, còn gọi là Phnom Penh số 1, một khu tổ hợp nhà ở và thương mại.
Chủ dự án này là Tập đoàn phát triển bất động sản Graticity, một doanh nghiệp ít tiếng tăm có trụ sở tại Bắc Kinh.
Giai đoạn đầu xây dựng của dự án tiến hành trên 7,9ha đất cải tạo ở khu vực từng một thời là hồ Boeung Kak.
Chưa rõ tổng chi phí xây dựng dự án này là bao nhiêu, nhưng theo Tổng công ty Xây dựng Trung Quốc (đơn vị trúng thầu), chỉ tính riêng chi phí xây dựng đã lên tới 130 triệu USD.
Cùng với đó vẫn còn 11,1ha đất cải tạo khác đã được trù tính cho kế hoạch phát triển tiếp theo.
Ngày 6-3, cùng với khoảng 6.000 người dân địa phương, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Xiong Bo đã cùng tham gia lễ khởi công công trình xây dựng tuyến đường dài 16km thuộc dự án đường vành đai số 2 bao quanh Phnom Penh.
Đây là công trình được xây dựng từ nguồn vốn vay ưu đãi 61 triệu USD của Chính phủ Trung Quốc.
Trên thực tế, hình ảnh lãnh đạo Campuchia bên cạnh đại sứ Trung Quốc trong các buổi lễ khởi công hay khánh thành các tuyến đường mới, những cây cầu mới và các dự án khác được xây dựng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc thời gian qua đã xuất hiện rất nhiều lần tại nhiều địa điểm trên toàn lãnh thổ Campuchia.
Ngày 1-12 năm ngoái, phát biểu trước đoàn đại biểu doanh nghiệp của Trung Quốc, ông Hun Sen nói: “Chúng tôi cảm ơn vì tất cả những hỗ trợ. Có thể nói rằng tình hữu nghị anh em của Trung Quốc đã giúp chúng tôi xây dựng được con đường dài nhất, khoảng 1.500km và 7 cây cầu với tổng chiều dài khoảng 3.104m”.
Không chỉ là nhà cửa, đường sá và cầu, sự hiện diện của Trung Quốc trong lĩnh vực điện lực cũng ngày càng tăng.
Trang web chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc đã cung cấp khoảng 80% trong tổng lượng điện sản xuất tại Campuchia năm 2016.
Tân Hoa xã dẫn lời Bộ trưởng Công nghiệp, mỏ và năng lượng Campuchia Suy Sen tại một sự kiện, theo đó Bắc Kinh đã đầu tư 2,4 tỉ USD cho 7 nhà máy điện tại Campuchia trong thập kỷ qua.
Không có bữa trưa miễn phí
Đương nhiên ai cũng hiểu không có chuyện những “bữa trưa miễn phí” với Campuchia. Campuchia được xem là một phần thiết yếu trong sáng kiến Một vành đai, một con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bắc Kinh cũng coi quốc gia Đông Nam Á này là một phần không thể thiếu trong chiến lược xây dựng tuyến giao thông hàng hải “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc, kết nối đặc khu hành chính Hong Kong với Sudan qua Ấn Độ Dương.
Theo chiến lược đó, Sihanoukville – cảng biển lớn nhất của Campuchia – chính là một “viên” trong “chuỗi ngọc trai” đó.
Cùng với việc nhấn mạnh các hoạt động hỗ trợ kinh tế của Bắc Kinh với Phnom Penh, trong tuyên bố chung của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Campuchia Hun Sen công bố tháng 10 năm ngoái nêu rõ hai bên nhất trí “tăng cường phối hợp và hợp tác trong các cơ chế hợp tác đa phương khác nhau” và duy trì các hoạt động liên lạc gần gũi, hợp thời điểm và hiệu quả về các vấn đề liên quan tới những lợi ích thiết yếu để cùng “ủng hộ mạnh mẽ lẫn nhau”.
Những ảnh hưởng của Trung Quốc với Campuchia rõ ràng đang ngày càng tăng.
Cảm nhận được việc chính phủ đã bật đèn xanh cho quá trình đầu tư ở Campuchia, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang ùn ùn kéo tới nước này.
Tháng 12 năm ngoái, Tập đoàn đầu tư Minsheng dẫn đầu đoàn đại biểu từ hơn 100 doanh nghiệp tới Campuchia.
Chủ tịch tập đoàn này, ông Dong Wenbia, cam kết đầu tư xây dựng một khu công nghiệp ở ngoại ô Phnom Penh và thành lập một quỹ phát triển hạ tầng có số vốn hàng trăm triệu USD.
Trường Trung Quốc phát triển mạnh Nằm ngay trung tâm khu thương mại Phnom Penh là một trong những ngôi trường nổi tiếng nhất của người Trung Quốc tại Campuchia, Trường Tuan Hoa. Đây là một trong những trường cấp 1-2 sử dụng ngôn ngữ tiếng phổ thông Trung Quốc lớn nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục và vùng lãnh thổ Đài Loan. Hiện tại, trường này có tổng cộng hơn 11.000 học sinh. Bà Loeung Sokmenh, hiệu trưởng của khu học xá chính, cho biết: “Mối quan hệ tốt đẹp giữa Campuchia và Trung Quốc rõ ràng đã có tác động sâu sắc. Ngày càng nhiều phụ huynh ở đây thấy rằng việc học tiếng phổ thông Trung Quốc giúp con họ dễ tìm việc làm hơn”. |