02/11/2024

Thúc các “ông lớn” thoái vốn

Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN) ngày 10-4, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức nếu cố tình làm chậm trễ tiến độ cổ phần hoá (CPH), đổi mới DN nhà nước.

 

Thúc các “ông lớn” thoái vốn

Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN) ngày 10-4, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức nếu cố tình làm chậm trễ tiến độ cổ phần hoá (CPH), đổi mới DN nhà nước.

 

 

 

Thúc các “ông lớn” thoái vốn
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm lượng vốn rất lớn nhưng chưa cổ phần được, trong đó đất đai là một trở ngại như trường hợp Tập đoàn Cao su VN – Ảnh: Q.ĐỊNH

Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN Lê Mạnh Hà cho biết: Thủ tướng đã quyết định trong giai đoạn 2016 – 2020, cả nước thực hiện CPH 137 DN nhà nước, tập trung ở 8 bộ, 32 địa phương và 4 tập đoàn kinh tế.

Vốn lớn, tài sản nhiều nên khó bán?

Theo tiến độ thì trong quý 1-2017 các đơn vị này phải xây dựng danh mục sắp xếp, CPH theo từng năm, trong đó có lộ trình xác định giá trị DN, trình Thủ tướng phê duyệt để thực hiện. Tuy nhiên, đến hết quý 1 mới có 2 bộ, ngành, 2 địa phương và 2 tập đoàn kinh tế trình Thủ tướng danh mục này.

“Tình trạng này khiến không thể đánh giá và đốc thúc tiến độ CPH. Nguyên nhân tồn tại, hạn chế trước hết là do các DN còn lại phải CPH là các DN lớn, có nhiều DN tình hình tài chính, công nợ phức tạp, phải xử lý trước khi CPH. Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn và tổng công ty nhà nước chưa tập trung, chủ động cho công việc sắp xếp, đổi mới DN nhà nước” – ông Hà nói.

 

Về thực trạng nhiều DN nhà nước được CPH nhưng lượng vốn không nhiều (xem biểu đồ), Phó thủ tướng lưu ý trong giai đoạn tới phải thực hiện vừa khẩn trương, vừa bài bản bởi số lượng DN thì không lớn nhưng số vốn còn phải CPH rất nhiều.

Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản VN (TKV) Lê Minh Chuẩn báo cáo đến nay TKV đã CPH 61 đơn vị trên tổng số gần 80 đơn vị, đã thoái vốn ngoài ngành và thu về hơn 2.000 tỉ đồng với số thặng dư hơn 400 tỉ.

“Khó khăn lớn nhất giai đoạn vừa qua là có nhiều DN thoái vốn nhưng nhà đầu tư thì ít, trong giai đoạn tới đây DN phải CPH có số vốn rất lớn, nên việc tìm nhà đầu tư chiến lược để tiến hành CPH giai đoạn tới là rất khó khăn” – ông Chuẩn giải thích.

Ông cho biết năm 2019, công ty mẹ là TKV sẽ xác định xong giá trị DN. “Chúng tôi không dám hứa sớm hơn bởi thực hiện còn nhiều vấn đề” – ông nói.

Với Tập đoàn Điện lực VN (EVN), chủ tịch Dương Quang Thành cho biết năm 2016 tập trung CPH 3 tổng công ty phát điện, đã thuê tư vấn xác định giá trị DN và trình Thủ tướng Chính phủ phương án CPH Tổng công ty Phát điện 3.

“Thủ tướng đã yêu cầu phải đề nghị Kiểm toán Nhà nước xác định lại giá trị DN, do đó EVN phải xin lùi thời gian công bố giá trị DN. 3 tổng công ty này có tổng tài sản hơn 300.000 tỉ đồng, CPH cũng không phải dễ” – ông Thành khẳng định.

Vốn và tài sản lớn nên khó CPH cũng là vấn đề của Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), được phó tổng giám đốc Lê Minh Hồng trình bày. Ông cho biết PVN có 22 đơn vị thuộc diện phải CPH, nay đã CPH 17 đơn vị, trong năm 2017 đang làm thủ tục để CPH 3 đơn vị.

“Đến thời điểm này đã xác định xong giá trị DN của PVOil và PVPower, còn Công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn đang kiểm toán. Điều băn khoăn là cả 3 DN này có vốn nhà nước rất lớn, khoảng 80.000 tỉ đồng và tổng tài sản trên 140.000 tỉ đồng” – ông Hồng cho biết.

Điều mà ông Hồng nói “băn khoăn” chính là số vốn lớn, nhưng khi CPH không biết sẽ bán được bao nhiêu. Với lý do này, PVN “đề nghị cho phép lựa chọn thời điểm thích hợp để thoái vốn” – ông đề xuất. Đây cũng là kiến nghị của Tập đoàn viễn thông Quân đội.

Thúc các “ông lớn” thoái vốn
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải xác định và xử lý trách nhiệm cá nhân thực hiện kém hiệu quả, không đúng pháp luật về thoái vốn DN nhà nước – Ảnh: T.C.

Vướng đất đai, 
khó xác định giá trị DN

Vấn đề này được nhiều ý kiến đặt ra. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nêu ví dụ của Tổng công ty Vật tư nông nghiệp: đã xác định xong giá trị DN để chuẩn bị CPH, nhưng vừa rồi TP Hà Nội thu lại hơn 8.000m2/24.000m2đất của tổng công ty.

“Thế là phải xác định lại giá trị DN” – ông Tuấn cho biết.

Đất đai cũng là vấn đề lớn cần xử lý trong tiến độ CPH Tập đoàn Cao su VN. Tập đoàn này có tới trên 400.000m2. “Đề nghị Thủ tướng, Phó thủ tướng chủ trì cho tập đoàn báo cáo phương án” – ông Tuấn nêu.

Cũng chậm trễ, nhưng vấn đề ở Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) lại khác. Theo ông Hà Công Tuấn, lúc đầu Vinafood 2 được định giá dưới 5.000 tỉ đồng, sau đó phát hiện nhiều vấn đề nên Thủ tướng cho kiểm toán, đến khi kiểm toán lại có vấn đề về công nợ khó đòi, phải xử lý.

Với TP.HCM, vị đại diện Ban chỉ đạo sắp xếp, đổi mới DN cho biết TP còn lại 39 DN cần CPH, số vốn rất lớn. Vướng nhất vẫn là xác định giá trị DN, đặc biệt là chuyển giao tài sản và xác định giá trị đất đai. Hiện TP có 13 tổng công ty, có 29 liên doanh với nước ngoài, trong đó có góp vốn bằng quyền sử dụng đất (thời hạn khác nhau).

Nếu thay đổi thời gian hưởng quyền sử dụng đất thì giá trị thay đổi rất lớn. Vị này “đề nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể để xác định giá trị lợi thế đất đai để thực hiện cho đồng bộ.

Đồng thời, Chính phủ nên có chế tài đối với các đơn vị tư vấn, đặc biệt là tư vấn xác định giá trị DN. Nếu họ làm không đúng trách nhiệm, hoặc có biểu hiện gì đó làm cho thất thoát thì rất khó cho việc xác định giá trị DN”.

Để tháo gỡ khó khăn trong xác định giá trị đất đai, đặc biệt là đối với các DN “ôm” nhiều đất nhưng ít nhu cầu sử dụng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Đặng Huy Đông đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương rà soát đất đai trong 137 DN nhà nước đang thực hiện CPH, yêu cầu DN cho biết phần đất đai nào tiếp tục sử dụng, phần đất đai nào không có nhu cầu sử dụng thì bàn giao lại cho Nhà nước.

Phúc đáp ý kiến của đại diện TP.HCM, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giải thích: về tư vấn, phải tiến hành đấu thầu để chọn nhà tư vấn cho đúng, đàng hoàng bởi điều này liên quan rất nhiều đến tính minh bạch, nhất là khi niêm yết.

Phó thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần chủ động giải quyết những vấn đề vướng mắc trước CPH đối với từng DN, không chờ đợi sửa đổi thể chế, “còn cứ đợi rà soát cho hết 137 DN thì không biết đến bao giờ mới xong”.

Ông cho biết Chính phủ sẽ xử lý những vấn đề tồn tại cụ thể trước CPH, kể cả các vấn đề tài chính, đất đai; tránh tình trạng CPH xong rồi thì Nhà nước lại phải chạy theo xử lý những vấn đề không thuộc Nhà nước nữa.

Thúc các “ông lớn” thoái vốn
Số DN nhà nước được CPH chiếm tỉ lệ rất cao nhưng lượng vốn được CPH rất thấp, chủ yếu nằm trong các tập đoàn, tổng công ty lớn – Đồ hoạ: TẤN ĐẠT

Không được “ngâm” hồ sơ của DN

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý rằng không chỉ tiến độ CPH mà công tác đổi mới, sắp xếp DN còn nhiều việc chậm, đặc biệt ở khâu giải quyết thủ tục hành chính, thẩm định hồ sơ.

“Có việc chậm ngay ở trên này, DN trình cả tháng rồi mà trên bàn làm việc của tôi đã thấy đâu. Ở trên này chậm một ngày thì đôi khi làm DN họ chậm cả tháng, cả quý, thậm chí cả năm, không thể ngâm hồ sơ của người ta mãi” – Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu ban chỉ đạo cũng lưu ý: Tới đây phải đẩy mạnh tiến độ sắp xếp, đổi mới DN nhà nước, CPH chỉ là một phần. Lưu ý phải quan tâm đến việc chống lợi ích nhóm, tiêu cực trong CPH.

Xác định rõ trách nhiệm cá nhân có liên quan trong quá trình sắp xếp, đổi mới DN nhà nước, xử lý nghiêm những cán bộ thực hiện kém hiệu quả công tác này, cố tình làm trái pháp luật và không thực hiện chỉ đạo.


LÊ KIÊN