29/11/2024

Hồi hộp quan hệ Nga – Mỹ

Những căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Mỹ bùng lên ngay trước chuyến thăm Matxcơva của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.

 

Hồi hộp quan hệ Nga – Mỹ

Những căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Mỹ bùng lên ngay trước chuyến thăm Matxcơva của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.

 

 

 

Hồi hộp quan hệ Nga - Mỹ
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và ông Rex Tillerson ở thời điểm còn là CEO của Công ty ExxonMobil – Ảnh: Reuters

“Quan hệ giữa chính quyền Donald Trump và Nga đang trên đà 
lao dốc”

Đô đốc James Stavridis (cựu tư lệnh tối cao của NATO tại châu Âu)

Theo kế hoạch, ông Tillerson đến Nga từ ngày 11 đến 12-4. Hãng tin AP mô tả chuyến đi này là bài kiểm tra cho kỳ vọng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc cải thiện quan hệ Mỹ – Nga.

Những điểm nóng chờ ông Tillerson

Trong những lần nói về Nga, ông Trump luôn khẳng định có thể hợp tác tốt với chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin. Tuy nhiên trước chuyến đi của ông Tillerson, các quan chức Mỹ lại tỏ thái độ kiên quyết với Nga.

Từ chỗ hứa hẹn “cơm lành, canh ngọt”, sự kiện Mỹ phóng tên lửa vào căn cứ quân sự ở Syria vừa qua đã khiến Nga phản đối mạnh mẽ. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho rằng Mỹ đang trên bờ vực xung đột quân sự với Nga, vì đã hành động đơn phương chống lại chính quyền Syria mà Matxcơva đang ủng hộ.

 

Ngược lại, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn phát sóng hôm 9-4, ông Tillerson khẳng định Nga đã “thất bại trong nhiệm vụ” ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hoá học của Syria. Ông tuyên bố: “Vì thế, hoặc là Nga đã đồng lõa, hoặc đơn giản không đủ năng lực thực thi thoả thuận năm 2013 về việc phá huỷ kho vũ khí hoá học của Syria”.

New York Times cho rằng ông Tillerson sẽ gửi thông điệp tới Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Tổng thống Putin về lập trường của Mỹ ở Syria, và tái khẳng định Mỹ đã không kích nhằm vào vũ khí h học chứ không muốn đụng độ với Nga.

Ngoài ra, ông Tillerson cũng tìm cách thúc đẩy các thoả thuận cùng Nga chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) , vốn lâu nay được cho là nguyên cớ cho sự hiện diện của Nga, Mỹ ở Syria.

Bên cạnh đó, ông Tillerson cũng không quên nhắc lại nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ, dự kiến sẽ đem câu chuyện vào chương trình nghị sự. Một vấn đề khác cũng được trông đợi ở chuyến thăm tới đây của ông Tillerson sẽ là vấn đề Triều Tiên.

Cả Nga và Mỹ đều muốn giải quyết vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, tuy nhiên Matxcơva lại phản đối việc Lầu Năm Góc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc, vì cho rằng điều này làm mất ổn định an ninh khu vực.

Chính quyền ông Trump khó lường

Trong động thái mới hôm 10-4, Nga và Iran đưa ra cảnh báo trực tiếp tới Tổng thống Mỹ Trump, nói rằng cuộc tấn công bằng tên lửa tại Syria đã vượt “lằn ranh đỏ”, và nếu Mỹ tiếp tục có hành động xa hơn thì xung đột sẽ xảy ra.

Trong những ngày qua, ngoài những phát biểu lên án hành động của Mỹ tại Syria, Nga hầu như chưa để lộ ý định của họ về tương lai trong mối quan hệ với Mỹ. Nhưng theo cựu đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul, Matxcơva có thể sẽ án binh bất động và chờ đợi hành động tiếp theo của ông Trump.

Vì thế sẽ khó thấy được những cơ hội thực tế cho việc nối lại quan hệ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, có thể Nga sẽ tỏ thái độ ôn hoà với ông Tillerson để tạo đà cho một cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin.

“Tôi nghĩ người Nga đã hạ mức kỳ vọng về khả năng có một bước chuyển đột phá, và những gì xảy ra tại Syria sẽ càng khiến kỳ vọng ấy thấp hơn” – AP dẫn lời ông McFaul.

Như vậy, tương lai của mối quan hệ Mỹ – Nga giờ đây phụ thuộc nhiều vào ông Trump, trong lúc truyền thông quốc tế vẫn tiếp tục tranh cãi ở những điểm chính: đằng sau quyết định tấn công ở Syria là gì, ông Trump sẽ hành động gì tiếp theo ở Syria?

Một số ý kiến cho rằng việc không kích Syria là hành động bột phát của ông Trump, nhưng không ít người khen ngợi nước cờ mang tính chính trị này trong việc gửi thông điệp mạnh mẽ đến Nga, Triều Tiên và Trung Quốc.

Điểm khó lường ở chỗ, trong khi giới quan sát ngày 8-4 đánh giá có thể ông Trump chỉ ra “đòn gió” nhằm răn đe Syria về vũ khí hoá học, thì hôm 9-4, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley lại khẳng định rằng Tổng thống Bashar al-Assad không thể đóng vai trò nào trong hòa đàm Syria.

Lời bà Haley phù hợp với việc ông Trump trước lúc ra lệnh phóng tên lửa đã nói rằng ông phải “suy nghĩ lại rất nhiều” về Syria và Bashar al-Assad.

Đây là sự thay đổi đáng chú ý. Trước đây trong nỗ lực xây dựng lại quan hệ với Nga, ông Trump để hở khả năng ông Bashar al-Assad tại vị ở Syria sau hòa đàm.

Thậm chí ngày 9-4, Ngoại trưởng Tillerson tuyên bố có phần trái ngược với bà Haley, khi khẳng định hi vọng hợp tác cùng Nga tìm giải pháp và để người dân Syria quyết định tương lai của Bashar al-Assad.

Sự bất nhất trong các tuyên bố của chính quyền ông Trump lúc này làm giới phân tích chưa thể đoán định tương lai quan hệ Mỹ – Nga. Nhưng nếu Mỹ trở lại với lập trường loại bỏ Bashar al-Assad, mâu thuẫn giữa chính quyền ông Trump và Nga sẽ giống hệt những gì đã xảy ra từ thời ông Obama.

Viễn cảnh ông Trump sẽ can thiệp sâu hơn, thậm chí sa lầy vào chiến trường Syria cũng đồng nghĩa Mỹ và Nga khó tránh xung đột.

Việc ông Trump ra lệnh tấn công căn cứ quân sự ở Syria tạo ra nhiều đồn đoán, thuyết âm mưu. Một số ý kiến cho rằng ông Trump cố tình “chọc giận” Nga để khoả lấp những cáo buộc nói rằng ông thông đồng với người Nga trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016.

Đài Russia Today (Nga) ngày 10-4 chế giễu những thuyết âm mưu ấy trong một bài tổng hợp, trong đó có cả lập luận cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã… chủ động thực hiện cuộc tấn công bằng vũ khí hpá học để giúp ông Trump có cớ tấn công vào Syria!

NHẬT ĐĂNG