02/11/2024

Đôi bạn khởi nghiệp bằng đất sạch hữu cơ

Hai sinh viên ở Cần Thơ cùng chung ý tưởng là làm sao phải áp dụng ngành học, môn học của mình vào thực tế bởi nó liên quan trực tiếp đến bảo vệ và làm sạch môi trường.

 

Đôi bạn khởi nghiệp bằng đất sạch hữu cơ

 Hai sinh viên ở Cần Thơ cùng chung ý tưởng là làm sao phải áp dụng ngành học, môn học của mình vào thực tế bởi nó liên quan trực tiếp đến bảo vệ và làm sạch môi trường.

 

 

 

Đôi bạn khởi nghiệp bằng đất sạch hữu cơ
Đôi bạn Phan Hồng Mức và Nguyễn Hữu Huy Hào trả lời chất vấn của ban giám khảo tại đêm gala chung kết cuộc thi Start-up Student Ideas – Ảnh: Nam Trần

Đó là bạn Phan Hồng Mức (nữ sinh viên năm thứ 3 ngành quản lý công nghiệp, Trường ĐH Kỹ thuật – công nghệ Cần Thơ) và Nguyễn Hữu Huy Hào (CĐ Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ).

Sản phẩm đất sạch hữu cơ từ chất thải thủy sản vừa đoạt giải nhì cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên (Start-up Student Ideas) lần thứ nhất do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức.

Lấy kiến thức làm thực tế

Mức chia sẻ hiện nay ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến tài nguyên nước như: ngập mặn, hạn hán và ô nhiễm từ các hoạt động công nghiệp. Đặc biệt, công tác xử lý nước thải từ các công ty chế biến thủy sản hiện chưa được quản lý chặt chẽ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên nước mặt đang ngày càng cạn kiệt.

 

“Tại sao mình không vận dụng kiến thức đã học để xử lý nước thải từ các công ty chế biến thuỷ sản, vừa giúp cải thiện quy trình xử lý nước thải cho công ty lại vừa có thể tạo nguồn thu từ chính quá trình xử lý nước thải” – Mức nói.

 

Về phần mình, Hào cho rằng nguồn nước khá quan trọng trong nuôi trồng và chế biến thủy sản. Ngành này lại thải ra một lượng nước thải có nhiều đạm, lân rất có lợi cho cây trồng. Tuy nhiên, đa số công ty chế biến thuỷ sản chưa có hệ thống xử lý nước thải triệt để do chi phí vận hành quá cao.

Đặc biệt là các sản phẩm sau khi xử lý như bùn thải… chưa được quản lý đúng cách gây nguy hại đến môi trường. “Không làm thử sao biết không được, nên bọn mình bắt tay vào thực hiện ý tưởng đó ngay” – Hào cho biết.

Hai bạn bắt đầu lân la đến các nhà máy chế biến thủy sản ở tận Cà Mau, Sóc Trăng để đặt vấn đề xin chất thải mang về xử lý. Lúc đầu nhiều nơi vẫn còn nghi ngại vì trước giờ chưa có sinh viên hay bạn trẻ nào quan tâm đến vấn đề này.

“Tới đâu cũng phải giải thích tỉ mỉ việc mình sẽ làm, thay vì chất thải đó họ phải thuê các công ty hút bồn cầu hoặc mua máy ép để làm khô rồi mang đi đốt rất tốn kém… Ai cũng gật đầu chia sẻ, nhưng mình hiểu họ chưa thấy được tính thiết thực và mức độ thành công” – Mức cười.

Mang chất thải về nhà, làm đi làm lại cả chục lần các công đoạn tách nước, khử UV rồi xử lý vi sinh, cả người lúc nào cũng đầy mùi của tạp chất nhưng Mức và Hào không nản, đến khi các loại rau như xà lách, cải xanh, rau muống… sống tươi tốt trên sản phẩm đất sạch của mình mà không cần đến bất kỳ loại đất hay phân thuốc nào bổ sung thì hai bạn mới hớn hở: thành công rồi.

3 ngày sản xuất được 5 tấn đất

Mức kể lại, khi thí nghiệm đã thành công, cái khó nhất là đi thuyết phục mọi người sử dụng sản phẩm của mình, tất cả đều phải cần có thời gian. “Lúc đầu tụi mình chỉ giới thiệu với những người thân quen, gửi sản phẩm cho họ dùng thử. Bên cạnh đó, tụi mình cũng mang sản phẩm đến các cơ sở chuyên sản xuất rau sạch để họ biết và làm quen với sản phẩm này” – Mức trải lòng.

Anh Nguyễn Duy Phúc, giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Cần Thơ, là một trong những người đầu tiên sử dụng sản phẩm đất sạch của Mức và Hào. Anh Phúc cho biết vô tình thấy hai bạn giới thiệu sản phẩm ở một hội chợ, các bạn giới thiệu tận tình nhưng không mấy thu hút mọi người.

“Bản thân làm công việc liên quan rất nhiều đến sinh viên, việc làm nên tôi rất hứng thú khi thấy sản phẩm mới của các bạn. Ban đầu tôi nghĩ chỉ ủng hộ các bạn sử dụng thử, nếu không đạt mình sẽ góp ý để các bạn hoàn thiện. Nhưng không ngờ sản phẩm đạt chất lượng khá tốt” – anh Phúc nói.

Hiện nay, anh Phúc đã dành một khoảng trên tầng thượng của tòa nhà trung tâm để trồng rau, củ sạch và cả dưa lưới bằng loại đất trên, loại nào cũng mọc xanh um, tươi tốt mà không cần bón thêm phân hay phun bất kỳ loại thuốc nào. “Hiện trung tâm đang hỗ trợ các bạn trong việc quảng bá thương hiệu để mang sản phẩm đến rộng rãi mọi đối tượng khách hàng tiện lợi nhất” – anh Phúc chia sẻ.

Gần một năm ròng thí nghiệm, rong ruổi quảng bá sản phẩm của mình, đến nay nhiều nhà vườn trồng rau sạch tại TP Cần Thơ đang sử dụng đất sạch do Mức và Hào tạo ra. Hào cho biết nếu huy động tất cả người nhà tham gia thì trong vòng 3 ngày có thể sản xuất được 5 tấn đất sạch.

Theo Mức, loại đất này rất nhiều dưỡng chất như đạm, lân nên hoàn toàn có thể thay thế cho phân bón hữu cơ. “Dù còn nhiều khó khăn về kinh nghiệm lẫn kinh phí nhưng tụi mình sẽ không bỏ cuộc. Vì hiện nay sản phẩm của tụi mình giúp rất nhiều trong việc cải thiện môi trường sống. Hi vọng sẽ có nhiều bạn trẻ cùng lý tưởng chung tay bảo vệ môi trường bằng trí tuệ và niềm tin của mình” – Mức tâm sự.

Hào kể thêm sau cuộc thi, rất nhiều tin vui đến với hai bạn, nhiều người đặt vấn đề để mua sản phẩm lâu dài, trước mắt đã có ba công ty thủy sản làm hợp đồng cam kết hỗ trợ trong việc vận chuyển và “cung ứng” chất thải để hai bạn không bị động trong việc tìm nguyên liệu.

Bán sản phẩm ngay trên sóng truyền hình

Tại đêm chung kết và trao giải cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên (Start-up Student Ideas) lần thứ nhất, nhóm của Hồng Mức, Huy Hào trực tiếp mang sản phẩm đất sạch hữu cơ giới thiệu với ban giám khảo và khán giả.

Hiện các bạn đang bán với giá sản phẩm ban đầu là 20.000 đồng/gói (2kg). Khi MC hỏi khán giả trong trường quay: “Ai thích thú và sẽ đặt hàng mua sản phẩm này?”, rất nhiều cánh tay “khách hàng” giơ lên đặt hàng trực tiếp mua sản phẩm ngay trên sóng truyền hình.

Ông Đỗ Hoài Nam – chủ tịch Không gian làm việc chung UP – chia sẻ rất ấn tượng với ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp hướng đến nông nghiệp sạch, tận dụng bùn thải ở địa phương của nhóm thí sinh, vừa đảm bảo môi trường, vừa đảm bảo yếu tố kinh doanh.Hà Thanh


THUỲ TRANG