02/11/2024

Trái đắng của sự hào phóng

Thuỵ Điển được coi là một trong những nước an toàn, thân thiện và hào phóng nhất thế giới. Tại sao có những con người được đón nhận mà lại trở mặt khủng bố chính đất nước và con người đã dang tay đón nhận mình?

 

Trái đắng của sự hào phóng

Thuỵ Điển được coi là một trong những nước an toàn, thân thiện và hào phóng nhất thế giới. Tại sao có những con người được đón nhận mà lại trở mặt khủng bố chính đất nước và con người đã dang tay đón nhận mình? 

 

 

 

Trái đắng của sự hào phóng
Hoa và nến tưởng niệm các nạn nhân vụ đâm xe ngày 7-4 – Ảnh: AFP

Cả ngày thứ năm tôi cho con gái đi chơi trong trung tâm, có quanh quẩn ở ga T-Centralen và phố Drottninggatan một lúc.

Sáng thứ sáu đi làm, tôi cũng phải chuyển tàu ở T-Centralen. Chiều thứ sáu, ông xã vừa đón con đi học, về đến nhà đã bảo ngay: “Anh vừa nghe đài. Khủng bố ở T-Centralen”.

Chốn hẹn hò

“Cái gì cơ? Có ai làm sao không?” – tôi phản ứng ngay như không tin vào tai mình.

 

“Có kẻ lái xe tải đâm thẳng vào đám đông làm chết mấy người và bị thương nhiều người. Xe cháy nổ nữa. Thế nào cũng xảy ra mà. Kinh khủng! Tàu điện ngầm và xe buýt ngừng hết rồi. Phong tỏa cả thành phố, đến tận ngay Sickla nhà mình đây này. Rõ khổ, tối nay chắc nhiều người phải đi bộ về nhà rồi” – chồng tôi đáp.

 

Tôi cũng mở vội máy tính và phát hoảng, không biết bạn bè, người quen có ai quanh quẩn ở đó và bị đâm không.

Phố đó chúng tôi thỉnh thoảng cũng lượn lờ và vì là ga trung tâm nên thường xuyên được chọn làm điểm hẹn, nhất là ở cửa lên Trung tâm thương mại Ahlens – chính là nơi chiếc xe tải đâm vào (cũng chỉ cách chỗ bom nổ năm 2010 hơn trăm mét).

Nhưng khi đọc kỹ thì tôi lại thở phào nhẹ nhõm. Chiếc xe tải đâm người chỉ bị đánh cắp có vài giờ trước khi xảy ra vụ đâm người, khi tài xế xuống xe dỡ hàng mà không rút chìa khóa. Cảnh sát nói đây là hành động khủng bố, nhưng không nâng mức báo động.

Tôi gần như tin chắc đó chỉ là một kẻ điên khùng đơn lẻ, chứ không phải khủng bố có tổ chức. Vậy nên tôi cứ băn khoăn không hiểu có cần thiết phải đình trệ mọi hoạt động của cả thành phố như vậy không.

Cả đến ngoại vi nữa, chị bạn nhà ở gần sân bay cũng kể cả chiều tối nghe tiếng còi hụ và tiếng trực thăng ầm ầm. Có đáng phải huy động mọi lực lượng và kinh động người dân như vậy chỉ vì một kẻ điên cơ hội không nhỉ?

Nửa đêm thứ sáu đọc tin đã bắt được kẻ lái xe là người Uzbekistan (giống bọn khủng bố ở Istanbul và Saint Petersburg).

Đêm đó, cảnh sát cũng vây ráp mấy khu nhà và bắt giữ thêm vài người có liên quan. Hóa ra năm ngoái mật vụ đã nhận được báo cáo nghi nhân vật này là khủng bố nhưng không đủ chứng cứ. Đến chiều tối thứ bảy thì lại đọc tin có bom ở Malmö và Oslo…

Tại sao họ phản bội?

Giờ thì tôi bắt đầu lo lắng thật sự cho tương lai, cho an toàn của mình và gia đình, của người dân thành phố và đất nước này.

Thụy Điển vốn được coi là một trong những nước an toàn, thân thiện và hào phóng nhất thế giới. Tại sao lại có những con người được đón nhận mà lại trở mặt khủng bố chính đất nước và con người đã dang tay đón nhận mình?

Tại sao một người cha hằng ngày vẫn làm việc chăm chỉ để gửi tiền nuôi bốn đứa con – hẳn phải yêu chúng lắm – lại nhẫn tâm phóng xe đâm những người bố, người mẹ và cả những em bé khác? Thật không thể hiểu nổi!

Sẽ lại loay hoay ngổn ngang với các suy nghĩ về vấn đề nhập cư, vốn luôn là vấn đề nóng ở đất nước này. Thuỵ Điển vốn hào phóng thân thiện, thậm chí dễ dãi, nhưng ngày càng phải chặt chẽ hơn dù điều đó đi ngược với các giá trị của đa số chính khách và người dân.

Ngay sau vụ đâm xe, Thuỵ Điển đã thắt chặt kiểm soát biên giới hơn nữa. Tôi nghĩ đúng là phải làm thế thật, nhưng cũng lại chợt nhớ đến em trai cùng lớp dự bị với cô bé học sinh của tôi.

Cách đây hai tuần, vào một ngày tuyết rơi nhiều, cô bé học sinh nhắn tin: “Cô ơi, cái bạn đeo kính cận cho mình mượn sách ấy nó chết rồi. Hôm nay chẳng học hành gì, ai cũng khóc”.

Thằng bé ấy, 16 tuổi, nó hiền lắm, lúc nào cũng chỉ ngồi góc lớp, không quậy như những đứa khác. Nó người Kazakhstan, vượt biển sang Thuỵ Điển một mình. Nghe nói nó tự tử vì đơn xin tị nạn bị từ chối…

Buồn lo vậy nhưng biết làm sao? Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Sau hôm đó, lớp học lại bình thường, nhưng bàn học thằng bé luôn có ngọn nến thắp sáng. Một tuần sau thì vẫn còn nến nhưng không thắp nữa. Cái bàn có ảnh nó và hoa, nến bên ngoài hành lang cũng được bỏ đi.

Tuần vài lần đi làm, tôi vẫn phải chuyển tàu ở ga T-Centralen và một số ga điện ngầm đông đúc khác ở trung tâm – các mục tiêu đương nhiên của bọn khủng bố.

Từ giờ, trong nhiều tháng, thậm chí vài năm nữa sẽ không thể tránh nổi cảm giác nơm nớp mỗi khi đi làm hay đi chơi qua trung tâm, sẽ phải hạn chế không cho con cái đi chơi những chỗ đông người.

Nhưng rồi đâu sẽ vào đó, chính những thử thách như vụ khủng bố này cho tôi niềm tin vào đất nước và hệ thống này, vào sự tử tế của con người nơi đây.

Cả thành phố bị ảnh hưởng, nhân viên không được và cũng không thể rời văn phòng, các cửa hàng đóng cửa, tàu xe không chạy, bố mẹ không thể về đón con nhỏ… Ai cũng lo lắng, mệt mỏi, nhưng không có cảnh hoảng loạn vì được chính quyền và báo chí thông tin đầy đủ và nhanh chóng.

Các phụ huynh và thầy cô đón con người khác về nhà mình chăm sóc. Nhiều người lái xe đưa đón những người kẹt trong trung tâm…

Ngày chủ nhật, Ahlens lại mở cửa bình thường.

Nghi can từng có tên trong hồ sơ an ninh

Ngày 9-4, trong khi người dân Stockholm treo cờ rủ và tổ chức buổi cầu nguyện cho những nạn nhân xấu số, cảnh sát tiếp tục đào sâu vào các manh mối trong cuộc điều tra vụ tấn công ở thành phố.

Cảnh sát xác nhận nghi can 39 tuổi người Uzbekistan là người đã lái chiếc xe tải tấn công ở Stockholm làm bốn người thiệt mạng. Hắn bị bắt trong một chiến dịch ở ngoại ô thành phố hôm 8-4.

“Không có gì cho thấy chúng tôi đã bắt sai người, mà ngược lại các nghi ngờ được củng cố khi cuộc điều tra tiếp diễn” – Reuters dẫn lời cảnh sát trưởng quốc gia Dan Eliasson tuyên bố trong một cuộc họp báo.

Cảnh sát cũng xác nhận tìm thấy một thiết bị đáng ngờ trong chiếc xe tải bị bỏ lại hiện trường và vẫn đang xác định liệu đó có phải là bom hay không.

Theo cảnh sát Thuỵ Điển, nghi can này từng có tên trong hồ sơ an ninh nhưng không bị điều tra.

“Chúng tôi đang tập trung vào việc làm thế nào hắn vào Thuỵ Điển, đã ở đâu, các mối quan hệ của hắn và xem có tìm được gì từ bạn bè của hắn hay không” – ông Eliasson cho biết.

Đến nay, cảnh sát tin rằng hắn chỉ hành động một mình, nhưng không loại trừ khả năng có người khác liên quan. Theo truyền hình địa phương, cảnh sát Stockholm đã lục soát nhiều địa chỉ ở thành phố cuối tuần qua.

Trong khi đó tại Na Uy – vốn cũng đã căng thẳng sau vụ tấn công ở Thuỵ Điển, cảnh sát tìm thấy một thiết bị “giống bom” ở trung tâm thành phố Oslo ngày 8-4, giờ địa phương.

Theo Reuters, họ đã kích nổ có kiểm soát thiết bị này và tuyên bố sẽ tiếp tục điều tra. Đến nay, ít nhất một nghi can đã bị bắt giữ.

TRẦN PHƯƠNG

VŨ THU HỒNG (từ Stockholm, Thụy Điển)