29/11/2024

Kiếm tiền tỉ trên YouTube

Đăng video ca nhạc, làm tiểu phẩm hài hay xây dựng kênh YouTube riêng giúp nhiều người không chỉ nổi tiếng mà còn kiếm được tiền tỉ trên trang mạng xã hội này.

 

Kiếm tiền tỉ trên YouTube

Đăng video ca nhạc, làm tiểu phẩm hài hay xây dựng kênh YouTube riêng giúp nhiều người không chỉ nổi tiếng mà còn kiếm được tiền tỉ trên trang mạng xã hội này.



Video 'Lạc trôi' của Sơn Tùng M-TP đến ngày 9.4 đã có hơn 122,75 triệu lượt xem

 

Video ‘Lạc trôi’ của Sơn Tùng M-TP đến ngày 9.4 đã có hơn 122,75 triệu lượt xem

Thu nhập tiền tỉ
Mới đây, kênh YouTube chính thức của ca sĩ Sơn Tùng M-TP đạt mốc 1 triệu lượt theo dõi (subscribers). Nhờ đó, giọng ca này được YouTube trao nút Play vàng – giải thưởng cho các chủ tài khoản có số lượng người theo dõi lớn. Sơn Tùng hiện có rất nhiều video clip ca nhạc có hàng triệu lượt xem, ví dụ như Lạc trôi, Em của ngày hôm qua, Nơi này có anh… Theo chính sách của YouTube, số lượng người xem video càng nhiều thì số tiền trang mạng xã hội này sẽ trả cho chủ sở hữu sản phẩm trên mạng càng lớn.
Theo thông tin tham khảo, với mức giá khoảng 0,3 USD/1.000 lượt xem tại VN, video Lạc trôi tính đến ngày 7.4 đã có hơn 121,65 triệu lượt xem, thì ước chủ nhân sản phẩm sẽ thu được gần 36.500 USD/3 tháng; bài Chúng ta không thuộc về nhau đã có gần 107 triệu lượt xem sau 6 tháng và số tiền kiếm được là 32.000 USD; hoặc video Nơi này có anh với hơn 95,754 triệu lượt xem, ước số tiền YouTube trả là 28.700 USD chỉ sau 2 tháng…

Trong khi đó, nếu theo số liệu của Social Blade chuyên thống kê xếp hạng các tài khoản trên mạng xã hội gồm YouTube, Twitter, Twitch và Instagram… tính đến ngày 6.4, tài khoản chính thức của Sơn Tùng M-TP trên YouTube được xếp hạng A với hơn 54 triệu lượt xem trong 30 ngày qua.

Social Blade ước tính số tiền kiếm được từ kênh này mỗi tháng 13.700 – 219.300 USD, tương ứng từ 164.500 – 2,6 triệu USD/năm. Như vậy, thu nhập chỉ riêng trên kênh YouTube của Sơn Tùng M-TP sẽ tương đương khoảng 3,7 – 59 tỉ đồng. Con số thu nhập này sẽ dao động tùy vào lượng người xem theo từng thời điểm. Trên trang Social Blade, có thể tìm kiếm về thông tin xếp hạng, đánh giá và ước tính thu nhập kiếm được từ các tài khoản YouTube của các ca sĩ, nghệ sĩ, các nhóm hài cũng như những người nổi tiếng trong mọi lĩnh vực.
Hằng năm, YouTube thường có hoạt động trao tặng nút Play vàng, Play bạc dành cho những tài khoản có lượng theo dõi và lượt xem lớn. Năm 2016, nhiều kênh YouTube đã được nhận nút bạc khi đạt 100.000 lượt theo dõi, trong đó có hàng loạt tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng hiện nay…
Đại diện của Facebook mới đây cũng đã chia sẻ VN hiện có khoảng 50 bạn trẻ trở thành triệu phú USD nhờ kiếm tiền qua mạng xã hội Facebook. Các triệu phú chỉ khoảng 19 – 20 tuổi và chắc chắn con số này sẽ tăng gấp đôi trong tương lai. Cũng như trước đó không ai nghĩ một trò chơi đơn giản như Flappy Bird bỗng chốc trở nên nổi tiếng vào đầu năm 2014 và đã mang về cho tác giả khoảng 50.000 USD, tương đương hơn 1 tỉ đồng mỗi ngày từ quảng cáo.
Thuế mất cả chì lẫn chài
Theo chính sách công bố của YouTube, doanh nghiệp (DN) Việt muốn quảng cáo trên trang này thì chi phí khoảng 50 USD để có được 1.000 lượt xem. Trong khi đó, YouTube chỉ trả 0,3 USD/1.000 lượt xem cho các chủ sở hữu sản phẩm. Như vậy, hầu như toàn bộ số tiền chênh lệch thu được từ các DN đều rơi vào túi của YouTube. Nhưng cho đến nay, cơ quan thuế hầu như vẫn chưa thu được đồng thuế nào từ trang mạng video lớn nhất thế giới này.
Số liệu tính đến hết năm 2015 cho thấy, tại VN, Facebook đứng số 1 về doanh thu trực tuyến với doanh số khoảng hơn 3.000 tỉ đồng (tương đương 150 triệu USD); Google đứng ở vị trí thứ 2 với 2.200 tỉ đồng (khoảng 100 triệu USD). Còn lại, các công ty quảng cáo của VN như Admicro, Adtima, Cốc Cốc… chỉ chiếm tỷ lệ doanh thu khá nhỏ trong “miếng bánh” này với tổng số khoảng 1.900 tỉ đồng. Doanh số trên cho thấy cán cân chênh lệch rất lớn giữa các DN trong nước và DN nước ngoài. Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử VN, năm 2016 mạng xã hội đã vươn lên trở thành phương tiện quảng cáo trực tuyến được DN sử dụng nhiều nhất. Và do đó, Facebook tiếp tục dẫn đầu thu hút tiền quảng cáo trực tuyến và đứng sau đó vẫn là Google.
Ông Nguyễn Duy Vỹ, phụ trách bộ phận tiếp thị của Công ty du lịch Tugo, cho hay số tiền công ty bỏ ra để quảng cáo trên Facebook tăng qua từng năm, hiện khoảng trên 500 triệu đồng/tháng, chiếm 70% chi phí dành cho quảng cáo của công ty. Toàn bộ số tiền đều được trả cho Facebook thông qua thẻ tín dụng và liên hệ với văn phòng đại diện tại Singapore lấy hóa đơn có xác nhận khi có nhu cầu. Còn một DN vừa có dự án khởi nghiệp về tìm kiếm và cho thuê xe cho biết khách hàng chính đến từ Google, kế đó là Facebook.
Không chỉ chưa thu được thuế từ các trang mạng, cơ quan thuế còn “mất cả chì lẫn chài” khi không thu được thuế từ những người kinh doanh, kiếm được tiền từ đây. Theo một lãnh đạo cục thuế, trong đợt quyết toán thuế 2016 vừa qua, rà soát ban đầu hầu như chưa thấy có cá nhân, nghệ sĩ nào kê khai thu nhập từ các trang mạng xã hội. Cơ quan thuế mới ở mức tìm hiểu và rà soát đại diện của Facebook, YouTube… tại VN và hầu như chưa có tiến triển nào để nắm bắt được thu nhập của các cá nhân có thu nhập “khủng” này.
Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm quản trị và đào tạo mạng Athena, có thể thu thuế được với cá nhân phát sinh thu nhập trên kênh YouTube. Theo đó, Google, đơn vị quản lý YouTube dựa trên số lượt xem để trả tiền, thì cơ quan thuế có thể ước lượng được lượng xem là bao nhiêu để tính thuế. “Giả sử tháng này MV ca nhạc của một ca sĩ có lượt xem đạt 2 triệu lượt, tháng sau lượt xem giảm còn 1,6 triệu lượt, thì cơ quan thuế có thể căn cứ theo đó ước tính được số thuế trong tháng”, ông nói. Ngược lại, thu nhập phát sinh trên Facebook lại không tính thuế được. Lý do là người ta chỉ xem tin tức chứ không tương tác như ở YouTube, vì vậy không thể biết được cái tin đó bán được bao nhiêu hàng, với giá bán mỗi sản phẩm bao nhiêu, để ước lượng số thuế.
Chuyên gia về thuế Nguyễn Thái Sơn cho rằng, muốn thu thuế phải xác định được doanh thu, chi phí và bản chất của loại hình kinh doanh. Trong bối cảnh còn chưa phân loại được đối tượng thu nhập cao hay thấp trên mạng như hiện nay, trước hết cơ quan thuế cần tập trung quản lý thuế đối với những cá nhân, nghệ sĩ có lượng người theo dõi và lượt xem lớn vượt trội. Số lượng này nằm trong khoảng từ vài trăm người.
Ca sĩ nói công ty dịch vụ chịu trách nhiệm đóng thuế
Đa số các ca sĩ, diễn viên được hỏi đều nói họ không làm việc trực tiếp với YouTube mà phần lớn thông qua một công ty quản lý dịch vụ. Công ty này sẽ trả một khoản chi phí mỗi năm cho ca sĩ từ số tiền họ thu được trên kênh YouTube. Một người quản lý ca sĩ (đề nghị không nêu tên) từ chối cung cấp con số thu nhập của ca sĩ từ kênh này vì đã có cam kết không tiết lộ giữa ca sĩ và công ty quản lý dịch vụ. Theo đó, các ca sĩ khẳng định công ty dịch vụ này cũng chịu trách nhiệm đóng thuế tại VN cho tất cả nghệ sĩ mà họ phụ trách, ca sĩ không chịu trách nhiệm về thuế.
Dạ Ly


 

Mai Phương – Sơn An