Hình ảnh học viên chen chúc trong phòng học, phòng ghi danh ở các trung tâm luyện thi đã thật sự biến mất.
Đìu hiu trung tâm luyện thi
Hình ảnh học viên chen chúc trong phòng học, phòng ghi danh ở các trung tâm luyện thi đã thật sự biến mất.
Từ khi Bộ GD-ĐT áp dụng kỳ thi THPT quốc gia vừa để xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH, hình thức luyện thi không còn “đất sống”.
Không đủ học viên mở lớp
Trung tâm luyện thi ĐH Vĩnh Viễn tại TP.HCM từng phát triển mạnh với rất nhiều địa điểm và học viên chen chúc từ sáng đến đêm khuya. Nhưng đến nay, theo thạc sĩ Phạm Hồng Danh, Giám đốc trung tâm, nơi này chỉ còn 2 điểm dạy với rất ít lớp. Bà Lê Thị Minh Phượng, phụ trách trung tâm, cho biết tính hết tất cả các lớp, chỉ có khoảng 100 học viên ôn luyện. Số lượng này chỉ còn bằng… 1% của ngày xưa.
Trung tâm 60 An Sương cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo ông Lương Hải, Giám đốc trung tâm, mấy năm trước còn phải thuê khách sạn cho học viên ở tỉnh lên ở mỗi đợt ôn thi cấp tốc. Ba năm nay không còn chuyện này nữa. Tính tất cả, trung tâm chỉ còn khoảng hơn 100 học viên ôn luyện. Trong đó, chủ yếu là ở các lớp học toán, lý, hóa, sinh. Các lớp khác rất vắng, thậm chí không đủ để mở lớp.
Chúng tôi đến trung tâm luyện thi của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nơi một thời nổi tiếng về luyện thi. Bao trùm là một bầu không khí vắng vẻ. Phòng ghi danh đến nay vẫn để bảng khoá… tháng 9.2016, chủ yếu cho các lớp luyện thi năng khiếu vào ngành mầm non.
Cách đây 8 – 10 năm, một ngày tôi dạy luyện thi cả 3 buổi sáng, chiều, tối. Có lớp lên đến khoảng 200 HS. Vừa bỏ micro xuống là chuyển ngay qua lớp khác để cầm micro nói tiếp. Bây giờ ít nhu cầu luyện thi
Trần Ngọc Danh – nguyên Tổ trưởng Tổ sinh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM
Gặp gỡ với các giáo viên là những “chuyên gia” dạy luyện thi một thời, càng nhận thấy có quá nhiều thay đổi. Ông Trần Ngọc Danh, nguyên Tổ trưởng Tổ sinh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), nói: “Tình hình luyện thi thời điểm cách đây 8 – 10 năm so với bây giờ đúng là khác nhau quá xa. Thời trước, một ngày tôi dạy luyện thi cả 3 buổi sáng, chiều, tối. Có lớp lên đến khoảng 200 học sinh (HS). Vừa bỏ micro xuống là chuyển ngay qua lớp khác để cầm micro nói tiếp. Bây giờ ít nhu cầu luyện thi, tôi nghỉ dạy cũng 3 năm nay rồi”.
Ông Nguyễn Đức Hiệp, nguyên Tổ trưởng Tổ vật lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), nhận định: “Đúng là việc luyện thi hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Lúc trước tôi dạy ở một trung tâm luyện thi ĐH, phải thường xuyên giãn các phòng ra thành hội trường để chứa một lúc 200 – 300 người. Bây giờ HS học ở nhà, học online nhiều”.
Tình hình này khiến các trung tâm luyện thi phải đóng cửa hoặc chuyển công năng. Một số trung tâm chuyển thành cơ sở bồi dưỡng văn hóa. Chủ đầu tư của các trung tâm như Vĩnh Viễn, 60 An Sương… cho trung tâm hoạt động cầm chừng để chuyển qua đầu tư các trường THPT tư thục.
Vào lúc 14 giờ 30 ngày 13.4, Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục buổi thứ tư trong chuỗi chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề ‘Khai hồ sơ đăng ký dự thi và xét tuyển sao cho đúng?’.
Dễ dàng vào ĐH nên không cần luyện thi
Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cho biết năm 2014 lượng thí sinh tự do còn đông, trung tâm luyện thi còn ăn nên làm ra vì đối tượng chủ yếu của các trung tâm này là thí sinh tự do. Bắt đầu từ năm 2015 đến nay, Bộ GD-ĐT cho các trường ĐH lập đề án tuyển sinh riêng, mở rộng các phương thức tuyển sinh bên cạnh sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Phần lớn các trường đều xét tuyển từ kết quả học bạ THPT của HS. Phương thức này giúp HS vào ĐH, CĐ mà không nhất thiết phải như trước kia nữa nên giảm số lượng người luyện thi. Số thí sinh tự do ôn thi chủ yếu muốn vào các trường công an, quân đội, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM…
Bà Lê Thị Minh Phượng cũng nhận định nhóm thí sinh tự do ôn luyện lại ở các trung tâm rất hạn chế. Kể cả các trường trước đây tuyển sinh khó giờ cũng giảm độ khó trong xét tuyển nên hầu như thí sinh nào cũng có một chỗ để học, không nhất thiết phải ôn luyện thi nếu không quyết tâm phải trúng tuyển vào trường ĐH lớn.
Theo bà Phượng, năm nay lần đầu tiên thi trắc nghiệm tất cả các môn (trừ môn văn), lẽ ra số lượng thí sinh tự do luyện thi sẽ đông hơn nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Bà Phượng cho rằng lý do nằm ở số lượng thí sinh quá ít. Một số thí sinh ở các tỉnh không lên thành phố ôn thi nữa mà học theo các hình thức khác như: học nhóm, theo thầy cô dạy ở trường, học online.
Trong tuần qua, Hộp thư Tư vấn 24/7 nhận được thắc mắc của nhiều bạn đọc về việc xét tuyển các nguyện vọng trong cùng ngành, cách ghi địa chỉ liên hệ khi đăng ký dự thi…
Ông Trần Ngọc Danh cũng thừa nhận dễ vào ĐH hơn thì đương nhiên số lượng thí sinh rớt phải thi lại sẽ ít hơn, nên số thí sinh tự do phải đi ôn luyện như trước đây không nhiều.
Còn ông Nguyễn Đức Hiệp đúc kết các nguyên nhân làm giảm sút số lượng HS luyện thi ở các trung tâm: Với cách tuyển sinh hiện nay, HS không đủ khả năng vào trường ĐH lớn thì cũng vào học một trường ĐH nào đó nên áp lực thi vào ĐH không còn ghê gớm như xưa. Tỷ lệ HS du học nước ngoài cũng gấp đôi trước đây. Cách ra đề của Bộ những năm gần đây dễ hơn khi đề thi tích hợp cả thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH. Cấu trúc đề là 60% HS có thể đạt điểm trung bình, còn 40% khó dành cho xét ĐH, CĐ. Đề không còn khó như luyện thi ĐH trước đây nữa thì áp lực phải “cày” luyện thi để giải đề cũng không nặng như trước.
Tuy nhiên, theo giám đốc các trung tâm luyện thi, một điểm tích cực của các thí sinh tự do hiện nay là định hướng rất tốt ngành nghề. “Trải qua một năm học không trúng tuyển ĐH, lại nghe nhiều chuyên gia tư vấn tuyển sinh, các em đã biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình. Qua đó, thí sinh chọn ngành nào là chắc ngành đó, ít có sự phân vân”, giám đốc một trung tâm luyện thi tại Q.1, nhìn nhận.
Những ngày qua, trong khi thí sinh muốn xét tuyển vào các trường đại học đang bận rộn với việc làm hồ sơ thì những thí sinh có ý định vào các trường cao đẳng thuộc Bộ LĐ-TB-XH không biết phải tìm thông tin từ đâu, nộp hồ sơ thế nào?
Ôn thi tại trường thay vì đến trung tâm
Thay vì tìm tới các trung tâm luyện thi bên ngoài trường, năm nay hầu hết HS lớp 12 tại TP.HCM chọn cách ôn thi tại trường. Lý do được nhiều HS chia sẻ là do kiến thức trong đề thi THPT quốc gia ngày càng dễ. Mặt khác, thời gian dành cho việc ôn tập sau khi kết thúc chương trình phổ thông chính khoá không nhiều nên việc tìm tới trung tâm luyện thi sẽ không đạt được hiệu quả bằng ôn thi ngay tại trường.
Ông Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, thông tin: “Mặc dù không ép nhưng năm nay 100% HS Trường Bùi Thị xuân đều đăng ký ôn thi tại trường. Ngay từ đầu năm học, trường đã đề ra một kế hoạch ôn tập dài hạn cho HS lớp 12. Mới đây, trường tiếp tục họp các tổ trưởng chuyên môn để triển khai kế hoạch ôn tập từng môn và đề ra kế hoạch ôn tập cụ thể cho từng tuần”.
Ông Khương đánh giá cao việc HS ôn thi ngay tại trường vì HS được ôn tập trong một môi trường quen thuộc, giáo viên hiểu điểm yếu của từng HS sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc hoàn thiện kiến thức trước khi thi.
Trong quá trình ôn tập, giáo viên các trường phổ thông cũng nương theo những điều chỉnh của Bộ về kỳ thi THPT quốc gia để có hướng ôn thi phù hợp. Điều này tạo tâm lý tin tưởng hơn cho HS khi ôn thi tại trường.
Nguyễn Ngọc Trinh, HS Trường THPT Tân Phong, Q.7, cho biết: “Trước đây khi chuẩn bị thi ĐH, anh, chị của em thường tới trung tâm để luyện thi. Tuy nhiên, năm nay em chọn cách ôn thi ngay tại trường vì sợ luyện thi bên ngoài sẽ lạc lõng. Cả lớp em đều tham gia ôn tập tại trường. Kế hoạch ôn tập rất cụ thể theo hướng dẫn sát sao của giáo viên bộ môn. Nếu đi ôn thi ở bên ngoài em sợ mình sẽ không biết giới hạn nào cho việc ôn tập. Đặc biệt, với hình thức thi trắc nghiệm như năm nay em thấy khá nhẹ nhàng nên cũng không đầu tư ôn tập quá nhiều”.
Lam Ngọc
Chuyển dịch sang hình thức online
Hiện tại, các trang web chuyên thông tin về tuyển sinh đều mở các chương trình luyện thi ĐH trên mạng. Các trang này làm khá chuyên nghiệp, vì thế số lượng HS tham gia luyện thi cũng khá đông.
Khi bắt đầu, HS sẽ đăng ký tài khoản tại các trang này. Sau đó sẽ được học thử một số lớp. Nếu đồng ý học phải trả một khoản phí cho mỗi lớp. Sự chuyển dịch cách thức ôn thi của HS cũng kéo theo việc thay đổi của các giáo viên luyện thi ĐH. Khi HS đến trung tâm ít, giáo viên luyện thi bắt đầu tham gia giảng dạy trên mạng.
Theo ông Nguyễn Đức Hiệp, hiện nay ông và các đồng nghiệp dạy tại các trung tâm rất ít vì không có nhiều lớp, thay vào đó là tham gia dạy trên các trang web theo lời mời. Việc dạy này không hoàn toàn là học online mà các tiết học còn được thu lại để HS có thể xem sau đó.