Những ngày qua, trong khi thí sinh muốn xét tuyển vào các trường đại học đang bận rộn với việc làm hồ sơ thì những thí sinh có ý định vào các trường cao đẳng thuộc Bộ LĐ-TB-XH không biết phải tìm thông tin từ đâu, nộp hồ sơ thế nào?
Loay hoay nộp hồ sơ xét tuyển cao đẳng
Những ngày qua, trong khi thí sinh muốn xét tuyển vào các trường đại học đang bận rộn với việc làm hồ sơ thì những thí sinh có ý định vào các trường cao đẳng thuộc Bộ LĐ-TB-XH không biết phải tìm thông tin từ đâu, nộp hồ sơ thế nào?
Hoàn toàn thiếu thông tin
Báo Thanh Niên cũng nhận được một số cuộc điện thoại của phụ huynh hỏi về vấn đề này. Một phụ huynh ở H.Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước cho biết: “Tôi biết con tôi học lực trung bình, không có khả năng theo đuổi đại học (ĐH) nên muốn học cao đẳng (CĐ) hoặc trung cấp (TC). Con tôi hỏi cô giáo ở trường THPT là em có nguyện vọng học CĐ thì nộp hồ sơ ở đâu? Cô nói ở trường không nhận, phiếu đăng ký xét tuyển cũng không có chỗ để đăng ký nguyện vọng. Chúng tôi cũng không biết làm thế nào để vào được trang web của các trường CĐ”.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công thương TP.HCM, thừa nhận: “Thời gian qua, trường nhận được nhiều thư điện tử của thí sinh hỏi làm thế nào để nộp hồ sơ vào trường vì trong phiếu đăng ký xét tuyển chỉ có trường ĐH. Đúng là có tình trạng nhiều học sinh (HS) ở nông thôn, vùng sâu vùng xa không có kỹ năng lên mạng tìm kiếm thông tin, cũng không biết phải điền phiếu nào để xét tuyển”.
Trong hội nghị về công tác tuyển sinh năm 2016 và phương hướng năm 2017 do Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH tổ chức hôm qua (4.4) tại Hà Nội, nhiều đại biểu bày tỏ những khó khăn phải đối mặt trong công tác tuyển sinh.
Mặc dù không nhiều thí sinh có định hướng học cao đẳng ngay từ đầu nhưng lực lượng nhỏ đó cũng chính là “phao cứu sinh” của chúng tôi. Nay cái “phao” đó cũng có nguy cơ bị xẹp
Hiệu trưởng một trường CĐ tại TP.HCM
Theo đại diện nhiều trường CĐ, đặc biệt là trong thời điểm này, thầy cô ở trường THPT thường định hướng HS đăng ký xét tuyển ĐH chứ không nói về các trường CĐ nên HS càng thiếu thông tin, thậm chí nhiều HS vẫn không biết tuyển sinh CĐ thuộc một hệ thống khác so với trước.
“Trong khi đó, nhiều em biết học lực mình yếu chỉ có thể học CĐ hoặc TC nên bên cạnh nguyện vọng học ĐH vẫn muốn đăng ký thêm một nguyện vọng CĐ ngay trong đợt 1 nhưng không có phiếu xét tuyển và không biết nộp ở đâu nên chỉ đăng ký ĐH”, ông Tuấn cho biết.
Chuyên trang tuyển sinh không đủ dữ liệu
Trong các hội nghị gần đây mà Bộ LĐ-TB-XH tổ chức bàn về tuyển sinh CĐ, TC, đại diện bộ này cho biết trên trang web của Tổng cục Dạy nghề sẽ mở cổng thông tin tuyển sinh giúp thí sinh có thể truy cập vào tìm kiếm thông tin ngành nghề, đề án xét tuyển của các trường CĐ, TC để đăng ký xét tuyển.
Thế nhưng, đến nay nhiều thí sinh truy cập trang web này để tìm trường mình muốn học thì không có. Hiện nay, trên trang này chỉ mới có thông tin của một số trường thuộc Bộ LĐ-TB-XH quản lý trước đây. Chẳng hạn tại khu vực TP.HCM mới có 46 trường CĐ, TC nghề thuộc quản lý của Bộ LĐ-TB-XH được đưa lên trang web, trong khi thực tế khu vực này đến nay có tổng số 94 trường CĐ và TC. Trong cuốn Thông tin tuyển sinh TC, CĐ do Tổng cục Dạy nghề phát hành mới đây cũng còn thiếu thông tin của nhiều trường.
Nhiều mâu thuẫn trong các văn bản của Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH về việc quản lý CĐ và TC trong trường ĐH gây ra tình trạng tréo ngoe trong đào tạo hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Thạc sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt, chia sẻ: “Đến thời điểm này, các trường CĐ đều có mẫu phiếu xét tuyển trực tuyến nhưng không phải HS nào cũng biết cách vào website của các trường để nộp hồ sơ. Nhiều em ở nông thôn còn không biết cách in ra hoặc không có điều kiện để in. Chúng tôi đành dùng biện pháp thủ công là đến tận các trường THPT để phát hồ sơ, thông tin về cách xét tuyển nhưng không thể đủ lực lượng đi hết các trường ở tất cả các tỉnh thành”.
Hiệu trưởng một trường CĐ tại TP.HCM cho rằng lẽ ra ngay từ đầu, Bộ LĐ-TB-XH phải làm việc với các sở GD-ĐT và các trường THPT để tạo ra kênh tiếp nhận hồ sơ xét tuyển song song với việc thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi và xét tuyển ĐH. “Mặc dù không nhiều thí sinh có định hướng học CĐ ngay từ đầu nhưng lực lượng nhỏ đó cũng chính là “phao cứu sinh” của chúng tôi. Nay cái “phao” đó cũng có nguy cơ bị xẹp”, vị hiệu trưởng này trăn trở.
Nộp hồ sơ trực tiếp vào trường muốn học
Trao đổi về vấn đề này, ông Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Bộ LĐ-TB-XH, cho biết: “Năm nay, các trường CĐ, TC hoàn toàn được tự chủ trong tuyển sinh. Do đó, các trường có thể chủ động tiếp cận với thí sinh. Thí sinh muốn học trường CĐ nào thì nộp hồ sơ trực tiếp vào trường đó. Chuyên trang tuyển sinh của Tổng cục Dạy nghề sắp tới sẽ được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu thông tin cho người học. Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu để việc tuyển sinh các trường CĐ thuận lợi hơn. Theo đó, phối hợp với các sở GD-ĐT, các trường THPT để tiếp nhận hồ sơ cũng là một giải pháp hay mà chúng tôi hướng tới”.
Giữa lúc các trường cao đẳng đang hoang mang lo không có người học khi chuyển sang Bộ LĐ-TB-XH thì bậc cao đẳng ở các trường đại học thuộc Bộ GD-ĐT có phần ung dung vì trước sau việc tuyển sinh cũng ‘lọt sàng xuống nia’.