01/11/2024

Đừng để ‘mất bò mới lo làm chuồng’

Sau hàng loạt vụ tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), nhiều doanh nghiệp (DN) đã ý thức hơn trong việc đăng ký quyền SHCN, nhưng số lượng đơn đăng ký sáng chế vẫn còn khiêm tốn.

 

Đừng để ‘mất bò mới lo làm chuồng’

 Sau hàng loạt vụ tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), nhiều doanh nghiệp (DN) đã ý thức hơn trong việc đăng ký quyền SHCN, nhưng số lượng đơn đăng ký sáng chế vẫn còn khiêm tốn.

 

 

 

Đừng để 'mất bò mới lo làm chuồng'
Ông Lê Ngọc Lâm – Ảnh: T.Hà

Ông Lê Ngọc Lâm, phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ.

Ông Lâm cho biết trong năm 2016, số lượng đơn đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu của các chủ thể sáng tạo trong nước đã tăng đáng kể so với năm trước đó, với mức tăng khoảng 15%.

* Nhưng mức độ quan tâm của DN Việt đối với việc đăng ký bảo hộ quyền SHCN, bảo vệ nhãn hiệu và thương hiệu vẫn còn khá thấp, thưa ông?

– Dù đã có nhiều DN quan tâm hơn nhưng không phải mọi DN trong nước đều có ý thức đăng ký quyền SHCN, trong đó không ít DN đã bị rơi vào tình trạng tranh chấp về quyền SHCN đối với nhãn hiệu do không nộp đơn đăng ký bảo hộ, hoặc nhãn hàng được bảo hộ nhưng lại sử dụng tương tự cách thức trình bày của nhãn hàng được bảo hộ của người khác…

 
 

 

Có thể nói việc trang bị kiến thức về sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh đang là vấn đề rất cần thiết và cấp bách.

Theo tôi, các DN phải thay đổi cách nhìn nhận về vấn đề này, nên đăng ký bảo hộ nhãn hàng cho các sản phẩm hoặc dịch vụ do mình cung cấp, phải được tư vấn về chuyên môn SHTT trước khi đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường để tránh những rủi ro có thể gặp phải.

Đừng để 'mất bò mới lo làm chuồng'
Những sản phẩm mới được giới thiệu tại Techmart 2016 – Ảnh: Ngũ Hiệp

Nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà VN đang đàm phán đều đề cao vấn đề SHTT, các DN trong nước sẽ phải trả giá nếu không có sự chuẩn bị?

 Các FTA đều hướng tới một hệ thống SHTT có mức độ bảo hộ mạnh mẽ hơn, như mở rộng bảo hộ các đối tượng quyền SHCN phi truyền thống, minh bạch thông tin trong quá trình đăng ký, kéo dài thời hạn bảo hộ sáng chế, đẩy mạnh thực thi quyền SHTT…

Khi các FTA này có hiệu lực, các sản phẩm ngoại sẽ tràn vào VN. Nếu không có ưu thế vượt trội, sản phẩm sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh và tồn tại.

Điều này đòi hỏi các DN trong nước cần ý thức hơn, nâng cao kiến thức về SHTT, cập nhật các quy định pháp luật, đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho sản phẩm và dịch vụ của mình, không xung đột với quyền SHTT của người khác.

Ngược lại, DN trong nước có nguy cơ bị chiếm đoạt các thành quả sáng tạo, kèm theo đó là kết quả đầu tư (tài chính, trí tuệ, thời gian, công nghệ, nhân lực, công sức…), thậm chí mất thương hiệu, bị loại ra khỏi cuộc chơi.

* Nhưng những lợi thế của SHTT trong cạnh tranh dường như vẫn đang rất mơ hồ đối với nhiều DN Việt, thưa ông?

– Nhiều nghiên cứu cho thấy tài sản hữu hình của DN chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng giá trị tài sản của DN, giá trị tài sản vô hình hay giá trị thương hiệu của DN chiếm đến 3/4, cá biệt chiếm đến trên 90% giá trị tài sản của DN.

Vì thế, việc phát triển các quyền SHTT sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của DN, giúp các DN phát triển bền vững.

Sử dụng thông tin SHCN, nguồn lực đầu tư của DN sẽ được tập trung một cách thích hợp, tránh được rủi ro trong nghiên cứu triển khai, tăng khả năng tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Và khi đăng ký bảo hộ quyền SHCN, DN sẽ xuất phát trước các đối thủ cạnh tranh, thu lợi thông qua sự độc chiếm thị trường.

Các đối tượng được quyền SHCN bảo hộ cũng trở thành loại tài sản trí tuệ có thể giao dịch thông qua các hình thức chuyển giao, chuyển nhượng để thu lợi tài chính, tạo cơ sở vững chắc để phát triển các DN khởi nghiệp.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, trong tổng số khoảng 500-600 đơn sáng chế nộp cho đơn vị này mỗi năm, số lượng đơn sáng chế của chủ đơn VN chiếm tỉ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 10%.

Một trong những nguyên nhân là các chủ thể sáng tạo trong nước chưa đánh giá đúng mức vai trò của sở hữu trí tuệ, thiếu kỹ năng khai thác thông tin, trong khi hệ thống dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp còn quá yếu và thiếu.

Ngoài ra, thị trường khoa học và công nghệ chưa thực sự phát triển cũng là một nguyên nhân quan trọng.

THANH HÀ thực hiện