10/01/2025

Rắc rối mã ngành khi đăng ký xét tuyển

Những ngày qua nhiều thí sinh phản ảnh đã gặp rắc rối khi đăng ký xét tuyển đại học vì không biết ghi mã ngành thế nào cho đúng.

 

Rắc rối mã ngành khi đăng ký xét tuyển

 

Những ngày qua nhiều thí sinh phản ảnh đã gặp rắc rối khi đăng ký xét tuyển đại học vì không biết ghi mã ngành thế nào cho đúng.

 

 

Rắc rối mã ngành khi đăng ký xét tuyển
Học sinh khối 12 Trường THPT Nguyễn An Ninh, Q.10, TP.HCM nghe hướng dẫn cách ghi hồ sơ dự thi THPT quốc gia năm 2017 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Để tránh sai sót khi thực hiện đăng ký xét tuyển và đăng ký dự thi, Bộ 
GD-ĐT đặc biệt lưu ý thí sinh phải ghi đúng mã trường, mã ngành, mã tổ hợp xét tuyển. Những nguyện vọng nào thí sinh ghi không đúng sẽ bị loại vì phần mềm không chấp nhận.

Trường điều chỉnh 
mã ngành, thí sinh 
lúng túng

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, rất nhiều thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường thành viên ĐHQG TP.HCM đã ghi sai mã ngành. Các thí sinh này không chỉ ở các tỉnh, mà có cả thí sinh các trường THPT ở TP.HCM.

Chị Nguyễn Thị Thu Hồng – cán bộ văn phòng tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) – cho biết: “Rất nhiều thí sinh đăng ký mã ngành không đúng với mã ngành của Trường ĐH Bách khoa công bố trên trang thông tin tuyển sinh của trường và của Bộ GD-ĐT. Theo đó, mã ngành của trường chỉ gồm ba chữ số, trong khi mã ngành cũ trước đây gồm một chữ cái và sáu chữ số”.

TS Lê Chí Thông – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) – cho biết thêm trước đây mã ngành đào tạo gồm tám chữ số (ví dụ 52510101). Sau đó, Bộ GD-ĐT cho rằng đó là mã ngành đào tạo, khi tuyển sinh phải đổi số 52 thành chữ D đối với các ngành bậc ĐH; đối với các ngành bậc CĐ, đổi số 51 thành chữ C. Quy định này được nhà trường áp dụng đến năm 2014.

Tuy nhiên, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) tuyển sinh theo các nhóm ngành, nên nhà trường gom thành mã nhóm ngành với ba chữ số (ví dụ, nhóm ngành cơ khí có mã ngành 109), áp dụng năm 2015 và 2016.

“Trong buổi tập huấn công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, chúng tôi có hỏi Bộ GD-ĐT rằng: khi nhà trường đăng ký thông tin với bộ, có cần phải đăng ký theo đúng mã ngành của bộ quy định hay không? Câu trả lời của đại diện Bộ GD-ĐT là đăng ký mã ngành nào là việc của trường. Vì vậy, cuối tháng 3-2017, trường chúng tôi chính thức sử dụng mã nhóm ngành với ba chữ số” – ông Thông giải thích.

Cũng theo chị Hồng, điều đáng nói là nhiều thí sinh sau khi được cán bộ tư vấn của Trường ĐH Bách khoa hướng dẫn phải ghi theo mã ngành mới, nhưng những thí sinh này lại bảo: “Em không thể ghi theo hướng dẫn của cô được, vì cô giáo em yêu cầu phải ghi theo thông tin trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh đại học hệ chính quy, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2017 của NXB Giáo Dục VN”.

Tương tự, một cán bộ của Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐHQG TP.HCM) cũng cho biết mấy ngày qua nhà trường liên tục nhận được thắc mắc, phản ảnh của rất nhiều thí sinh về việc mã ngành trong cuốn Những điều cần biết… khác so với mã ngành của nhà trường công bố trên website.

Theo thông tin trong cuốn Những điều cần biết…, mã ngành các ngành của Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐHQG TP.HCM) gồm tám chữ số (cụ thể: mã ngành kế toán 52340301, ngành kế toán chất lượng cao 52340301 – CLC). Trong khi thông tin do nhà trường công bố phải là: mã ngành kế toán 52340301¬_405, mã ngành kế toán chất lượng cao 52340301¬_405C.

Cán bộ này lý giải thêm: “Do Bộ GD-ĐT yêu cầu đổi chữ D đầu mã ngành ĐH thành số 52, nên trường nào cũng phải điều chỉnh mã ngành. Việc này các trường đã chỉnh sửa thông tin trên website. Tuy nhiên, bộ quy định trễ quá, thông tin đã được công khai hơn cả tháng, các trường đã in tờ rơi và phát hành rộng rãi, nên giờ cán bộ tư vấn giải thích cho thí sinh đổi từ mã D sang mã 52 rất vất vả.

Ngoài ra, các mã ngành vốn rất dễ nhầm lẫn, nay có nhiều kênh thông tin khác nhau, khiến thí sinh hoang mang. Bên cạnh đó, không ít giáo viên phụ trách tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển tại các trường THPT cũng không cập nhật và nắm rõ được hết mã các trường, nên hướng dẫn thí sinh sai”.

Đăng ký mã cũ 
được tự động 
chuyển thành mã mới

Ngày 5-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Thị Kim Phụng – vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT – cho biết sau ngày đầu đăng ký tuyển sinh, xét tuyển, Bộ GD-ĐT nhận được phản ảnh về việc có hàng chục cuốn thông tin hỗ trợ tuyển sinh, trong đó có một số thông tin không chính xác.

Lãnh đạo bộ đã chỉ đạo việc cảnh báo cho các thí sinh và các điểm tiếp nhận hồ sơ. Theo đó, để đảm bảo đăng ký xét tuyển chính xác, thí sinh cần tìm hiểu rõ thông tin tuyển sinh của trường có nguyện vọng đăng ký trong đề án tuyển sinh của trường (đã được công bố trên trang thông tin điện tử của trường) và tại Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.

Về việc thay đổi mã ngành tuyển sinh năm 2017, theo bà Phụng, để nhằm giải quyết triệt để việc không thống nhất thông tin về mã ngành được công bố với mã ngành trong hệ thống phần mềm xét tuyển. Điều này đặc biệt cần thiết, khi năm nay là năm đầu tiên các trường phải sử dụng chung phần mềm thống kê nguyện vọng xét tuyển để lọc ảo đối với kết quả thi THPT quốc gia.

Theo bà Phụng, ngay từ ngày 6-1, trong công văn gửi tới các trường nhằm yêu cầu rà soát, cung cấp và công bố thông tin tuyển sinh năm 2017, bộ cũng đã quy định mã ngành, tên ngành thực hiện theo danh mục GD-ĐT cấp IV trình độ CĐ, ĐH.

“Điều này cho thấy không phải bộ yêu cầu thay đổi mã ngành sát thời điểm bắt đầu đăng ký dự thi, hay các trường không biết được thông tin quy định về mã ngành này” – bà Phụng nói.

Bà Phụng cũng cho biết hiện tại, Bộ GD-ĐT đã có biện pháp kỹ thuật hỗ trợ thí sinh trong đăng ký theo mã ngành tuyển sinh ĐH cũ (bắt đầu bằng chữ “D”), hay mã ngành tuyển sinh CĐ cũ (bắt đầu bằng chữ “C”).

“Việc thay đổi một chữ (C hoặc D) trong mã ngành tuyển sinh thành hai số (51 hoặc 52) cũng không quá phức tạp và gấp gáp. Bộ phận kỹ thuật của bộ đã có giải pháp chỉnh sửa phần mềm để tự động nhận biết, đổi lại những ngành đã đăng ký theo mã cũ (Cxxxxxx và Dxxxxxx) thành mã ngành mới (51xxxxxx và 52xxxxxx), đồng thời thông báo cho cơ sở đào tạo cập nhật lại đề án tuyển sinh”, bà Phụng nói.

Vậy tại sao một số trường sử dụng mã nhóm ngành gồm 3 chữ số, không giống với quy ước chung về mã ngành ĐH gồm 8 chữ số? Đáp lại băn khoăn này, bà Phụng cho biết một số trường tuyển sinh nhiều ngành gần, có chung tổ hợp xét tuyển và điểm trúng tuyển thì có thể gom lại để tuyển sinh theo nhóm ngành như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội hay Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM).

Khi đó các trường có thể sử dụng mã nhóm ngành quy ước riêng và thông báo công khai cho thí sinh biết trong đề án tuyển sinh của trường.

Tra cứu kỹ thông tin trên website các trường

Để đảm bảo đăng ký xét tuyển chính xác, tránh sai sót ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh, Bộ GD-ĐT lưu ý các thí sinh phải nghiên cứu kỹ quy chế thi, quy chế tuyển sinh, các văn bản hướng dẫn liên quan, đặc biệt cần tìm hiểu rõ thông tin tuyển sinh của trường mà thí sinh có nguyện vọng đăng ký trong đề án tuyển sinh của từng trường (đã được công bố trên trang thông tin điện tử của trường) và tại Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT (địa chỉ thituyensinh.vn).

TRẦN HUỲNH – NGỌC HÀ

  •