29/11/2024

Malaysia đau đầu vì bài toán bauxite

Chính phủ Malaysia tiếp tục gia hạn lệnh cấm khai thác bauxite đến cuối tháng 6.2017 để khắc phục hậu quả môi trường nhưng hoạt động khai thác trái phép vẫn tiếp diễn.

 

Malaysia đau đầu vì bài toán bauxite

Chính phủ Malaysia tiếp tục gia hạn lệnh cấm khai thác bauxite đến cuối tháng 6.2017 để khắc phục hậu quả môi trường nhưng hoạt động khai thác trái phép vẫn tiếp diễn.



Một công nhân tại khu trữ bauxite ở bang Pahang 	 /// AFP

Một công nhân tại khu trữ bauxite ở bang PahangAFP

Vào cuối tháng 3, Bộ Tài nguyên và Môi trường Malaysia tuyên bố gia hạn lệnh cấm thêm 3 tháng, yêu cầu các công ty phải tự giải quyết số bauxite còn tồn đọng và xử lý ô nhiễm. Nhưng truyền thông Malaysia gần đây phản ánh các nhà thầu lợi dụng lệnh cấm để tiếp tục khai thác trái phép.
Tự xử lý ô nhiễm
Ngành công nghiệp bauxite của Malaysia phát triển ồ ạt vào năm 2014 để đáp ứng nhu cầu nhập nguyên liệu thô từ Trung Quốc, sau khi Indonesia cấm xuất khẩu nguyên liệu dùng sản xuất nhôm này. Tuy nhiên, kể từ năm 2015, các tổ chức bảo vệ môi trường và người dân địa phương trở thành lực lượng tiên phong đấu tranh chống hoạt động khai thác bauxite tràn lan gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, nguồn nước, đất và sông. Bang Pahang, vùng khai thác chính của Malaysia, còn được mệnh danh là “sao Hỏa” vì bụi đỏ phủ kín cây cối, mặt đường và nhà cửa nhiều nơi tại đây, theo trang tin New Straits Times (NST, Malaysia).
Bà Fuziah Salleh, một nghị sĩ ở Kuantan kiên quyết chống bauxite, từng cảnh báo lượng bụi đỏ khổng lồ khiến ngày càng nhiều trẻ em bị hen suyễn và bị các bệnh về da. Nữ nghị sĩ này chính là người nộp đơn kiến nghị lên quốc hội dẫn đến lệnh cấm đầu tiên được ban hành vào tháng 1.2016.
“Tính đến 28.2, 3,25 triệu tấn bauxite đã được xuất khẩu và 2,15 triệu tấn vẫn còn ở TP.Kuantan, bang Pahang. Chính phủ gia hạn lệnh cấm để các công ty giải quyết hàng tồn và có biện pháp xử lý ô nhiễm”, theo Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Wan Junaidi Tuanku Jaafar. Ông cũng thừa nhận hoạt động khai thác tiếp tục diễn ra “sau giờ hành chính”. Bộ Tài nguyên và Môi trường Malaysia cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan hữu trách để xử lý tình trạng khai thác phi pháp.
Mượn danh dọn dẹp để khai thác
Song song với lệnh cấm khai khác, chính phủ Malaysia cũng yêu cầu các công ty phải xử lý hết lượng bauxite tồn kho, nhưng các nhà thầu bị cho là đang lợi dụng chính lệnh cấm để tiếp tục khai thác trái phép, theo NST. Nhiều người dân gần đây phát hiện các máy xúc tái xuất hiện tại khu vực khai thác bauxite ở thị trấn Beserah (bang Pahang), cách thành phố Kuantan khoảng 10 km. Trả lời phỏng vấn NST, nông dân Che Long Che Ali cho biết: “Máy xúc đi ngang qua nhà tôi vào ngày 20.2 và khi tôi yêu cầu họ xuất trình giấy phép, họ không thể cung cấp bất kỳ văn bản nào”.
Các tổ chức bảo vệ môi trường và người dân ở Beserah lo ngại hoạt động khai thác tái diễn với chiêu bài dọn dẹp hàng tồn. Ông Ali Akbar Othman, Chủ tịch Tổ chức Phong trào nhân dân chống ô nhiễm vì bauxite (GERAM), cho hay người dân địa phương đã thử kiểm tra và phát hiện nhiều khu vực khai thác mới tại Beserah.
“Chúng tôi đã chịu đựng 4 năm nay, đất đai, đường sá và nông trại bị huỷ hoại. Lệnh cấm mang lại sự yên bình cho người dân, nhưng giờ đây hoạt động khai thác tái diễn thật sự là cơn ác mộng”, ông Che (64 tuổi) chia sẻ. “Không có bất kỳ đại diện nào từ Sở đất đai và hầm mỏ (PTG) có mặt để cung cấp thông tin hay giải thích cho chúng tôi về tình hình này”, ông Che cho biết thêm.
Sau đó, ông Andansura Rabu, uỷ viên hội đồng lập pháp ở Beserah, cùng người dân và các phóng viên đã đến khu vực khai thác để tìm hiểu. Một đại diện công ty khẳng định không khai thác bauxite, nhưng được chính phủ cấp phép xử lý hàng tồn và chỉ mang máy xúc đến… dọn đường.
Ông Andansura nói với NST rằng: “Chính phủ nên tăng cường giám sát, nhất là sau vụ ba trẻ em chết chìm trong hồ bùn đỏ ở khu vực khai thác bauxite hôm 4.2. Không hề có bất kỳ biển báo hay thông báo để địa phương nắm thông tin về hoạt động dọn dẹp bauxite tồn đọng”. “PTG phải vào cuộc khắc phục ô nhiễm, chứ không thể để các công ty tự làm”, ông Andansura cho hay. Vị quan chức này cũng thừa nhận hiện tại bản thân ông cũng như nhiều dân hoàn toàn “mù tịt” thông tin về hoạt động khai thác bauxite.

 

Phúc Duy