29/11/2024

Đường đến bục giảng thăng trầm lạ kỳ của một thầy giáo

Con đường đến với bục giảng của thầy Lê Cư – giáo viên dạy vật lý Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) – thăng trầm một cách lạ kỳ mà nếu như không có tình yêu với học trò thì khó trụ lại được.

 

Đường đến bục giảng thăng trầm lạ kỳ của một thầy giáo

 Con đường đến với bục giảng của thầy Lê Cư – giáo viên dạy vật lý Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) – thăng trầm một cách lạ kỳ mà nếu như không có tình yêu với học trò thì khó trụ lại được.

 

 

 

Đường đến bục giảng thăng trầm lạ kỳ của một thầy giáo
Thầy Lê Cư đã cho ra đời nhiều sáng kiến giúp học sinh dễ dàng học tập môn vật lý – Ảnh: Đoàn Cường

Năm 29 tuổi, thầy Cư viết đơn tự nguyện xin nghỉ dạy, để dành “suất” giáo viên cho đồng nghiệp khác. Và 10 năm sau khi gần 40 tuổi, thầy Cư lại dự tuyển thi công chức giáo viên để quay lại với nghề…

Thầy giáo làm… thợ điện!

Gặp thầy Cư vào một buổi sáng, dù không có tiết dạy nhưng thầy vẫn tất bật trong phòng thực hành vật lý – kỹ thuật công nghệ của trường. Những năm 1980 khi còn là sinh viên ngành vật lý – công nghệ của Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn, thầy Cư đã có sự đam mê đặc biệt với điện tử.

Ngoài giờ lên giảng đường vào ban ngày, buổi tối cậu sinh viên Lê Cư thường đến một điểm sửa chữa điện tử trên đường Nguyễn Thái Học (TP Quy Nhơn) để tự học nghề. “Chẳng hiểu sao những dây điện lòng thòng, những cái radio cũ kỹ lại hấp dẫn mình đến thế” – thầy Cư tâm sự.

Sau khi ra trường, thầy Cư về công tác ở Trường THPT Hoà Vang (Đà Nẵng). Đời sống giáo viên lúc bấy giờ rất kham khổ. Ở nhà tập thể giáo viên, thầy Cư phải sống thêm bằng nghề tay trái là sửa chữa điện dân dụng mà thầy học được từ thời sinh viên.

Đến năm 1989, Sở GD-ĐT Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) có chính sách tinh giản biên chế. Riêng tổ vật lý của thầy Cư phải nghỉ việc hai người. Dù không nằm trong danh sách phải thôi việc, nhưng thầy Cư đã tự nguyện xin nghỉ việc từ ngày 1-3-1990.

“Mình rất yêu nghề nhưng mình chọn nghỉ, bởi ngoài dạy học ra mình có thể sống bằng nghề tay trái là sửa chữa điện. Còn nếu để nữ đồng nghiệp của mình nghỉ, sợ chị sẽ vất vả hơn vì không có nghề gì” – thầy Cư chia sẻ.

Rời bục giảng, trở về ngôi nhà nhỏ nằm ở phường An Hải Đông (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), thầy Cư nhận các mối sửa chữa đồ điện từ quạt, radio, tivi… Nhưng máu sư phạm trong thầy Cư vẫn mãnh liệt. Thầy được các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên mời về dạy nghề.

“Dù học viên không hồn nhiên như học sinh cấp III, nhưng tụi nhỏ cũng làm mình vơi đi nỗi nhớ trường lớp” – thầy Cư tâm sự.

Quay lại nghề giáo ở 
tuổi 40

Sau gần 10 năm rời xa bục giảng, thầy Cư quyết định quay lại với nghề. Đó là vào năm 2000 khi thầy Cư vô tình thấy Sở GD-ĐT thông báo thi tuyển công chức giáo viên bậc THPT. Ở tuổi 40, thầy Cư nộp hồ sơ dự tuyển và đạt vị trí thứ ba tại lần thi tuyển đó.

Quay lại với bục giảng, thầy Cư nhanh chóng biến những kinh nghiệm từ việc sửa chữa điện tử suốt 10 năm trời thành những bài học thực hành sinh động, dễ hiểu. Cứ mỗi mùa hè thầy Cư lại dành ba tháng để mày mò cho ra đời những sáng kiến, đề tài thực hành giúp học sinh dễ học môn lý.

Thầy Cư chia sẻ: “Bộ GD-ĐT đã cung cấp nhiều bộ thí nghiệm trong chương trình vật lý THPT. Nhưng bộ thí nghiệm chứng minh để dạy bài “Dòng điện trong chân không” của chương trình vật lý lớp 11 lại chưa có. Vì thế, tôi đã sáng chế thiết bị tạo dòng điện trong chân không để dạy cho học sinh”.

Còn trong chương trình vật lý lớp 10, thầy Cư đã cho ra đời “Biện pháp khắc phục hộp công tắc với đồng hồ đo thời gian hiện số Model MC 964” giúp học sinh học tập tốt hơn môn vật lý. Không chỉ vậy, sáng kiến này còn giúp các trường THPT sửa chữa được nhiều hộp công tắc bị hư hỏng…

Từ khi trở lại bục giảng, thầy Cư đã cho ra đời gần 10 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, nhận được nhiều bằng khen tại các hội thi sáng tạo kỹ thuật TP Đà Nẵng. Dù sở hữu nhiều sáng kiến nhưng thầy Cư không hề giấu nghề. Thầy Cư đã in tất cả những hướng dẫn thực hành đóng thành tập và tặng các giáo viên trường khác.

Thầy còn được Sở GD-ĐT mời hướng dẫn thực hành cho giáo viên vật lý các trường THPT trên địa bàn. “Tôi chỉ hi vọng sáng kiến của mình sẽ giúp các em học sinh. không chỉ của Trường Hoàng Hoa Thám mà cả ở trường khác – hứng thú hơn với môn vật lý đầy lý thú này” – thầy Cư chia sẻ.

Một nhà giáo đầy nhiệt huyết

Thầy Nguyễn Quang Hưng – hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám – cho biết: “Thầy Cư là một nhà giáo không chỉ có năng lực mà còn cực kỳ nhiệt huyết. Nhiều sáng kiến của thầy Cư không chỉ được áp dụng ở Trường THPT Hoàng Hoa Thám, mà còn được nhân rộng trong việc giảng dạy môn vật lý ở các trường THPT khác”.

ĐOÀN CƯỜNG