29/11/2024

Tăng thuế môi trường xăng khó khả thi

Thuế xăng dầu phải thu để bảo vệ môi trường, nhưng tận thu triệt để, trong khi chi ra thì chưa thoả đáng nên không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội.

 

Tăng thuế môi trường xăng khó khả thi

Thuế xăng dầu phải thu để bảo vệ môi trường, nhưng tận thu triệt để, trong khi chi ra thì chưa thoả đáng nên không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội.



 

 

 

 /// Ảnh: Độc Lập

 

Ảnh: Độc Lập

 

Thuế “ngốn” nửa giá xăng
Năm 2010, Quốc hội (QH) đã thông qua luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) và có hiệu lực từ ngày 1.1.2012. Theo đó, xăng dầu chính thức thuộc đối tượng chịu thuế BVMT, với mức thuế suất áp dụng từ năm 2012 với xăng 1.000 đồng/lít; dầu diesel 500 đồng/lít…  

 
 
Tăng thuế môi trường xăng khó khả thi - ảnh 1
Năm 2017 Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4%, vì vậy việc tăng thuế có thể sẽ tác động không tốt đến chỉ tiêu này. Do đó, cần hết sức thận trọng trong việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu
Tăng thuế môi trường xăng khó khả thi - ảnh 2
 
TS Lê Đăng Doanh
 


Đến đầu năm 2015, trước khi trình Uỷ ban Thường vụ QH đề nghị thông qua việc tăng thuế BVMT, Bộ Tài chính khẳng định sẽ không làm tăng giá xăng dầu do thuế nhập khẩu giảm. Ngày 1.5.2015, thuế BVMT đối với xăng dầu làm một cú tăng đột biến tới 300%. Cụ thể xăng tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít, còn dầu diesel tăng từ 500 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít… Tiếp đó, tháng 2.2016, Bộ Tài chính dự kiến nghiên cứu tăng thuế xăng lên “kịch khung” 4.000 đồng/lít. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải phản ứng từ dư luận nên bị gác lại.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến để chuẩn bị dự thảo luật sửa đổi, bổ sung luật Thuế BVMT. Trong đó mặt hàng xăng dự kiến sẽ chịu thuế trong khung 3.000 – 8.000 đồng/lít; dầu diesel cũng dự kiến tăng lên 1.500 – 4.000 đồng/lít. Quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng, mức thuế BVMT đối với xăng dầu đã gần sát mức trần trong khung thuế, nên dư địa để điều chỉnh còn lại quá ít, khó phù hợp với chính sách phát triển KT-XH của nhà nước trong từng thời kỳ. Ngoài ra, thuế nhập khẩu xăng ở một số thị trường đã giảm xuống còn 10%. Đến năm 2024 giảm xuống 0% và đề xuất này không có tác động tiêu cực, không làm tăng giá xăng…
Tuy nhiên, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng mức thuế trong đề xuất này là quá cao, bất hợp lý. Theo ông Long, xăng hiện có giá khoảng 18.000 đồng/lít, thuế BVMT đang ở mức 3.000 đồng, tức chiếm gần 20%. Trong khi giá xăng về cảng sau khi tính thuế nhập khẩu cũng khoảng trên dưới 10.000 đồng/lít, nếu thuế BVMT tăng lên 8.000 đồng/lít thì mức thuế này chiếm đến 50% mức giá bán lẻ và gần bằng với mức giá xăng khi về cảng. Đó là chưa kể, 1 lít xăng đang phải “gánh” đủ các loại thuế, phí: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng… 

 
 
Thực tế, các DN cũng đang rất lo lắng với thông tin trên. Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội chia sẻ, ông thực sự thấy “choáng” với đề xuất tăng thuế BVMT của Bộ Tài chính. Bởi trong điều kiện nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc tăng thuế gấp hai, ba lần so với mức hiện tại chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các công ty vận tải. Điều đó buộc DN phải tăng giá cước vận tải để phù hợp với điều kiện thực tế, kéo theo một loạt hệ luỵ tiêu cực tăng giá hàng hoá, sản phẩm, phá vỡ mục tiêu kiểm soát lạm phát.

 


Về con số tuyệt đối, tính toán cho thấy thuế, phí chiếm khoảng hơn 8.500 đồng/lít xăng, tức chiếm gần 50% so với giá bán lẻ hiện hành. Nếu thuế BVMT tăng lên 8.000 đồng/lít thì giá cơ sở xăng, dầu sẽ bị đẩy lên mức hơn 23.000 đồng/lít, trong đó riêng thuế và phí chiếm hơn 50%.
“Nếu tăng thuế BVMT với mức như vậy, chắc chắn giá bán lẻ xăng dầu sẽ tăng. Trong khi xăng dầu là loại vật tư quan trọng đối với sản xuất, an ninh, quốc phòng và đời sống; yếu tố đầu vào quan trọng của mọi ngành trong nền kinh tế, điều này chắc chắn sẽ tác động tới mặt bằng giá, tác động tới lạm phát. Trong điều kiện năng lực cạnh tranh của ta còn rất thấp, giá đầu vào tăng cao sẽ là rào cản lớn đối với khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp (DN)”, ông Long lo ngại.
Vẫn theo chuyên gia này, tuy thu nhập của nước ta vào loại trung bình của thế giới, nhưng ở loại trung bình rất thấp. Đời sống của người dân còn khó khăn, nếu giá xăng tăng, đời sống sẽ không được cải thiện, cần phải khoan sức dân. TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng mức nâng thuế mà Bộ Tài chính đưa trong dự thảo là quá cao. Nếu nâng tiếp sẽ gây tác động liên hoàn đến kinh tế, tác động tới giá vận tải, giá cả hàng hoá, tăng chi phí đầu vào của các DN, từ đó ảnh hưởng đến lạm phát.
Thu 10 đồng, chi 3 đồng
Điều đáng nói, việc sử dụng nguồn thu từ thuế BVMT còn rất thiếu công khai, minh bạch, gây bức xúc cho những người đóng thuế. Mục tiêu hàng đầu của sắc thuế này là tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước lấy từ nguồn gây ô nhiễm và gây thiệt hại cho môi trường để bù đắp cho các chi phí xã hội như gây quỹ tài trợ cho các hoạt động để xử lý hoặc đền bù ô nhiễm. Song kể từ năm 2012 đến nay, nguồn chi cho các mục tiêu trên rất ít. Cụ thể, năm 2013 chi có 9.700 tỉ đồng, năm 2014 là 9.800 tỉ đồng và năm 2015 hơn 11.400 tỉ đồng. Nếu tính tổng, trong giai đoạn 2013 – 2016 thu từ thuế BVMT đạt gần 100.000 tỉ đồng thì chi cho sự nghiệp BVMT chỉ khoảng hơn 30.000 tỉ đồng. Nghĩa là thu vào 10 đồng mà chi ra có 3 đồng thì chắc chắn không thể thực hiện được mục tiêu BVMT, giảm khí thải, ô nhiễm được.
Tăng thuế môi trường xăng khó khả thi - ảnh 3

Xăng dầu đang gánh quá nhiều thuế – phíẢNH: ĐỘC LẬP

Cũng vì thu chi bất tương xứng thế này, không chỉ các chuyên gia, trước đó một loạt bộ, ngành, tổ chức đã cảnh báo Bộ Tài chính phải thận trọng với đề xuất này. Bộ Ngoại giao đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc thật kỹ sự cần thiết, lộ trình thực hiện, nhất là trong bối cảnh DN còn gặp nhiều khó khăn, mặt hàng thiết yếu này đã gánh nhiều loại thuế, phí. Đồng thời, đề nghị bổ sung đánh giá tác động về KT-XH đối với phương án nâng mức sàn, mức trần biểu khung thuế của xăng trong dự thảo báo cáo.
Đặc biệt, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) lo ngại việc tăng thuế đối với xăng dầu nhằm bù vào khoản hụt thu từ các hiệp định thương mại sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế VN. Nếu tăng thuế đối với xăng dầu để bù lại, thì vô hình trung, chính sách này khiến các DN mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng: “Năm 2017 Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4%, vì vậy việc tăng thuế có thể sẽ tác động không tốt đến chỉ tiêu này. Do đó, cần hết sức thận trọng trong việc tăng thuế BVMT đối với xăng, dầu”.
Xăng lại giảm giá không đáng kể
Ngày 5.4, liên bộ Tài chính – Công thương yêu cầu DN giảm giá bán xăng dầu kể từ chiều cùng ngày nhưng mức giảm không đáng kể. Theo đó, giảm giá xăng 92 mỗi lít 81 đồng, xăng E5 giảm 67 đồng/lít, dầu diesel có mức giảm mạnh hơn với 369 đồng/lít, dầu hỏa giảm 189 đồng/lít và dầu mazút giảm 234 đồng/kg. Sau khi giảm giá, mức giá bán ra phổ biến của các mặt hàng như sau: xăng RON 92 không quá 17.233 đồng/lít, E5 không cao hơn 17.032 đồng/lít, dầu diesel không cao hơn 13.469 đồng/lít, dầu hoả không vượt quá 11.988 đồng/lít và mazút không cao hơn 10.616 đồng/kg. Tại lần điều chỉnh cách nay 1 tháng, giá xăng cũng chỉ giảm từ 58 – 76 đồng/lít tuỳ loại.
Chí Hiếu

Anh Vũ