11/01/2025

Quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô kiểm soát lạm phát

Ngày 3.4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.2017.

 

Quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô kiểm soát lạm phát

Ngày 3.4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.2017.



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ /// Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủẢNH: TTXVN

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu 10 điểm nổi bật và những điểm tồn tại, bất cập về kinh tế – xã hội để các thành viên Chính phủ thảo luận.
Theo đó, 10 điểm sáng của kinh tế – xã hội trong 3 tháng đầu năm 2017 là: Kinh tế vĩ mô ổn định. Tăng trưởng tín dụng cao (đạt 2,81% trong khi cùng kỳ năm 2016 đạt 1,54%). Xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt trên 43,7 tỉ USD, tăng 12,8%. Các khu vực nông nghiệp và dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Khách quốc tế tiếp tục tăng nhanh, đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 29%.
Vốn FDI tăng mạnh, đăng ký đạt 7,71 tỉ USD tăng 77,6% (bao gồm cấp mới, tăng vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài), thực hiện đạt 3,62 tỉ USD tăng 3,4%. Thu ngân sách tăng mạnh, đạt 23,4% dự toán, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng nhanh (có trên 26.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,4% về doanh nghiệp và 45,8% về vốn đăng ký), đặc biệt tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 600.000 tỉ đồng. Chỉ số sản xuất Nikkei (chỉ số quản trị mua hàng của VN) đạt 54,6, cao hơn so với bình quân của ASEAN là 50,9. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, kinh tế tiếp tục chuyển biến theo chiều hướng tích cực, đúng định hướng tái cơ cấu nền kinh tế và định hướng phát triển bền vững, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên. Trong quý 1/2017, tăng trưởng tuy có thấp hơn cùng kỳ nhưng duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng chống chịu trước những biến động của kinh tế thế giới.
Nhấn mạnh nhiệm vụ năm 2017 là hết sức nặng nề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải lấy chủ đề của năm 2017 là “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững” làm trọng tâm hành động, nói đi đôi với làm, tăng cường kỷ luật kỷ cương; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần tiếp tục kiên định, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Yêu cầu đặt ra là phải có quyết tâm cụ thể, có sự nỗ lực vượt bậc để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7%.
Cùng với tăng trưởng, phải kiểm soát tốt lạm phát, điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay và nếu không giảm được lãi suất thì cũng không được tăng lãi suất; tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp và người dân; tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng. Tiếp tục thực hiện quyết liệt thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư mạnh mẽ, tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển.
Cùng với các nhiệm vụ về phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển y tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, bảo vệ môi trường… Thực hiện đồng bộ các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm lo đời sống mọi mặt cho nhân dân; tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông; phòng chống cháy nổ; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…
Tại phiên họp, Thủ tướng hoan nghênh Bộ Thông tin – Truyền thông đã có thông điệp mạnh mẽ với Google, Facebook; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động trong công tác cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về tình hình kinh tế – xã hội và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các ngành, các cấp, góp phần tạo đồng thuận xã hội, khuyến khích tinh thần doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2017.
“Lấn vỉa hè thì công trình của ai cũng bị phá dỡ”
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều cùng ngày, câu chuyện giành lại vỉa hè tiếp tục nhận được sự quan tâm của báo chí, nhất là ở khía cạnh chăm lo sinh kế cho người bị ảnh hưởng cũng như một số hành động phản cảm như chặt hạ cây xanh…
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, mặc dù chỉ trong thời gian ngắn gần 2 tháng nhưng kết quả mang lại được người dân đánh giá cao, chiến dịch được tập trung cao độ không chỉ ở Q.1, TP.HCM mà còn lan tỏa ra các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh khác. Vỉa hè cơ bản được trả lại cho người đi bộ. Về việc bảo đảm sinh kế cho người dân, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhìn nhận các địa phương có cách làm linh hoạt khác nhau. “Có những địa phương có cơ chế hỗ trợ tạo việc làm cho người dân, có nơi quy định một số tuyến đường, phố để người dân tiếp tục bán những sản phẩm hoặc tạo những chợ để người dân vào chợ bán hàng…”, ông Dũng dẫn chứng đồng thời khẳng định việc duy trì kỷ cương, lập lại trật tự hè phố vẫn bảo đảm cuộc sống cho người dân.
Có thể thanh tra lại vụ bổ nhiệm cán bộ tại Thanh H
Liên quan đến việc “bổ nhiệm thần tốc” bà Quỳnh Anh ở Thanh H, trả lời câu hỏi của báo chí rằng liệu Bộ Nội vụ hoặc Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc vì để tỉnh Thanh Hóa tự thanh tra sẽ thiếu khách quan, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng việc lãnh đạo tỉnh Thanh H chỉ đạo các cơ quan của tỉnh thanh tra toàn diện việc quy hoạch, bổ nhiệm bà Quỳnh Anh là hoàn toàn đúng với chức trách, chức năng lãnh đạo của UBND tỉnh. “Theo phân cấp, việc bổ nhiệm cấp phòng thuộc thẩm quyền lãnh đạo sở nên việc thanh tra, kiểm tra có thể giao cho Thanh tra tỉnh và Sở Nội vụ Thanh Hoá tiến hành. Điều này hoàn toàn theo đúng quy định của pháp luật, theo đúng phân cấp”, ông Tuấn nói. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết Thanh tra Bộ Nội vụ hoặc Thanh tra Chính phủ có thể thanh tra lại, nếu trong quá trình xem xét báo cáo Thanh tra tỉnh Thanh H mà thấy có vấn đề.
Khi được hỏi quan điểm trước việc lãnh đạo Thanh Hóa nói không thanh tra tài sản bà Quỳnh Anh do bà này đã nghỉ việc, ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng thanh tra Chính phủ, cho hay bà Quỳnh Anh không còn nằm trong đối tượng kê khai tài sản cũng như nghĩa vụ kê khai, giải trình của cựu cán bộ này không còn được điều chỉnh bởi quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng. “Do kê khai tài sản là một biện pháp để phòng chống tham nhũng nên các cơ quan nhà nước vẫn xem xét và xử lý bà Quỳnh Anh với tư cách của một công dân, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đây là điều chỉnh với công dân bình thường. Việc không còn nghĩa vụ kê khai tài sản không có nghĩa là không còn cơ quan nào xem xét nữa”, ông Khánh nhấn mạnh.
 

 

Chí Hiếu