29/11/2024

Nga cảnh báo nạn dụ dỗ thiếu niên tự sát

Hiện tượng nhiều thiếu niên ở Nga tự sát theo xúi giục của các nhóm “tử thần” trên mạng xã hội khiến chính phủ và xã hội phải vào cuộc.

 

Nga cảnh báo nạn dụ dỗ thiếu niên tự sát

Hiện tượng nhiều thiếu niên ở Nga tự sát theo xúi giục của các nhóm “tử thần” trên mạng xã hội khiến chính phủ và xã hội phải vào cuộc.

 

 

Các nhóm “tử thần” lợi dụng mạng xã hội VK ở Nga để dụ dỗ thanh thiếu niên tự sátẢNH: MINH HỌA PHOTOXPRESS

Gần đây, dư luận Nga tiếp tục lo ngại về sự tồn tại của các nhóm hoạt động “ẩn” trên mạng xã hội Vkontakte (VK, hoạt động chủ yếu ở Nga và các nước nói tiếng Nga) chuyên kích động thành viên tự sát, theo một bài báo trên AFP mới đây. Các nhóm này từng bị tờ Novaya Gazeta (Nga) phanh phui trong bài phóng sự điều tra hồi năm 2016, nhưng đến nay chúng vẫn ngang nhiên tồn tại.
“Giáo phái tự sát”
Theo điều tra của Novaya Gazeta, hàng chục thiếu niên trong số 130 người được ghi nhận tự sát tại Nga trong giai đoạn tháng 11.2015 – 4.2016 là do nghe theo lời dụ dỗ từ các thành viên nhóm “tử thần” trên VK. Những kẻ này luôn che giấu danh tính trong lúc mở rộng “giáo phái tự sát” của chúng. Gần đây các điều tra viên Nga đã bắt giữ Filipp Budeikin, 22 tuổi, thủ lĩnh một nhóm “tử thần” tại thành phố St.Petersburg, sau khi phát hiện hắn xúi giục 15 thiếu niên tự sát.
Trả lời phỏng vấn truyền thông Nga ngay sau khi bị bắt, Budeikin đã kể nhiều chiến thuật nhằm thu hút các thiếu niên. “Trước tiên tôi phải tạo các nhóm trên mạng xã hội với những nội dung kích thích họ. Khi họ nhấp chuột vào đường link để xin làm thành viên, đó là lúc cuộc chơi bắt đầu”, Budeikin kể lại một cách lạnh lùng. Budeikin thừa nhận hắn đã yêu cầu các nạn nhân chia sẻ thông tin cá nhân và thực hiện một số “nhiệm vụ”, trong đó có hành động hủy hoại bản thân như tự cắt da thịt. “Tôi chỉ đơn giản muốn làm xã hội sạch sẽ” (?), kẻ máu lạnh lý giải. Các nhóm tương tự Budeikin thậm chí còn đe dọa tống tiền hoặc giết chết người thân các thành viên nếu họ không thực hiện các “sứ mạng” chúng giao, theo Novaya Gazeta.
Chính phủ và xã hội vào cuộc
Tổng thống Vladimir Putin đã công khai bày tỏ mối quan ngại về hiện tượng này và kêu gọi tăng cường hình phạt đối với những kẻ xúi giục tự sát.
“Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Chúng ta cần lập một cơ quan chuyên trách quy tụ các chuyên gia của Bộ Nội vụ và Tổng cục An ninh Liên bang, phân loại các vụ tự sát và tìm ra kẻ xúi giục”, ông Anton Breido, trưởng bộ phận điều tra trọng án thành phố St.Petersburg trực thuộc Ủy ban Điều tra Nga, nói với Novaya Gazeta hồi tháng 3. Ông cũng là người dẫn đầu cuộc điều tra vụ án Filipp Budeikin.
Theo luật hiện hành của Nga, người phạm tội xúi giục tự sát có thể lãnh mức án cao nhất là 3 năm tù giam. Hồi đầu tháng 3, chính phủ Nga đã thông qua dự luật đề xuất tăng mức hình phạt đối với tội phạm này lên 5 năm tù giam, theo đài Russia Today.
Các nhà hoạt động xã hội thuộc Tổ chức Vệ binh trẻ của đảng Nước Nga thống nhất (do ông Putin sáng lập hồi năm 2005) đã tiến hành chiến dịch tăng cường ý thức cho thanh thiếu niên và cha mẹ về hành vi tự sát, đăng tải các video trên mạng VK, tuyên truyền chống lại các nhóm “tử thần”, theo trang tin News Talk (Ireland). “Chúng ta cần có biện pháp để internet trở nên sạch sẽ và an toàn hơn. Hoạt động xúi giục tự sát xuất phát từ vấn đề mà các nhà tâm lý học gọi là sự cô đơn trong xã hội”, bà Anna Rogacheva, giám đốc một đơn vị của Vệ binh trẻ, nói.
Những tranh cãi
Điều tra của Novaya Gazeta gây ra không ít hoang mang trong xã hội Nga, nơi tự sát là một chủ đề cấm kỵ. Thế nhưng, đây lại là vấn đề đáng báo động vì tỷ lệ tự sát ở thiếu niên Nga là 20/100.000 người, cao gấp 3 lần tỷ lệ bình quân toàn cầu, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ủy viên phụ trách quyền trẻ em của Điện Kremlin, bà Anna Kuznetsova, cho biết tỷ lệ tự vẫn ở thiếu niên Nga tăng gần 57% hồi năm 2016 sau vài năm có giảm, một phần là do hiện tượng nhóm “tử thần” hoạt động trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia cho rằng hiện tượng nhóm “tử thần” không lan rộng như phản ánh của báo chí, theo AFP. Một số người cáo buộc báo Novaya Gazeta thổi phồng các số liệu để tạo thành “hiện tượng”, trong khi thực tế chỉ là “một vài vụ thiếu niên tự sát”. “Đây không phải là lần đầu tiên dư luận hoang mang vì tỷ lệ thiếu niên tự sát gia tăng. Các số liệu không ủng hộ xu hướng này”, chuyên gia nhân khẩu học Nga Yevgeny Andreyev bình luận.

 

Phúc Duy