29/11/2024

Muốn có phố đi bộ, phải tính bãi đậu xe

Ủng hộ tổ chức các tuyến đường đi bộ nhưng theo các chuyên gia, điều quan trọng hàng đầu là phải xây dựng các bãi xe, đồng thời nên cân nhắc chọn các tuyến đường đi bộ phù hợp với mục đích, nhu cầu và đảm bảo tiện ích cho người dân.

 

Muốn có phố đi bộ, phải tính bãi đậu xe

Ủng hộ tổ chức các tuyến đường đi bộ nhưng theo các chuyên gia, điều quan trọng hàng đầu là phải xây dựng các bãi xe, đồng thời nên cân nhắc chọn các tuyến đường đi bộ phù hợp với mục đích, nhu cầu và đảm bảo tiện ích cho người dân.



Xe hơi đỗ hàng dài trên đường Phạm Ngọc Thạch (Q.1)
 /// Ảnh: Ngọc Dương

 

Xe hơi đỗ hàng dài trên đường Phạm Ngọc Thạch (Q.1)ẢNH: NGỌC DƯƠNG

 

Tránh làm đồng loạt
Sở GTVT TP.HCM cho biết đang xây dựng kế hoạch đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ trong khu vực trung tâm TP theo đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 (quy hoạch phân khu) khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (930 ha) đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 6708/QĐ-UBND ngày 29.12.2012 của UBND TP. Theo đó, khu vực trung tâm TP sẽ chia thành 5 phân khu với các chức năng khác nhau, trong đó sẽ định hướng không gian đi bộ trên 8 tuyến đường như: Đồng Khởi, Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Đức Thắng, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Phạm Ngọc Thạch, Võ Văn Tần và Trần Cao Vân.
 
 
Muốn có phố đi bộ, phải tính bãi đậu xe - ảnh 1
Muốn quy hoạch phố đi bộ thì phải tổ chức được các công trình thương mại, dịch vụ và đặc biệt phải giải quyết được vấn đề bãi đỗ xe. Xe chở hàng vào phố như thế nào? Người dân sống trong khu phố đi bộ sẽ di chuyển ra sao? Giao thông bên ngoài được tổ chức như thế nào?

Muốn có phố đi bộ, phải tính bãi đậu xe - ảnh 2
 
KTS Ngô Viết Nam Sơn
 

Theo kỹ sư Nguyễn Minh Đồng, việc quy hoạch nhiều tuyến đường thành phố đi bộ như vậy sẽ rất khó trong khâu tổ chức và quản lý. Ông cho rằng, các tuyến phố đi bộ này sẽ làm giao thông trở nên phức tạp và rối loạn, vì khi đi một đoạn đường đã gặp đường cấm xe. Việc bố trí lại giao thông sẽ rất khó khăn và dễ xảy ra nguy cơ ùn tắc, đồng thời cuộc sống của người dân sinh sống trong tuyến phố đi bộ cũng sẽ bị ảnh hưởng không ít. “Người dân và khách tham quan, du lịch sẽ gửi xe ở đâu để đi bộ? Ở nước ngoài, xung quanh các khu phố đi bộ luôn luôn có các bãi đỗ xe, nhưng ở TP.HCM, quy hoạch bãi đỗ xe thì nhiều, nào là bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe thông minh, lắp ráp cao tầng mà bây giờ vẫn chưa thấy đâu. Cần phải hoàn thiện xong các bãi đỗ xe trước khi nghĩ đến chuyện lập phố đi bộ lớn, nhỏ”, ông Đồng nêu quan điểm.

Tán đồng chủ trương nhưng có băn khoăn về cách thức tổ chức, KTS Khương Văn Mười cho rằng việc Sở GTVT triển khai các tuyến đường này thành phố đi bộ thì cần phải xác định thật kỹ rằng phố đi bộ có cho phép các phương tiện công cộng vào hay cấm tất cả các loại xe? Đồng thời cần phải làm từng bước, tổ chức trên từng đoạn đường, tránh làm đồng loạt vì sẽ làm xáo trộn đời sống người dân. Quan trọng nhất, theo ông Mười, là phải bố trí được các bãi đỗ xe ở những khu vực xung quanh phố đi bộ, tạo điều kiện cho người dân và khách tham quan dễ dàng tiếp cận với khu vực đi bộ hơn.
Chọn tuyến phố nhộn nhịp kinh doanh
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng kế hoạch phát triển các khu vực, tuyến đường đi bộ của TP là cần thiết nhưng đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn. Muốn vậy, cần phải có kế hoạch tổ chức, quy hoạch chi tiết, cụ thể, kỹ càng vì không phải cứ chặn không cho xe vào là sẽ thành phố đi bộ. Lấy phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện nay để phân tích, KTS Sơn cho rằng các công trình dịch vụ, thương mại hai bên đường vẫn chưa phát triển, buổi trưa còn rất nắng vì bị bê tông hóa nhiều, khiến việc đi lại trở nên khó khăn. “Muốn quy hoạch phố đi bộ thì phải tổ chức được các công trình thương mại, dịch vụ và đặc biệt phải giải quyết được vấn đề bãi đỗ xe. Xe chở hàng vào phố như thế nào? Người dân sống trong khu phố đi bộ sẽ di chuyển ra sao? Giao thông bên ngoài được tổ chức như thế nào? Đây là những câu hỏi mà Sở cũng như TP cần khảo sát kỹ lưỡng, lên kế hoạch, đưa ra câu trả lời cụ thể trước khi bắt tay vào triển khai”, ông Sơn góp ý. Theo ông, Sở GTVT trước mắt nên tập trung đầu tư tổ chức 2 tuyến phố Nguyễn Huệ và Bùi Viện cho thật bài bản, sau mới lấy đó làm mẫu nhân rộng ra các tuyến phố khác. Ông Sơn cũng đề xuất Sở GTVT nên xem xét thêm một tuyến đường có thể đưa vào quy hoạch là khu vực ven kênh Thị Nghè: “Với các dịch vụ thương mại, hàng quán dọc bên đường, nếu tổ chức khu vực này thành phố đi bộ sẽ rất phù hợp”.
Đồng quan điểm trên, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường, Ủy ban MTTQ TP.HCM, cũng cho rằng trước khi quyết định chọn quy hoạch khu vực nào, tuyến đường nào, Sở GTVT cùng TP cần đưa ra phương án tổ chức cụ thể, xác định mục đích, mục tiêu, đối tượng của những tuyến phố đi bộ này. Theo ông, nếu quy hoạch các tuyến phố đi bộ để khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân hoặc để đi thể dục thì nên sử dụng các tuyến đường như Lê Duẩn, Mạc Đĩnh Chi. Đây là những con đường có không gian thoáng đãng, rộng rãi, đẹp, thích hợp cho việc đi bộ. Còn nếu xác định làm tuyến đường đi bộ để thu hút du lịch, triển khai các không gian văn hóa của TP thì 2 đường Phạm Ngọc Thạch và Trần Cao Vân có vẻ còn lạc lõng, chưa phù hợp. “Tại sao không chọn Nguyễn Đình Chiểu hay Lý Tự Trọng hay các khu vực quanh kênh Thị Nghè? Khách đến du lịch thì mục đích chính của họ là thăm thú, mua bán, la cà ăn uống. Phải chọn những đường nào có nhiều hàng quán, khách sạn, quy hoạch khu đi bộ bao quanh thì mới “câu” được khách. TP cũng phải có nghĩa vụ nâng cấp các hộ kinh doanh tại các khu vực này, vừa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, vừa đảm bảo kinh tế cho người dân cũng như TP”, ông Ninh nói.
Việc đầu tiên phải xây bãi xe lớn
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh góp ý: “Xác định làm các tuyến phố đi bộ thì việc đầu tiên là phải xây dựng các bãi gửi xe lớn. TP có thể cân nhắc sử dụng các công viên như công viên 23 Tháng 9 (Q.1) hay những khu đất rộng tại đầu và cuối các tuyến đường để làm bãi gửi xe ngầm và nổi cho xe máy. Đối với ô tô thì tốt nhất nên thiết kế bãi xe ngầm tự động nhiều tầng như các nước khác trên thế giới đã làm. Cùng với đó, đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng, phục vụ tận nơi tận chốn nhu cầu của người dân, như vậy mới mong khả thi”.

Lập tổ công tác đẩy nhanh các dự án bãi đậu xe ở TP.HCM
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa có thông báo khẩn về việc thành lập tổ công tác liên ngành do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa làm tổ trưởng để giải quyết khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng bãi đậu xe ô tô ngầm và cao tầng ở TP.HCM.
UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, Sở Xây dựng và đơn vị có liên quan khẩn trương nghiên cứu, quy hoạch bổ sung các vị trí xây dựng bãi đậu xe ngầm, gắn với quy hoạch không gian ngầm khu trung tâm và kết nối đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị TP; trình UBND TP.
Đối với 4 dự án bãi đậu xe ngầm đang được triển khai (tại công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng, công viên Tao Đàn, sân vận động Hoa Lư), Sở GTVT làm việc cụ thể với các nhà đầu tư để rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc theo từng dự án; đề xuất hướng giải quyết cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; trình UBND TP trước ngày 15.4.
Để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng các bãi đậu xe ngầm, Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở GTVT nghiên cứu, đề xuất UBND TP bổ sung dự án xây dựng công trình giao thông tĩnh vào danh mục các dự án được sử dụng vốn kích cầu của TP.
Đối với đề xuất xây dựng tạm các bãi đậu xe cao tầng lắp ghép, giao Sở GTVT, phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc nghiên cứu đề xuất từng dự án cụ thể, đảm bảo nguyên tắc chỉ đầu tư và khai thác trong thời gian ngắn (dưới 5 năm), không kết hợp kinh doanh thương mại và không ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị; trình UBND TP.
Trung Hiếu

 

Lê Hà – Hà Mai