29/11/2024

Căng thẳng biên giới, Lào đóng cửa khẩu với Campuchia

Binh sĩ Lào được điều động đến ngăn Campuchia cải tạo một trạm gác tại vùng chưa phân định ranh giới giữa hai nước.

 

Căng thẳng biên giới, Lào đóng cửa khẩu với Campuchia

Binh sĩ Lào được điều động đến ngăn Campuchia cải tạo một trạm gác tại vùng chưa phân định ranh giới giữa hai nước.



Các lực lượng Lào và Campuchia tranh cãi ở biên giới
 /// Ảnh: Chụp màn hình Khmer Times

Các lực lượng Lào và Campuchia tranh cãi ở biên giớiẢNH: CHỤP MÀN HÌNH KHMER TIMES

Tờ Khmer Times ngày 4.4 dẫn lời ông Men Kong, người phát ngôn tỉnh Stung Treng (Campuchia), cho hay Lào đã đóng một cửa khẩu thông sang xã O’Svay thuộc huyện Thala Barivat, tỉnh Stung Treng. Lào cũng điều thêm binh sĩ đến khu vực này sau khi lực lượng biên phòng Campuchia cải tạo một trạm gác, theo tờ The Phnom Penh Post.
Giằng co ở “vùng trắng”
Động thái trên diễn ra giữa lúc tình hình khu vực biên giới đang căng thẳng sau khi hai bên tiếp tục những hoạt động xây dựng tại khu vực chưa phân định ranh giới. Ông Ham Sovorn, cảnh sát trưởng xã O’Svay, nói với The Phnom Penh Post rằng trạm gác trên có từ thời Pháp thuộc, nằm ở “vùng trắng” chưa phân chia ranh giới cạnh sông Mê Kông; và các binh sĩ Lào đã vào khu vực này yêu cầu phía Campuchia dừng ngay việc xây dựng. “Khi chúng tôi xây một trạm tại khu vực ven sông, họ đã buộc chúng tôi dừng xây và điều 3 xe tải đầy binh sĩ trang bị súng ống sẵn sàng tấn công chúng tôi”, ông nói.
Tờ The Cambodia Daily dẫn lời thiếu tướng Svay Nhan, chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Stung Treng, xác nhận việc binh sĩ Lào ngăn cản lực lượng biên phòng Campuchia xây dựng tại trạm gác trên. Theo tướng Nhan, vị trí trạm gác nằm cách Trạm kiểm soát quốc tế Trapaing Kriel của Lào khoảng 7 km và thuộc khu vực đã được hai bên thỏa thuận không xây dựng bất kỳ công trình mới cho đến khi ủy ban biên giới chung tiến hành phân định ranh giới. Hiện chính quyền địa phương đã báo cáo vụ việc lên Bộ Nội vụ Campuchia.
Theo ông Sovorn, tình hình khu vực biên giới trở nên căng thẳng hơn từ đầu tháng 3 khi quân đội Lào tiếp tục xây một trạm gác mà họ từng khởi công vào tháng 4 năm ngoái. “Chúng tôi không cho phép nhưng họ vẫn muốn xây và không báo với chúng tôi. Họ còn đào xong một cái giếng”, ông nói.
Một cảnh sát tại tỉnh Stung Treng cho biết Campuchia cải tạo trạm gác nhằm trả đũa việc Lào xây trạm gác trước đó. “Chính phủ hai nước vẫn chưa thống nhất phân định ranh giới tại khu vực trên, nhưng người Lào vẫn cố xây dựng. Do đó, chúng tôi muốn cải tạo một trạm cũ tại khu vực trên nhưng họ lại đưa lực lượng đến và đóng cửa biên giới”, viên cảnh sát không nêu tên cho hay.
Tranh chấp kéo dài
Theo Khmer Times, lãnh đạo tỉnh Stung Treng đã gặp đại diện Lào vào ngày 31.3 và phía Lào tạm dừng việc đào giếng, nhưng sau đó lại tiếp tục. “Việc này đã vi phạm thỏa thuận cấm các hoạt động xây dựng vì khu vực trên vẫn chưa phân định”, ông Men Kong nói.
Đường biên giới giữa Campuchia và Lào dài 533 km. Đến nay đã có 121 cột mốc biên giới, tương đương với 83% đường biên giới đã được phân định. Vào tháng 1, Chủ tịch Uỷ ban Biên giới Campuchia Var Kim Hong đã gặp phía Lào để đàm phán về việc tiếp tục cắm mốc biên giới. Hai bên đã thảo luận về các tranh chấp tại nhiều khu vực, trong đó có khu vực O’Svay tại tỉnh Stung Treng. Khi đó, ông Kim Hong nói rằng thoả thuận trước đó ảnh hưởng đến những người dân Campuchia sống tại đây và yêu cầu phía Lào dời đường biên giới sâu hơn về phía Lào. Ông cũng nói rằng Campuchia không đồng ý về vị trí các cột mốc biên giới kéo dài từ khu vực O’Svay đến Trapeang Kriel.
Trước đó vào tháng 2, ông Duong Pov, Phó tỉnh trưởng Stung Treng cho biết các binh sĩ Lào đã đào hào nhằm ngăn cản Campuchia làm đường gần khu vực biên giới. Campuchia có kế hoạch xây một tuyến đường dài 257 km nối thành phố Stung Treng (tỉnh Stung Treng) với huyện Siem Pang, nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng tại địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng đã bị hoãn sau khi hơn 400 binh sĩ vũ trang của Lào được cho là đã tràn qua khu vực này hồi tháng 2 để ngăn cản. Campuchia tạm ngưng việc xây dựng, đồng thời cũng điều quân đến khu vực biên giới để đối phó.

 

Khánh An