01/11/2024

​“Méo mặt” vì mưa trái mùa

Trong khi người dân tại TP.HCM vất vả lội “bì bõm” trong nước mưa ngay mùa khô, những cơn mưa trái mùa cũng làm nhiều nông dân “méo mặt”, do cây ăn trái bị rụng bông, lúa ngập trong nước…

 

​“Méo mặt” vì mưa trái mùa

 Trong khi người dân tại TP.HCM vất vả lội  “bì bõm” trong nước mưa ngay mùa khô, những cơn mưa trái mùa cũng làm nhiều nông dân “méo mặt”, do cây ăn trái bị rụng bông, lúa ngập trong nước…

 

 

 

​“Méo mặt” vì mưa trái mùa
Tại Bình Phước, bông điều đang kết trái bỗng bị héo rũ vì mưa trái mùa – Ảnh: Đức Trong

Theo các chuyên gia, mưa trái mùa làm giảm quá trình thụ phấn và đậu trái của các vườn cây ăn trái, trong khi môi trường nước thay đổi đột ngột cũng khiến tôm, cá dễ bị sốc, chết hàng loạt.

Lúa ngập nước, cây ăn trái rụng bông

Ông Võ Việt Hưng – giám đốc Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương, tỉnh Đồng Tháp – cho biết những trận mưa to và kéo dài vừa qua khiến hầu hết nông dân trồng xoài lo lắng vì tỉ lệ đậu trái giảm mạnh.

Thông thường mùa thuận xoài ra hoa dày đặc, tỉ lệ đậu rất cao. Tuy nhiên, năm nay mưa dồn dập làm hoa rụng đầy vườn.

 
 

 

“Tỉ lệ trái đậu chỉ còn 60-70% so với bình thường. Dự báo năng suất vụ này chỉ khoảng 12 tấn/ha là cao, giảm 8 tấn/ha” – ông Hưng nói.

Theo ông Nguyễn Thành Tài – phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, mưa liên tục còn khiến chi phí đầu tư, chăm sóc xoài của nông dân tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Tất cả vườn xoài khi ra hoa đều phải phun thuốc trừ sâu rầy và phòng bệnh thán thư cho đến khi đậu trái.

Nhưng do mưa nên không phun thuốc được, tỉ lệ đậu trái cũng như trái đẹp sẽ giảm, ảnh hưởng đến giá thành. Ngoài ra, mưa còn làm trôi thuốc ở những vườn mới phun nên nông dân phải phun lại rất tốn kém.

Nhiều diện tích lúa tại các huyện Đức Huệ, Đức Hòa (Long An) đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, nhưng mưa trái mùa kéo dài khiến cả nông dân và thương lái đều bị thiệt hại do nhiều diện tích lúa bị ngã nằm ngâm nước.

Với những thửa ruộng này nông dân vừa phải trả chi phí thu hoạch (bằng máy gặt đập liên hợp) cao hơn, vừa phải chấp nhận giảm 100-200 đồng/kg thì mới bán được. Trong khi thị trường tiêu thụ gạo gặp khó khăn, doanh nghiệp thu mua gạo thận trọng càng tác động mạnh đến giá lúa.

Thương lái mua lúa tươi bị ướt phải đem sấy, chi phí tăng mà còn phải chờ đợi lâu nên cũng bị thiệt hại. Bà Nguyễn Thị Loan (thương lái mua lúa) cho biết đã đặt tiền cọc 2 triệu đồng/ha lúa tại Long An và Tiền Giang, nhưng do bị ảnh hưởng của các cơn mưa lớn trái mùa, bông lúa ngâm nước nên bị đen, chất lượng gạo không tốt nên bị lỗ te tua.

“Mỗi ghe lúa 30 tấn lỗ 7-8 triệu đồng. Đã đặt cọc trước, nông dân thu hoạch thì phải đến mua chứ bỏ cọc còn lỗ nặng hơn” – bà Loan than.

Sản lượng trái cây giảm mạnh

Thống kê của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT Đồng Nai, cho biết kể từ đầu mùa khô đến nay, hơn 20.000ha cây trồng đang ra hoa đậu trái hoặc chuẩn bị ra hoa trên địa bàn bị ảnh hưởng nặng bởi mưa trái mùa.

Trong đó 16.000 – 20.000ha điều, chiếm 40-50% tổng diện tích điều trên địa bàn (39.908ha), bị rụng hoa và trái, chưa kể một số dịch hại chính phát triển cũng ảnh hưởng đến năng suất điều như bệnh thán thư (2.187ha nhiễm bệnh), bọ xít muỗi (2.067ha), bọ trĩ (551ha).

Tương tự, 4.610 – 6.910ha xoài (chiếm 40-60% tổng diện tích) bị rụng hoa và trái non, 374ha xoài bị nhiễm thán thư, 148ha bị rầy bông xoài, 50ha bị bọ trĩ gây hại; khoảng 11.103ha chôm chôm cũng bị ảnh hưởng, bông ra chậm…

Ông Thành (huyện Thống Nhất), chủ vườn chôm chôm gần 5.000m2 mới bắt đầu ra hoa, cho biết gần một nửa diện tích đang bung đọt non, còn các nhánh hoa vẫn chưa đậu trái hoặc đậu trái không nhiều như năm trước.

Theo ông Thành, nhiều khả năng mùa thu hoạch chôm chôm năm nay bị chậm 1,5 – 2 tháng do bị ảnh hưởng của mưa trái mùa.

Tại vườn điều lâu năm rộng hơn 1ha của gia đình ông Vũ Minh Đức (ngụ ấp 3, xã An Viễn, huyện Trảng Bom), hàng loạt cây điều có bông không đậu trái hoặc bị cháy đen kể cả trái non. Một số trái lớn hơn cũng bị ảnh hưởng, hạt ám đen.

Trung bình mỗi năm vườn điều nhà ông Đức thu hoạch hơn chục tấn hạt, nhưng năm nay thất thu nặng, ước tính thiệt hại lên đến 60-70% diện tích do mưa trái mùa, chưa kể nhiều cây điều đang ra bông cũng bị bọ xít muỗi phá hoại.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới – cho biết mưa trái mùa khiến cây chỉ tập trung dinh dưỡng cho sinh trưởng phát triển bằng cách ra đọt non, thay vì sinh trưởng sinh dục là ra hoa và đậu trái, khiến tỉ lệ ra hoa và đậu trái thấp.

“Đặc biệt, mưa trái mùa mang theo axit làm cây sốc vì tụt pH khiến bông và trái bị hư, rụng, chưa kể mưa nhiều khiến nấm bệnh phát triển do độ ẩm tăng cao. Để hạn chế, nhà vườn nên xịt phân bón lá có chứa kim loại kiềm, axit amin để cây đủ sức chống chịu” – ông Nghĩa khuyến cáo. 

* Ông Lê Đình Quyết (phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ):

Sẽ còn mưa vài ngày nữa

Trong vài ngày tới vẫn có mưa khoảng 2/3 tỉnh thành Nam bộ, trong đó nhiều nơi có mưa to, tập trung ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, các tỉnh dọc biên giới Tây Nam (miền Tây), Cà Mau, Kiên Giang, An Giang.

Thời gian mưa, dông thường tập trung vào chiều tối. Từ ngày 7-4 trở đi mưa giảm hẳn, nắng trở lại, nhiệt độ cao nhất ban ngày có thể hơn 350C.

TS Trần Hữu Lộc (khoa thủy sản Trường ĐH Nông lâm TP.HCM):

Tôm, cá dễ bị bệnh và chết do mưa trái mùa

Mưa trái mùa làm môi trường nước thay đổi đột ngột, những loài nhạy cảm với nhiệt độ thay đổi như tôm, cá rô phi… dễ bị bệnh, chết, chưa kể các chất ô nhiễm từ nhiều nguồn tạo thêm áp lực xáo trộn những chất ô nhiễm lắng dưới đáy cũng là một nguyên nhân gây ra cá chết.

Đây cũng là nguyên nhân được cho làm cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè thời gian qua. 

* Ông Trần Văn Lộc (giám đốc Sở NN&PTNT Bình Phước):

Nghiên cứu giống điều mới 

Do ảnh hưởng của nhiều cơn mưa trái mùa kể từ đầu mùa khô đến nay, sản lượng điều trên địa bàn giảm mạnh, có những khu vực điều bị giảm tới 60-70% sản lượng. Ngoài ảnh hưởng đến bông điều, mưa trái mùa làm hạt điều dễ bị côn trùng tấn công.

Để đối phó với những hiện tượng tương tự trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổng hợp và báo cáo Bộ NN&PTNT để nghiên cứu những giống điều mới có khả năng thích ứng phù hợp với những diễn biến bất thường của thời tiết hiện nay. 

B.SƠN – Đ.TRONG

Phú Yên: hơn 600ha lúa bị ngập, ngã đổ

Ông Lê Tấn Thảo – phó chủ tịch UBND huyện Đông Hòa (tỉnh Phú Yên) – cho biết những cơn mưa vừa, mưa to trái mùa trong hai ngày 2 và 3-4 khiến hơn 600ha lúa trên địa bàn bị ngập, ngã đổ. Lúa đang làm đòng, bị ngập, bị ngã chắc chắn ảnh hưởng đến năng suất, khả năng lép hạt cao.

Ngoài ra, mưa lớn còn làm nhiều diện tích trồng dưa hấu ở xã Hòa Xuân Tây thuộc huyện Đông Hòa bị thiệt hại vì dưa đang chín rộ, giữa nắng nóng lại bất ngờ xuất hiện mưa lớn nên “nổ bụng”.

DUY THANH

Tây nguyên: cà phê, tiêu và điều bị thiệt hại nặng

Những cơn mưa trái mùa bất thường cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến hàng ngàn hecta cây trồng chủ lực ở Tây nguyên, nhiều diện tích như hồ tiêu, điều… có nguy cơ mất trắng.

Theo thống kê của UBND xã Yang Mao (huyện Krông Bông, Đắk Lắk), những đợt mưa lớn xuất hiện từ đầu năm đến nay khiến hơn 30ha cà phê trên địa bàn bị mất trắng, diện tích còn lại giảm 25% năng suất, hàng chục hecta hồ tiêu bị ngập úng và chết.

Tương tự, tại huyện Cư M’gar và huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) các cơn mưa bất thường những ngày vừa qua khiến hàng ngàn hecta điều bị rụng hoa, đứng trước nguy cơ mất mùa. Trong đó, khoảng 600ha điều ở Cư M’gar bị mưa đánh rụng bông, năng suất chắc chắn sẽ giảm.

Nhiều diện tích điều ở các huyện Kiến Đức, Tuy Đức, Đắk R’Lấp (Đắk Nông) đang vào thời kỳ ra hoa cũng bị mưa lớn gây thiệt hại nặng.

THÁI BÁ DŨNG

V.TRƯỜNG – A LỘC – NG.TRÍ