29/11/2024

Xây dựng quy hoạch khai thác bô xít trình Bộ Chính trị

Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về các dự án khai thác bô xít, sản xuất alumin Nhân Cơ (Đắk Nông), Tân Rai (Lâm Đồng) và dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông.

 

Xây dựng quy hoạch khai thác bô xít trình Bộ Chính trị

Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về các dự án khai thác bô xít, sản xuất alumin Nhân Cơ (Đắk Nông), Tân Rai (Lâm Đồng) và dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông.




Dây chuyền sản xuất ở dự án khai thác bô xít, sản xuất alumin Tân Rai (Lâm Đồng)	 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Dây chuyền sản xuất ở dự án khai thác bô xít, sản xuất alumin Tân Rai (Lâm Đồng)ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn than khoáng sản VN (TKV) tổ chức đánh giá, tổng kết việc thực hiện 2 dự án khai thác bô xít, sản xuất alumin. Việc đánh giá phải đặt trong tổng thể phát triển ngành khai khoáng, ngành công nghiệp nhôm của VN, phân tích thật kỹ mọi yếu tố kinh tế, xã hội, an sinh, quốc phòng, an ninh. “Trên cơ sở đánh giá hiệu quả của 2 dự án, phối hợp với các bộ, địa phương nghiên cứu xây dựng đề án quy hoạch tổng thể khai thác, chế biến quặng bô xít và xây dựng ngành công nghiệp alumin – nhôm ở khu vực, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Bộ Chính trị”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Thông báo cho hay dự án Tân Rai đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng và đi vào sản xuất kinh doanh ổn định, chất lượng quặng tinh và alumin đạt và vượt theo thiết kế và hiện đang tiêu thụ tốt trên thị trường thế giới và trong nước. Trong khi đó, dự án Nhân Cơ có cùng công suất và công nghệ tương tự như dự án Tân Rai, đã cơ bản hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn thành công tác chạy thử có tải, đạt công suất thiết kế và cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu cam kết theo hợp đồng EPC.
Để 2 nhà máy alumin hoạt động hiệu quả, bảo đảm chất lượng, an toàn, Phó thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương và TKV tiếp tục rà soát lại dự án, kể cả dự án đang hoạt động hay đang chạy thử để tối ưu hóa, đặc biệt là phát hiện và khắc phục những khâu bất hợp lý có nguy cơ mất an toàn, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm; Khắc phục thất thoát trong khai thác, tuyển luyện nhằm bảo vệ, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản; chống thất thoát trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, khai thác, chi phí nguyên nhiên vật liệu.
Đối với dự án điện phân nhôm Đắk Nông, lãnh đạo Chính phủ lưu ý chủ đầu tư tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào vận hành sản xuất; đồng thời chú trọng công tác an toàn lao động, quản lý lao động và các vấn đề an ninh trên địa bàn, không để xảy ra tình hình phức tạp.
Đội vốn khủng
Cũng trong thời gian Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát các dự án kể trên, Thanh tra Bộ Tài chính đã hoàn tất kết luận thanh tra với một số dự án của TKV, trong đó đáng chú ý là những con số không mấy khả quan tại dự án Tân Rai sau 3 năm đi vào hoạt động. Với số vốn đầu tư dự kiến ban đầu gần 7.800 tỉ đồng (khoảng 493,5 triệu USD), sau 4 lần thay đổi, dự án được tăng vốn lên gấp đôi, trên 15.400 tỉ (805 triệu USD). Thời gian thực hiện dự án trên cũng kéo dài và chậm 4 năm so với kế hoạch ban đầu. Đến tháng 9.2013, tổ hợp bô xít – nhôm này được đưa vào vận hành với công suất 650.000 tấn alumin một năm, tăng 50.000 tấn so với thiết kế ban đầu.
Dự án này gồm 3 hợp phần là khai thác mỏ bô xít, nhà máy tuyển quặng bô xít và nhà máy alumin. Tuy nhiên, sau 3 năm vận hành, dự án đang bị lỗ tới 3.700 tỉ đồng, trong đó khoản lỗ do hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm gần 70%, với khoảng 2.520 tỉ đồng; lỗ do chênh lệch tỷ giá 1.176 tỉ và phần còn lại do vượt lỗ lũy kế theo kế hoạch 1.660 tỉ đồng.
Dù vậy, đoàn thanh tra cũng cho rằng, tính đến cuối năm 2016 và đầu năm 2017, dây chuyền sản xuất của dự án đã vận hành ổn định, đạt xấp xỉ công suất thiết kế, giá thành sản xuất đã giảm, giá alumin, nhôm trên thế giới đã hồi phục nên dự kiến năm 2017 dự án sẽ hết lỗ như tính toán kế hoạch. Trong khi đó, dự án sản xuất alumin Nhân Cơ cũng đội vốn tới 5 lần so với quyết định đầu tư ban đầu (năm 2007). Vốn đầu tư cho dự án này ban đầu chỉ là 3.285 tỉ đồng nhưng đến năm 2014 đã tăng lên đến 16.821 tỉ đồng. Nguyên nhân chính là do thay đổi công suất của nhà máy từ 300.000 tấn/năm lên đến 650.000 tấn/năm. Dự án cũng phải dừng thi công 2 năm để đánh giá lại hiệu quả, do thay đổi tỷ giá, do một số thay đổi về chính sách tiền lương, giải phóng mặt bằng làm tăng chi phí nhân công và có cả yếu tố trượt giá.

 

Nguyên An