11/01/2025

Tư vấn mùa thi: Cách chọn ngành đăng ký dự thi

Chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức diễn ra tại tỉnh Tiền Giang ngày 1.4, đúng vào ngày đầu tiên nhận hồ sơ đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia.

 

Tư vấn mùa thi: Cách chọn ngành đăng ký dự thi

Chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức diễn ra tại tỉnh Tiền Giang ngày 1.4, đúng vào ngày đầu tiên nhận hồ sơ đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia.




PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tư vấn cho học sinh  /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tư vấn cho học sinhẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Vì vậy, học sinh đặt rất nhiều câu hỏi về chọn ngành để đăng ký xét tuyển. Chương trình được trực tiếp qua thanhnien.vn, facebook.com/thanhnien và kênh YouTube Báo Thanh Niên.
Chọn đúng ngành yêu thích
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, lưu ý học sinh (HS) về thứ tự nguyện vọng (NV). Chọn đúng theo những ngành mình thích, có năng lực chứ không phải chọn mỗi trường mỗi ngành theo kiểu may rủi. 

 
 
Cảm ơn Ban Giám hiệu Trường THPT Trương Định (thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) đã phối hợp tổ chức chương trình. Cảm ơn Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn trao 5 suất học bổng Nguyễn Thái Bình và Công ty Vietravel đưa đón đoàn tư vấn.

 


Về việc chỉnh sửa NV sau khi có kết quả thi, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, lưu ý thêm là chỉ được chọn một trong hai cách qua mạng hoặc trực tiếp. Nếu chọn chỉnh sửa qua mạng thì không được tăng thêm NV như chỉnh sửa bằng phiếu trực tiếp.
Có nhiều HS thắc mắc về cách thức xét tuyển giữa các NV. Các chuyên gia khẳng định các NV đều bình đẳng như nhau. Chẳng hạn nếu trường công bố ngành A là 20 điểm thì dù thí sinh đăng ký NV ngành A là ưu tiên thứ ba trong các NV thì vẫn trúng tuyển như thí sinh đăng ký NV 1.
Làm sao chọn được ngành phù hợp?
Bùi Đăng Khoa, HS lớp 12/9 Trường THPT Trương Định, hỏi: “Khi học ĐH, CĐ, làm sao tích lũy kinh nghiệm để khi ra trường có việc làm?”. Tiến sĩ Đặng Thị Ngọc Lan, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, tư vấn: “Khi học ở trường, sinh viên sẽ được học thêm kỹ năng nghề nghiệp chứ không phải ra trường mới học. Ngoài ra, trường nào cũng có chuẩn đầu ra để có thể đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động”.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng công ty sẽ tuyển nhiều vị trí khác nhau với nhiều mức độ khác nhau. Có vị trí cần kinh nghiệm nhưng có vị trí thì không. Điều doanh nghiệp muốn biết khi phỏng vấn sinh viên mới ra trường là học những gì, trải nghiệm gì, đã đi làm gì, tham gia những hoạt động nào khi học? Doanh nghiệp muốn tìm kiếm sự nỗ lực và tiềm năng. Nếu chứng tỏ được những điều đó, sinh viên mới ra trường cũng sẽ được đánh giá cao và được tuyển dụng.
Nguyễn Hương, lớp 12A1, Trường THPT Gò Công, thắc mắc: “Nếu em chọn ngành mình yêu thích nhưng ra trường không có việc làm thì em nên chọn như thế nào từ bây giờ?”. Cũng tương tự, Nguyễn Thị Xuân Mai, Trường THPT Trương Định, hỏi: “Nhiều anh chị học rất tốt nhưng học qua năm 1, 2 ở ĐH thì lại chán và bỏ ngành đó. Em làm sao chọn được ngành phù hợp với mình?”.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết hiện nay xu hướng trên thế giới là có thể sinh viên ra trường không làm đúng nghề mình đã học. Trừ một số nghề đặc thù, HS không cần lo lắng lắm khi tốt nghiệp phải theo đúng ngành học.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ lưu ý có rất nhiều sinh viên khi vào trường mới vỡ ra là mình hiểu sai về ngành học từ đó có tâm lý chán, bỏ học, chuyển ngành. “Nếu định hướng không đúng, có thể định hướng lại. Tuy nhiên, cần phải nỗ lực để vượt qua”, tiến sĩ Hạ khuyên.
Rất nhiều HS đặt câu hỏi hiện nay sinh viên học sư phạm ra trường thất nghiệp nhiều và ngày càng tăng, liệu thí sinh có nên tiếp tục chọn học sư phạm không? PGS-TS Nguyễn Kim Hồng cho biết nghề nào cũng đòi hỏi sự say mê. Nếu yêu thích nghề dạy học, đừng ngại ngùng học sư phạm. Nhưng học sư phạm xong cũng có rất nhiều bạn làm ngành nghề khác. Riêng ngành sư phạm tiểu học và sư phạm mầm non, 100% sinh viên học hai ngành này đều có việc làm. Hiện nay rất thiếu giáo viên mầm non. Ngay tại TP.HCM đặt hàng hơn 7.000 giáo viên mầm non nhưng không thể đào tạo đủ.
Nghe tư vấn còn nhận được điện thoại thông minh và pin sạc dự phòng

Tư vấn mùa thi: Cách chọn ngành đăng ký dự thi - ảnh 2

Trong chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại Trường THPT Trương Định (thị xã Gò Công, Tiền Giang), các HS (ảnh, từ trái sang) Đặng Tường Duy (lớp 12/7 THPT Trương Định), Phan Thanh Hoàn (lớp 12/8 THPT Trương Định), Lê Trọng Kháng (12/6 THPT Gò Công) đã rút thăm trúng thưởng điện thoại thông minh Mobiistar Lai Yuna do Công ty CP phát triển công nghệ Mobile Star tặng để động viên HS học tốt, có kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.
Với cách đặt vấn đề thú vị, 3 HS khác: Lê Khánh Xuân Duyên (lớp 12/1 THPT Trương Định), Bùi Đăng Khoa (lớp 12/9 THPT Trương Định), Trương Minh Tâm (lớp 12/1 THPT Gò Công) đã được Công ty cổ phần sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Viễn thông A tặng sạc pin dự phòng Anker Power Core 10.000 mAh.

 

Đăng Nguyên