Thà làm người khó tính…
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân (28 tuổi, hỗ trợ viên Trung tâm ứng dụng và bồi dưỡng tâm lý – giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chuyên viên tư vấn tâm lý học đường) không ít lần tự nhận mình là người nghiêm khắc và khó tính.
Thà làm người khó tính…
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân (28 tuổi, hỗ trợ viên Trung tâm ứng dụng và bồi dưỡng tâm lý - giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chuyên viên tư vấn tâm lý học đường) không ít lần tự nhận mình là người nghiêm khắc và khó tính.
Mới đây, anh đã có cuộc chia sẻ với PV Thanh Niên về “động cơ khó tính” của mình.
Thông thường ít ai muốn người khác nói mình khó tính. Nhưng tại sao anh tự nhận thuộc típ người đó?
Trong công việc, dạy học và giao tiếp ứng xử, tôi luôn đòi hỏi cao ở chính mình, cộng sự và học trò… Tôi đặc biệt khắt khe với những nội dung, phần việc, kỹ năng cơ bản đặt nền móng cho toàn bộ hoạt động. Tôi quan niệm, muốn xây dựng lâu đài nguy nga phải bắt đầu từ việc tôi luyện từng viên gạch, gạch có tốt nhà mới vững chãi. Muốn thành công phải bắt đầu từ những việc nhỏ và trui rèn mình qua nhiều gian nan, thử thách.
Công việc của tôi là dạy học, tư vấn và nghiên cứu tâm lý. Nếu mình dễ dãi khác nào cổ xúy cho việc xây nhà qua loa, dạy người đại khái và làm tâm lý mà thiếu mất cái tâm. Bác sĩ tiêm nhầm thuốc thì chết một bệnh nhân, chứ giáo viên dạy sai là chết hàng thế hệ. Tư vấn tâm lý thiếu trách nhiệm sẽ khiến thân chủ đi sai đường, mất phương hướng thậm chí chết dần mòn mà đôi khi không thể quy trách nhiệm cho ai. Bởi vậy, tôi buộc phải khó! Với tôi, đó là một lựa chọn hơn là sự quy định của tính cách.
Làm người khó tính, anh có sợ bị oán ghét hoặc xa lánh không?
Sợ chứ ạ! Sống ở đời ai cũng muốn được yêu thương cả. Hồi còn “trẻ trâu”, tôi cũng dễ tính lắm, bây giờ thì “đỡ nhiều” rồi.
Thực tế, một số sinh viên mới đầu làm việc với tôi khá e dè, thậm chí sợ vì nghe đồn “Thầy Huân khó tính lắm!”, nhưng vẫn chọn làm việc với tôi, chắc là để khám phá thử coi ổng giỏi giang cỡ nào mà khó tính dữ vậy? (cười). Điều làm tôi vui là đến cuối cùng, hầu hết các bạn ấy bảo đã không hối hận khi chọn theo tôi và cho rằng những cái khó ấy là cần thiết, có ích cho họ. Nếu có thể, tôi vẫn thích chọn dễ dãi để mấy bạn yêu mình nhưng lương tâm tôi không cho phép.
Với những bạn trẻ đang ghét anh hoặc chưa hiểu về “động cơ khó tính” của anh, anh muốn nhắn nhủ điều gì?
Khi các bạn trẻ làm việc với tôi, tôi có trách nhiệm động viên, an ủi và đặt ra yêu cầu cao để họ phát triển bản thân, để họ làm việc thực sự chứ không phải tập làm, làm thử hay học việc đầy tính đối phó. Cho nên, dẫu bản thân tôi có phải vắt sức ra nhiều hơn thì tôi vẫn phải nghiêm khắc.
Khi làm bất cứ việc gì, anh luôn đòi hỏi sự chỉn chu và hoàn thiện nhất. Với những học trò hay em út trong nhà, nếu họ không đáp ứng được yêu cầu đó, anh đối xử thế nào?
Tôi sẽ động viên, chia sẻ để mọi người hoàn thành công việc ở mức tốt nhất có thể. Nếu họ chưa hiểu hoặc lười nhác, muốn bỏ cuộc thì tôi sẽ góp một cánh tay giúp họ có thêm động lực vượt qua. Sau tất cả, ai không muốn tiếp tục nữa thì tôi để họ ra biển đời, đời sẽ mài giũa họ. Nếu lúc nào đó họ cần tôi, họ có thể tìm và tôi thì luôn sẵn lòng.
Có trường hợp nào anh cảm thấy hối tiếc vì mình nghiêm khắc quá mức hay không? Anh có định sửa tính cho dễ chịu hơn một chút hay quyết “giữ mình” mãi mãi như vậy?
Dường như chưa. Nếu có thì chắc là mâu thuẫn ban đầu, sau đó mọi thứ đều đi vào quỹ đạo. Tôi nghĩ là mình đã vận dụng tương đối tốt câu nói mà thầy tôi đã dạy: “Ác đúng chỗ là thiện, thiện không đúng chỗ là ác”. Vả lại, xin khẳng định: Tôi chỉ khó chớ không có ác. Ngoài ra, tôi cũng luôn cố gắng linh hoạt khi xử lý vấn đề: mềm nắn, rắn ráng nắn chút nữa, rắn quá thì buông luôn… nên chưa xảy ra sự cố nào đáng tiếc.
Như Lịch
(thực hiện)