11/01/2025

‘Méo mặt’ vì dưa hấu 1.000 đồng/kg

Giá dưa hấu chỉ 1.000 đồng/kg, thậm chí không có người mua đang khiến hàng ngàn nông dân trồng dưa ở Quảng Ngãi “méo mặt”.

 

‘Méo mặt’ vì dưa hấu 1.000 đồng/kg

Giá dưa hấu chỉ 1.000 đồng/kg, thậm chí không có người mua đang khiến hàng ngàn nông dân trồng dưa ở Quảng Ngãi “méo mặt”.



Dưa chín bị hư quá nhiều cộng với giá như bèo khiến người trồng dưa 'méo mặt' /// Ảnh: Hiển Cừ

Dưa chín bị hư quá nhiều cộng với giá như bèo khiến người trồng dưa ‘méo mặt’ẢNH: HIỂN CỪ

Đem dưa đổ cho bò ăn
Vụ dưa hấu năm nay, gia đình ông Nguyễn Thanh Quang (ở xã Tịnh Hiệp, H.Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) trồng 9 sào (1 sào = 500 m2). Ngoài việc phải gieo trồng nhiều lần do thời tiết bất lợi, ruộng dưa chín rộ hơn 1 tuần qua nhưng không có thương lái đến hỏi mua đang đẩy kinh tế gia đình ông đến khó khăn. Tiếc của, ông Quang đành thu hoạch về nhà làm thức ăn cho bò. Tuy nhiên, bò ăn dưa hấu suốt cũng ngán nên dưa bị thối rữa phải đem đổ bỏ. 



'Méo mặt' vì dưa hấu 1.000 đồng/kg - ảnh 1
Vấn đề cốt yếu là nông dân phải thay đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp, tránh làm theo kiểu ồ ạt, không có định hướng, thấy người kia trồng dưa có lãi thì mình cũng trồng dưa dẫn đến diện tích, sản lượng tăng trong khi đầu ra của loại nông sản này lại rất bấp bênh
'Méo mặt' vì dưa hấu 1.000 đồng/kg - ảnh 2

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó chủ tịch UBND H.Bình Sơn


Trường hợp của ông Võ Đức Anh (76 tuổi, ở thôn Thạch An, xã Bình Mỹ, H.Bình Sơn) cũng bi đát không kém. Thấy người trồng dưa hấu năm trước thắng lớn, năm nay ông đánh bạo chuyển 5 sào đất lâu nay trỉa đậu phộng hoặc bắp sang trồng dưa. Suốt gần 3 tháng dãi dầm mưa nắng, “ăn, ngủ” bên cây dưa, thành quả là một ruộng dưa xanh tốt, sai quả. Nào ngờ, khi dưa chín rộ chuẩn bị thu hoạch lại gặp mưa làm hàng loạt những quả to nặng 7 – 8 kg nứt toác. Ước tính có khoảng 3 tấn trong tổng cộng khoảng 10 tấn dưa bị hỏng. Lại thêm giá dưa chỉ 1.000 đồng/kg nên năm đầu tiên thử vận may với cây dưa, ông Anh đã nếm mùi thất bại thảm hại. Ông rầu rĩ: “Nhìn hàng tấn dưa hư hỏng đã buồn não ruột, giờ thương lái đến đặt điều kiện phải thu hoạch, vận chuyển dưa ra đường lộ mới mua với giá 1.000 đồng/kg. Như vậy, nếu bán được dưa thì càng lỗ nặng”.
Trước cảnh người trồng dưa gặp khốn khó, trong những ngày qua, nhiều địa phương và đoàn thể trên địa bàn Quảng Ngãi đã chung tay “giải cứu” dưa hấu cho nông dân. Ông Nguyễn Quang Trung, Phó chủ tịch UBND H.Bình Sơn, cho biết ngoài việc kêu gọi, vận động cán bộ, người dân tiêu thụ giúp dưa hấu, huyện chỉ đạo các cơ sở Đoàn huy động lực lượng giúp dân thu hoạch, vận chuyển đến các điểm bán với giá 2.500 đồng/kg, đồng thời kết nối với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua dưa hấu. Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cùng Đoàn thanh niên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ VN tỉnh cũng đứng ra thu mua, bán giúp dân. Nhờ đó, hàng trăm tấn dưa của nông dân Sơn Tịnh, Bình Sơn đã được “giải cứu”.
'Méo mặt' vì dưa hấu 1.000 đồng/kg - ảnh 3

TIN LIÊN QUAN

5 kg dưa hấu = 1 ly trà đá

Giá dưa hấu bán tại đồng ở các huyện, thị phía đông tỉnh Gia Lai xuống đến mức ngoài tưởng tượng, từ 300 – 1.700 đồng/kg, khiến nhiều hộ nông dân đổ cho bò ăn, thậm chí bỏ thối ngoài đồng.
Vận động dân chọn lựa cây trồng phù hợp
Việc “giải cứu” dưa hấu cho nông dân là việc làm mang đầy ý nghĩa nhân văn, giúp người trồng dưa vốn đa phần là những gia đình nghèo tránh thua lỗ, nợ nần. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế cấp thời, bởi lẽ chuyện dưa hấu giá rẻ như bèo, không có người mua không phải bây giờ mới xảy ra, mà thường xuyên tái diễn trong nhiều năm qua.
Theo ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, tỉnh đã xác định cây dưa hấu không có trong cơ cấu cây trồng, không nằm trong quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Do vậy, Sở đã khuyến cáo nông dân không nên trồng dưa hấu một cách ào ạt, chỉ trồng rải rác, bởi đầu ra của dưa hấu không ổn định. Tuy nhiên, cứ thấy dưa hấu có giá, lợi nhuận cao người dân lại thi nhau trồng. Diện tích, sản lượng tăng, thị trường tiêu thụ trong nước cung vượt cầu, nếu không xuất được sang nước ngoài sẽ dẫn đến hệ lụy dưa chín đầy đồng nhưng không có người mua. Để hạn chế thực trạng này, trong những năm gần đây, Sở NN-PTNT Quảng Ngãi cùng chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động nông dân cần lựa chọn cây trồng phù hợp với quy hoạch cây trồng của tỉnh để tránh thiệt hại. Dù vậy, tình trạng dưa hấu ế đồng vẫn tái diễn. Cụ thể, thời điểm tháng 4.2015, giá dưa ở Quảng Ngãi chỉ còn 500 đồng/kg, các ngành chức năng, đoàn thể, địa phương tham gia hỗ trợ nông dân tiêu thụ dưa. Đến năm 2016, giá dưa tăng, cho thu lãi khoảng 10 triệu đồng/sào thì lập tức năm 2017 nông dân trong tỉnh lại đổ xô trồng.
Ông Nguyễn Quang Trung cho rằng đầu ra của dưa hấu không ổn định do hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Năm nào phía Trung Quốc thu mua nhiều thì giá dưa tăng cao, nhưng khi không thu mua thì giá lại rớt thê thảm. Chỉ riêng tại H.Bình Sơn, vụ dưa hấu năm nay, diện tích tiếp tục tăng lên 383 ha, với năng suất bình quân 30 – 40 tấn/ha nhưng ngay đầu vụ, giá cả lại quá thấp khiến nông dân điêu đứng. “Vấn đề cốt yếu là nông dân phải thay đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp, tránh làm theo kiểu ồ ạt, không có định hướng, thấy người kia trồng dưa có lãi thì mình cũng trồng dưa dẫn đến diện tích, sản lượng tăng trong khi đầu ra của loại nông sản này lại rất bấp bênh”, ông Trung nói.
Phải thay đổi cách thức sản xuất 
Trong vài năm gần đây, việc “giải cứu” nông sản ở tỉnh A, địa phương B đã trở nên phổ biến. Đây là một thực trạng đau lòng đối với người nông dân và cả nền nông nghiệp VN. Thực tế việc giải cứu các mặt hàng này đã ít nhiều thu được kết quả đáng kể; tuy nhiên nhìn trên bình diện cả nền nông nghiệp, sự thất bại ngày càng lớn.
Theo TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế (ĐH Nông Lâm TP.HCM), ở thời điểm này thật khó có giải pháp nào cho vấn đề này. “Thực tế nhiều mặt hàng nông sản phải giải cứu trong thời gian qua vì nó đi ngược với quy luật cung cầu của thị trường. Người nông dân phản ứng với thị trường theo tâm lý thấy cái gì có giá lại đua nhau trồng; đến khi rớt giá lại chuyển qua trồng loại cây mới đang có giá trên thị trường. Tôi cho rằng đến thời điểm này, nông dân đã có nhiều bài học kinh nghiệm xương máu rồi. Nhưng tại sao họ vẫn thường xuyên cần đến sự giải cứu? Nguyên nhân sâu xa chính là do xuất phát từ việc sản xuất nông hộ nhỏ lẻ nên không kết nối được với thị trường. Thứ hai, nông dân không được cung cấp đầy đủ thông tin nên họ phải chạy theo thông tin thị trường dẫn đến thất bại thường xuyên”, TS Ngãi nói.
Bằng chứng mới đây là chuyện chuối ở Đồng Nai, vài năm trước giá tăng cao, nông dân đua nhau trồng để bán cho thương lái mà hoàn toàn không biết thị trường cụ thể là ai, ở đâu. Trong khi đó, sản phẩm chuối của ông Võ Quan Huy (Công ty TNHH Huy Long An) xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc lại không đủ hàng dù ông Huy có đến cả ngàn héc ta chuối. Hai hình ảnh này cho thấy nông sản của VN có tiêu thụ được hay không nằm ở phương thức và quy mô sản xuất của VN hiện nay. Cái gốc của vấn đề chính là thay đổi cách thức sản xuất hiện nay làm sao gắn với thị trường và quản lý theo chuỗi. Để làm được việc này, cái cần nhất là cơ chế chính sách của nhà nước hỗ trợ nông dân. Vấn đề quan trọng thứ hai là hỗ trợ thông tin thị trường; nhà nước không nên hô hào nông dân phải trồng cây gì nuôi con nào. “Nếu chúng ta cứ duy trì sản xuất nông nghiệp trên cái nền sản xuất nông hộ nhỏ lẻ và riêng lẻ này thì cả nền nông nghiệp rất khó được giải cứu”, TS Ngãi khuyến nghị.
Chí Nhân

 

Hiển Cừ