28/11/2024

Hội thảo vui nhộn đổi mới dạy học

Một hội thảo đổi mới phương pháp dạy học do Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) tổ chức có tên “Sáng tạo để tạo sáng” đã thu hút không ít giáo viên các trường THCS, THPT tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM tham gia vào ngày 31-3.

 

Hội thảo vui nhộn đổi mới dạy học

Một hội thảo đổi mới phương pháp dạy học do Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) tổ chức có tên “Sáng tạo để tạo sáng” đã thu hút không ít giáo viên các trường THCS, THPT tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM tham gia vào ngày 31-3.

 

 

 

 

Hội thảo vui nhộn đổi mới dạy học
Các giáo viên tham dự hội thảo được chia thành nhóm thảo luận – Ảnh: Hồng Vân

Tất cả những người tham dự hội thảo nói trên đều có chung nhận xét: “Đây là hội thảo… không giống ai!”. Vì sao?

Khởi động hội thảo bằng… nhảy múa!

Hội thảo không hề theo trình tự thông thường với bài phát biểu khai mạc, báo cáo đề dẫn, tham luận, phát biểu, rồi kết luận một cách khô khan; mà những giáo viên tham dự được bố trí ngồi theo nhóm, với đánh dấu “nhóm 1”, “nhóm 2”…

Ở mỗi nhóm, các giáo viên đội mũ giấy có màu sắc khác nhau để phân biệt, nhìn khá ngộ nghĩnh.

Mở đầu hội thảo, người điều hành đề nghị các thầy cô và những người quan sát cùng đứng lên tham gia màn “khởi động”. Màn này kéo dài 5 phút, mọi người cùng nhảy múa theo nhạc. Thầy hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú cũng cùng nhảy múa với các thầy cô.

Không còn khoảng cách giữa lãnh đạo và giáo viên, không còn khoảng cách giữa giáo viên trường chủ nhà và các giáo viên là khách mời. Màn khởi động khiến cho không khí phòng họp trở nên sinh động, mọi người cũng thân thiện hơn.

Màn khởi động mang một thông điệp từ ban tổ chức: mong muốn các thầy cô dù ở bộ môn nào cũng có thể cùng nắm tay nhau để hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ thông tin, mang đến cho các em học sinh những kiến thức liên môn gần gũi với cuộc sống, nhằm tạo cho các em những buổi học vui nhộn, thú vị chứ không căng thẳng, mệt mỏi.

Trao đổi tại hội thảo, cô Ngô Thị Thành, phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, cho biết trường mình đã thành lập một tổ chuyên môn đặc biệt có tên là “Tổ đồng hành đổi mới giáo dục”.

Tổ “đồng hành” này sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ các thầy cô trong việc đưa ra ý tưởng mới, biến ý tưởng thành hiện thực khi giảng dạy.

Phần chia sẻ của các thầy cô tại hội thảo chính là kể lại những băn khoăn, khó khăn khi thực hiện việc đổi mới dạy học. Mỗi vấn đề giáo viên đưa ra đều được các nhóm trao đổi, bày tỏ ý kiến, phản biện đến nơi đến chốn.

“Tuần đổi mới”

Trước hội thảo vui nhộn này, Trường THPT Phan Huy Chú có một tuần dành cho 12 thầy cô thiết kế, thực hiện các giờ học đổi mới phương pháp dạy học. Các thầy cô khác sẽ dự giờ, quan sát và cùng chia sẻ, góp ý.

“Trong một môi trường đổi mới, giáo viên nào không sáng tạo, trì trệ thì sẽ bị lạc lõng. Giáo viên trường tôi chỉ sợ không có ý tưởng chứ không sợ bị cô đơn vì luôn có người ủng hộ, đồng hành” – thầy Hà Xuân Nhâm, hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, khẳng định.

Cùng hướng đến những giờ dạy học thiết thực, hấp dẫn, vui vẻ, các giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú thực hiện “tuần đổi mới” đã có nhiều ý tưởng thật sự mới mẻ.

Trong đó, việc khơi gợi cho các em học sinh tự tìm kiếm thông tin, tài liệu, rồi thảo luận với nhau để thu nhận kiến thức từ một bài học của một môn học nào đó; khuyến khích học sinh tự làm đồ dùng học tập, thực hành thí nghiệm bằng các đồ dùng đơn giản, rẻ tiền, đồ phế phẩm, hỗ trợ học sinh dùng kiến thức liên môn tạo nên các sản phẩm khác nhau… là những cách đổi mới dạy học mà các thầy cô trường này đang hướng tới.

“Không phải chúng tôi sáng tạo mà trong quá trình dạy học, hướng dẫn, các em học sinh đã cùng sáng tạo với thầy cô. Có nhiều sáng tạo của các em học sinh khiến chúng tôi bất ngờ. Điều đó cho thấy sự sáng tạo là không có giới hạn. Chỉ cần có môi trường cho thầy trò là chúng tôi sẽ sáng tạo” – cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú, chia sẻ.

“Đưa học sinh vào các tình huống khác nhau, vào ngữ cảnh thực tế, hoặc trang trí, bố trí lại lớp học để tạo một không khí mới thu hút học sinh, cùng các em giải quyết một vấn đề nào đó…

Đây là cách làm cho các em học sinh “học mà không biết là đang học”” – cô giáo Nguyễn Thu Hải, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Phan Huy Chú, trao đổi với các giáo viên khác về “bí quyết không có gì bí mật” của mình.

“Hay quá!”, “Quả là đơn giản, sao trước đây mình không nghĩ đến”, hoặc “Được đấy, nhưng liệu có thể phù hợp với tất cả đối tượng học sinh không…”, đây là những trao đổi của các thầy cô dự hội thảo khi nghe đồng nghiệp trình bày hoặc chia sẻ câu chuyện đổi mới dạy học của mình.

Tiếng vỗ tay cũng vang lên khi một cô giáo dạy văn bày cách “đổi vai” – để học sinh làm “thầy”, còn thầy làm “trò”, tạo cơ hội cho học sinh được làm thầy ít nhất một lần trong một tiết học.

Sau phần chia sẻ của thầy cô, người chủ trì hội thảo đưa ra một số vấn đề để các nhóm cùng thảo luận, bảo vệ chính kiến của mình trước nhóm khác.

“Cách này sẽ bật ra những vấn đề mà giáo viên còn vướng mắc. Tuy là hội thảo nhưng cũng giống lớp học đặc biệt cho giáo viên” – cô Nguyễn Kim Anh cho biết.

Xoá buồn tẻ, mệt mỏi

Theo thầy Hà Xuân Nhâm – hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, cách tổ chức hội thảo vui nhộn không kỳ vọng mang đến một mô hình, một phương pháp nào tối ưu trong dạy học; mà đây chỉ là cách tạo cảm hứng, tạo động lực cho các thầy cô, khi đưa họ vào một không khí thân thiện của những người cùng có chung nhiệt huyết, khát vọng đổi mới dạy học, thông qua các câu chuyện giáo dục, tình huống giáo dục cụ thể, những vấn đề thầy cô phải đối diện, vượt qua trong quá trình thực hiện ý tưởng đổi mới.

Cách tổ chức hội thảo làm cho những người tham gia không thấy buồn tẻ, mệt mỏi mà bị cuốn vào “câu chuyện đổi mới”. Và với nhiều thầy cô, câu chuyện của đồng nghiệp dần trở thành câu chuyện của chính họ khi họ tham gia ý kiến, tranh luận…

VĨNH HÀ