29/12/2024

Học chủ quyền từ những người lính

“Ngoài phần lãnh thổ trên đất liền, nước ta còn có một vùng biển rộng lớn. Nơi đó thấm máu xương của cha anh bao thế hệ. Một mét nước cũng phải giữ gìn”, đại uý Nguyễn Tiến Hải, Đồn biên phòng Đức Minh, chia sẻ với học sinh Trường THCS Đức Chánh.

 

Học chủ quyền từ những người lính

“Ngoài phần lãnh thổ trên đất liền, nước ta còn có một vùng biển rộng lớn. Nơi đó thấm máu xương của cha anh bao thế hệ. Một mét nước cũng phải giữ gìn”, đại uý Nguyễn Tiến Hải, Đồn biên phòng Đức Minh, chia sẻ với học sinh Trường THCS Đức Chánh.

 

 

 

Học chủ quyền từ những người lính
Sĩ quan Đồn biên phòng Đức Minh trò chuyện với các em học trò về chủ quyền biển đảo ngay trong sân trường – Ảnh: Trần Mai

Hơn 5 năm qua, các chiến sĩ tiền đồn Đức Minh (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) ngoài nhiệm vụ canh gác biển trời Tổ quốc còn được mời vào Trường THCS Đức Chánh – một trường học trên địa bàn – trao đổi với học sinh bài học về chủ quyền.

Biển thấm máu xương bao thế hệ

Buổi học ngoại khoá giữa sân trường, trên chiếc ghế đá các chiến sĩ Đồn biên phòng Đức Minh chia nhau thành nhiều nhóm trò chuyện với các bạn nhỏ. Những hình ảnh, tư liệu về biển đảo được bày ra. Mỗi bức ảnh là một dấu mốc lịch sử của Tổ quốc từ phía biển.

Lật giở bức ảnh chiếc thuyền câu và tờ lệnh, chính trị viên Hải giải thích: “Hơn 200 năm về trước, các binh phu của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đã vâng lệnh triều đình nhà Nguyễn ra cắm mốc chủ quyền ở Hoàng Sa. Chiếc thuyền câu mà các em thấy đã đưa những binh phu ra quần đảo Hoàng Sa. Điều này chứng minh sự có mặt của người Việt và sự xác lập chủ quyền của nước mình có từ rất sớm ở đây. Đã có nhiều binh phu hi sinh vì lãnh hải”.

Quá khứ được kết nối qua lời kể, câu chuyện của những chiến sĩ biên phòng thành một câu chuyện dài thu hút.

Từ chiếc thuyền câu bé nhỏ ra khơi cách đây hơn 200 năm cho tới hình ảnh những người lính biển đang đứng trước cột mốc chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Rồi đến những chiến sĩ cảnh sát biển kiên cường đang lèo lái con thuyền nơi đầu sóng ngọn gió Hoàng Sa, đương đầu với tàu Trung Quốc để giữ lãnh hải Tổ quốc những ngày biển rền vang năm 2014 khiến những đôi mắt thơ ngây rưng rưng.

Trung úy Nguyễn Công Thống – đội trưởng đội trinh sát Đồn biên phòng Đức Minh – tâm tình: “Các em đang sống và học tập trong hoà bình, ấm êm bên gia đình thì lúc này cũng có những người lính áo xanh từ biệt gia đình trong đất liền ra ngoài đảo công tác. Các anh ngày đêm bám đảo hay rong ruổi trên những con tàu để bảo vệ bà con ngư dân đánh bắt.

Các em phải nhớ sự hi sinh to lớn đó mà chăm chỉ học tập. Bảo vệ chủ quyền biển đảo là trách nhiệm của mọi công dân Việt Nam, trong đó có học sinh, sinh viên, thế hệ tương lai của đất nước. Trong đó có các em”.

Trong cuộc trò chuyện, em Võ Thị Bích Ngân (lớp 9D) cho biết Ngân cũng tham gia nhắn tin Góp đá xây Trường Sa và chương trình Chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông. Ngân tâm sự: “Đến tiết học về chủ quyền biển đảo thì lớp em rất sôi nổi và thích thú, nhất là khi tìm hiểu về chủ quyền biển đảo, đặc biệt về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng em cố gắng học thật giỏi để làm giàu cho đất nước và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam”.

Liên kết trường học với đồn biên phòng

Để có tài liệu lịch sử, địa lý về chủ quyền biển đảo mang tính pháp lý phục vụ tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, các chiến sĩ biên phòng Đức Minh đã đầu tư rất nhiều thời gian sưu tầm ở bảo tàng, các đợt triển lãm trưng bày hiện vật chủ quyền ở địa phương và trung ương. Đặc biệt là nguồn tài liệu được các cơ quan có thẩm quyền cho phép phổ biến.

Tiếp đó, các chiến sĩ tổng hợp, biên soạn để phản ánh chân thực, khách quan, sinh động nhất về câu chuyện chủ quyền để chuyển tải đến các em học sinh. Tất cả đều mong muốn các em tiếp thu trọn vẹn tinh thần chủ quyền lãnh thổ một cách sâu sắc.

Trung tá Lê Thành Trung, đồn trưởng Đồn biên phòng Đức Minh, bảo: “Dạy chủ quyền biển đảo cho học sinh phải mềm mại dễ hiểu và phù hợp với lứa tuổi. Mục đích chính vẫn là để các em biết nhìn nhận chiều dài lịch sử của cha ông đối với biển”.

Trung tá Lê Thành Trung tâm sự rằng người lính biển đứng chân trên địa bàn khu vực biên giới biển nên việc giáo dục chủ quyền biển đảo cho học sinh được Đồn biên phòng Đức Minh phối hợp chặt chẽ với Trường THCS Đức Chánh.

“Ngoài những bài học nằm trong chương trình chính khoá, nhà trường và đồn biên phòng tổ chức những buổi nói chuyện thời sự chuyên đề về chủ quyền biển đảo cho thầy cô và các em học sinh vào các giờ chào cờ đầu tuần, giáo dục cho các em những giá trị lịch sử về truyền thống chống giặc ngoại xâm, bảo vệ biên cương, bờ cõi của ông cha” – trung tá Trung cho biết.

Ngoài các buổi này, Đồn biên phòng Đức Minh còn mở rộng cửa đón học sinh đến tham quan phòng truyền thống của đơn vị, gặp những người làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.

Thầy giáo Trần Văn Vàng, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THCS Đức Chánh, tâm sự: “Chẳng có bài học sách vở nào sinh động hơn câu chuyện các em nghe được từ chính những người lính đang làm nhiệm vụ. Các em học sinh của trường đã biết được biên giới lãnh thổ quốc gia, cách xác định đường biên giới quốc gia trên biển. Các em được tìm hiểu sâu sắc, tường tận nhiệm vụ của người chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Từ đó đồng cảm, chia sẻ những khó khăn, vất vả mà hằng ngày các chiến sĩ phải đối mặt, xác định thái độ, trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tương lai”.

Thầy Trịnh Minh Tường, hiệu trưởng Trường THCS Đức Chánh, rất vui khi học sinh của mình học bài học chủ quyền từ chính những người lính làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới.

Thầy Tường tâm sự: “Những kiến thức đầu đời về chủ quyền biển đảo mà Đồn biên phòng Đức Minh truyền đạt, giảng dạy sẽ là bài học quan trọng để các em có những hành động thiết thực xứng đáng với trách nhiệm, nghĩa vụ của một người công dân đối với đất nước trong tương lai. Nhà trường rất cảm ơn các chiến sĩ biên phòng”.

Hình ảnh những ngư dân chất phác 
anh hùng

Không chỉ có câu chuyện về người lính. Trong những buổi học ấy còn có hình ảnh những ngư dân Quảng Ngãi can trường trên 5.444 tàu cá của tỉnh bám hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ngày đêm đổ mồ hôi lao động và là những biểu tượng cột mốc sống chủ quyền trên biển cũng luôn được nhắc tới.

Các chiến sĩ tiền đồn nói với các em học trò rằng đó là những ngư dân anh hùng, họ hiền lành khi bình yên bên mái ấm cùng vợ con, chòm xóm nhưng vô cùng gan dạ khi đối diện với những con tàu thép to lớn hung hãn của Trung Quốc ở biển khơi. Họ không ai xa lạ, chính là người cha, người anh của những em học trò vùng này.

TRẦN MAI