Đức Thánh Cha kêu gọi từ bỏ vũ khí hạt nhân

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong Sứ điệp các nước tham dự Hội nghị của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang tiến hành tại New York từ ngày 27 đến 31-3-2017, nhắm thương lượng về một văn kiện pháp lý, có tính chất bó buộc, về sự cấm các võ khí hạt nhân, để đi tới sự hoàn toàn loại trừ thứ vũ khí này.

 Đức Thánh Cha kêu gọi từ bỏ vũ khí hạt nhân

 

 
VATICAN – ĐTC kêu gọi cộng đồng thế giới từ bỏ vũ khí hạt nhân, xây dựng hoà bình trên công lý, phát triển nhân bản toàn diện và trên sự tôn trọng các quyền căn bản của con người.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong Sứ điệp các nước tham dự Hội nghị của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang tiến hành tại New York từ ngày 27 đến 31-3-2017, nhắm thương lượng về một văn kiện pháp lý, có tính chất bó buộc, về sự cấm các võ khí hạt nhân, để đi tới sự hoàn toàn loại trừ thứ vũ khí này.

Sứ điệp của ĐTC đã được Đức ông Antoine Camilleri, người Malta, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn Toà Thánh tại Hội nghị, tuyên đọc, trong đó ĐTC khẳng định rằng “một thứ luân lý và luật pháp dựa trên sự đe doạ phá huỷ lẫn nhau, và có thể huỷ diệt toàn thể nhân loại, là điều tương phản với chính tinh thần của LHQ. Vì thế, chúng ta phải dấn thân cho một thế giới không còn vũ khí hạt nhân và hoàn toàn áp dụng Hiệp ước về sự không lan tràn thứ vũ khí này”.

ĐTC cũng nhận xét rằng chủ trương trang bị vũ khí hạt nhân để đối phương nể sợ mà không dám tấn công, đó là điều không thích hợp, vì nó không đáp ứng hữu hiệu những thách đố và những đe doạ chính đối với nền hoà bình và an ninh của thế giới trong thế kỷ 21 này như nạn khủng bố, các cuộc xung đột không đối xứng (conflitti asimetrici), an ninh tin học, các vấn đề môi trường, nghèo đói. Ngoài ra, việc sử dụng vũ khí hạt nhân còn gây nên những hậu quả thê thảm về nhân mạng và môi trường, với những hậu quả tàn phá bừa bãi trong thời gian và không gian. Thêm vào đó, việc trang bị vũ khí hạt nhân còn đưa tới sự phí phạm tài nguyên, lẽ ra được sử dụng cho những ưu tiên quan trọng hơn, như thăng tiến hoà bình và phát triển nhân bản toàn diện, chiến đấu chống nghèo đói và thực hiện chương trình hành động 2030 do LHQ đề ra để phát triển dài hạn.

Cũng trong sứ điệp, ĐTC nhấn mạnh: “Hoà bình và sự ổn định quốc tế không thể dựa trên một cảm thức giả tạo về an ninh, trên sự đe doạ phá huỷ nhau hoặc hoàn toàn tiêu diệt nhau, trên sự duy trì quân bình thế lực. Trái lại, hoà bình phải được xây dựng trên công lý, phát triển nhân bản toàn diện, trên sự tôn trọng các quyền căn bản của con người, trên việc bảo tồn thiên nhiên, sự tham gia của tất cả mọi người vào đời sống công cộng, trên sự tín nhiệm giữa các dân tộc, thăng tiến các tổ chức hoà bình, trên sự được hưởng giáo dục và sức khoẻ, đối thoại và liên đới.

Theo ĐTC, “trong viễn tượng này, cộng đồng quốc tế được kêu gọi đi xa hơn chủ trương trang bị vũ khí để làm cho đối phương nể sợ: cần chấp nhận những chiến lượng nhìn xa trông rộng để thăng tiến đối tượng hoà bình và sự ổn định, và tránh những đường lối tiếp cận thiển cận về những vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế”. (SD 28-3-2017)

 
 

G. Trần Đức Anh OP