08/01/2025

Đến Phú Quốc coi chim cánh cụt đùa giỡn, bơi lượn

“Chúng nó nhiều trò lắm. Đùa giỡn, đánh nhau, rượt nhau, trổ tài bơi lượn dưới nước. Được nhìn thấy chúng hằng ngày thấy mình cũng trẻ ra, vui vẻ, yêu đời”.

 

Đến Phú Quốc coi chim cánh cụt đùa giỡn, bơi lượn

 “Chúng nó nhiều trò lắm. Đùa giỡn, đánh nhau, rượt nhau, trổ tài bơi lượn dưới nước. Được nhìn thấy chúng hằng ngày thấy mình cũng trẻ ra, vui vẻ, yêu đời”. 

 

 

Đến Phú Quốc coi chim cánh cụt đùa giỡn, bơi lượn
Bầy chim cánh cụt Gentoo dễ thương ở Thuỷ cung Vinpearl Land Phú Quốc – Ảnh: MY LĂNG

Đúng 16h, cánh cửa nối khu nhà “Nam cực nhân tạo” ở Thuỷ cung Vinpearl Land Phú Quốc bật mở. 

Anh Phạm Minh Chiến xách xô đầy ắp cá nục tươi bước vào. Đám chim cánh cụt đang đứng chơi trên tuyết – là đá bào nhuyễn – líu ríu chạy tới, con sau đá con trước…

Anh Chiến trải một tấm khăn trắng lên chiếc ghế nhỏ cho lũ chim đứng không bị té. Đây là chim cánh cụt loài Gentoo, được đưa từ Úc về Việt Nam và “định cư” ở Thủy cung Vinpearl Land Phú Quốc, Kiên Giang.

Ngôi nhà “Nam cực nhân tạo”

Đám chim cánh cụt như một lũ trẻ con, lao nhao giành nhau đứng lên ghế để được đút ăn. Lần lượt từng “bé” sẽ được đút một con cá rồi xuống, nhường cho “bé” khác.

Nhưng có nhiều con háu ăn quá, không kiên nhẫn chờ tới lượt mình nhào tới xô đẩy, giành luôn phần của bạn đang đứng trên ghế. Có chú láu cá đẩy bạn ngã lăn cù. Có chú ăn rồi vẫn đứng ì trên ghế đòi nữa. Anh Chiến phải nhẹ nhàng đẩy xuống.

Anh Chiến (24 tuổi, nhân viên tổ chim cánh cụt) cho biết đàn chim cánh cụt ở thuỷ cung có 15 con, trong đó có 6 con đực. Con lớn nhất 14 tuổi, nhỏ nhất mới 3 tuổi, nặng trung bình 4,5-7kg. Mỗi con có một tên tiếng Anh, một mã số gắn trên cánh với ký hiệu màu sắc khác nhau có ghi ngày tháng năm sinh, giới tính. Chúng rất thông minh, có con gọi tên là lạch bạch chạy tới.

Sau khi từng chú đã được đút cá, anh Chiến tung cá xuống nước. Bầy chim cánh cụt múp rụp phóng vút theo, bơi như tên bắn xuyên qua làn nước giành thức ăn.

Chúng trổ tài bơi lượn dưới nước trong gần 10 phút, chén bữa tiệc cá tươi no nê và giúp du khách thích thú chiêm ngưỡng bên kia lớp kính cường lực rồi mới chịu lên bờ.

Mỗi ngày chim cánh cụt được ăn 4-5 loại thức ăn, chia ra theo từng bữa gồm cá, mực… Một ngày chúng có bốn bữa chính. Đặc biệt, buổi sáng mỗi “bé” sẽ được một viên vitamin dành riêng cho chim cánh cụt.

Anh Chiến cho biết sắp tới chúng sẽ được ăn cá hồi, loài cá đặc hữu ở vùng biển lạnh và là món khoái khẩu của chúng.

Là một trong hai người chăm sóc bầy chim cánh cụt này từ ngày chúng “nhập hộ khẩu” về Phú Quốc, anh Chiến đã quen, nhớ tính cách từng con một. Có con thích nằm nghiêng nghiêng một bên.

Có con rất hậu đậu, cứ nhảy lên trên bờ là trượt té xuống. Có hai con lười, không chịu xuống nước ăn. Có một con không ăn được ở dưới nước.

“Có con chểnh mảng không ăn do để ý linh ta linh tinh, phải theo dỗ dành. Mình coi nó như bạn chứ không phải động vật. Chưa bao giờ mình nghĩ sẽ được làm việc hằng ngày với chim cánh cụt đáng yêu như vậy” – anh Chiến chia sẻ.

Từ Úc về Việt Nam

Nhà của chim cánh cụt được thiết kế mô phỏng theo điều kiện thời tiết, khí hậu Nam cực. Để làm được điều đó có sự trợ giúp của hàng chục loại máy to, kềnh càng, trong đó chủ lực là những máy tạo đông (tạo lạnh).

Những máy này bảo đảm nhiệt độ trong nước cho chim cánh cụt luôn 7-8 độ C và nhiệt độ trong nhà chỉ khoảng 4 độ C. Toàn bộ khu vực ở, vui chơi của chim cánh cụt rải rác những núi đá phủ băng tuyết. Dưới chân chim cánh cụt lúc nào cũng là một lớp băng tuyết dày.

Chị Thái Thị Nhung – tổ trưởng tổ chim cánh cụt – cho biết: “Lớp tuyết dưới sàn cho nó không đau chân. Khi máy điều hoà chưa đủ lạnh, mỗi ngày nhân viên phải chuyển 50 cây đá để bào ra rải làm tuyết. Bây giờ chúng tôi đang hạ dần nhiệt độ xuống để nó thích nghi với điều kiện ở Việt Nam”.

Việc chăm sóc chim cánh cụt phải theo giờ giấc nghiêm ngặt. Một ngày cho ăn vào bốn khung giờ cố định. Khoảng 20h30-20h45 phải tắt điện cho chim cánh cụt ngủ. Ban ngày, chỉ những người chăm sóc chim cánh cụt mới được vào khu nhà ở của chúng để cho ăn, làm vệ sinh.

Trước khi vào phải vào phòng cách ly thay đồ bảo hộ, mang ủng đã được sát khuẩn. Nước trong hồ để chim cánh cụt bơi phải được thay mỗi ngày và diệt khuẩn. Một ngày làm vệ sinh khu nhà ở của chim cánh cụt tối thiểu hai lần. Có lúc thợ lặn phải lặn xuống làm vệ sinh nước.

“Ngày đầu khi đưa về đây chúng bị lạ môi trường, hoảng, stress nên cứ túm tụm lại một chỗ, đứng ỳ với nhau. Một hai ngày đầu chúng không chịu xuống nước.

Khi mình vệ sinh dùng nước bắn như mưa, chúng nó thích, phóng xuống nước hết. Giờ thì chúng đã quen, linh lợi hơn lúc mới về. Có lẽ chúng đã nhận ra đây là ngôi nhà mới, không còn bỡ ngỡ nữa” – chị Nhung nói.

Chị Nhung cho biết thêm: “Chim cánh cụt Gentoo là loài chim bơi dưới nước nhanh nhất thế giới, có thể đạt đến 36 km/h, cứ như tên bắn xuyên qua làn nước. Cho nên khi tụi nó bơi giành đồ ăn dưới nước là những pha đẹp nhất dành cho du khách”.

Ánh mắt lấp lánh niềm vui khi nhìn về phía đàn chim cánh cụt đang bơi lượn dưới nước, chị Nhung mỉm cười bảo: “Chúng nó nhiều trò lắm. Đùa giỡn, đánh nhau, rượt nhau, trổ tài bơi lượn dưới nước. Được nhìn thấy chúng hằng ngày thấy mình cũng trẻ ra, vui vẻ, yêu đời”.

Chăm bẵm như chăm em bé

Lũ chim cánh cụt ở đây được chăm bẵm như em bé: có bộ phận kỹ thuật lo về nhiệt độ, có đội thợ lặn riêng làm nhiệm vụ dọn vệ sinh dưới đáy bể. Tổ chim cánh cụt có nhiều thành viên nhưng chỉ có hai người gần gũi chúng nhất do phụ trách cho ăn: anh Phạm Minh Chiến và chị Thái Thị Nhung. Anh Chiến tốt nghiệp Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Kiên Giang, còn chị Nhung tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang.

Trước đó đầu tháng 10-2014, chị Nhung đã được đưa sang Úc tập huấn hai tuần, tham quan cơ sở vật chất, cách nuôi, cho chim cánh cụt ăn… Hoàn thành khoá tập huấn, chị Nhung được giao làm tổ trưởng tổ chim cánh cụt.

“Về đây chúng tôi vẫn dựa theo cách huấn luyện của Úc, nhưng do điều kiện khác nên nhiều cái cũng khác. Chúng tôi vẫn đang trong quá trình huấn luyện để thích nghi với điều kiện ở miền nhiệt đới như đảo Phú Quốc mình” – chị Nhung nói.

MY LĂNG