Thách thức cho nữ lãnh đạo Hồng Kông
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cam kết sẽ giải quyết tình trạng chia rẽ nghiêm trọng trong xã hội Hồng Kông sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 26.3.
Thách thức cho nữ lãnh đạo Hồng Kông
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cam kết sẽ giải quyết tình trạng chia rẽ nghiêm trọng trong xã hội Hồng Kông sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 26.3.
Cựu tổng thư ký chính quyền đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử chức danh trưởng đặc khu diễn ra ngày 26.3, theo kết quả công bố cùng ngày. Với chiến thắng này, bà Lâm sẽ trở thành phụ nữ đầu tiên lãnh đạo đặc khu hành chính của Trung Quốc sau khi chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 1.7, thời điểm ông Lương Chấn Anh kết thúc nhiệm kỳ.
Theo luật Hồng Kông, người dân không trực tiếp bầu trưởng đặc khu mà thông qua uỷ ban bầu cử. Uỷ ban này sẽ chọn ra trưởng đặc khu từ vài ứng cử viên trong một cuộc bỏ phiếu kín.
Thể thức gây tranh cãi này là một trong những nguyên nhân gây chia rẽ sâu sắc ở Hồng Kông trong vài năm qua, với đỉnh điểm là phong trào biểu tình đòi quyền bầu cử trực tiếp vào năm 2014. Phe phản đối cho rằng uỷ ban bầu cử thực chất chịu sự điều khiển của chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.
Bà Lâm giành 777 trong tổng số 1.163 phiếu đại cử tri trong khi đối thủ chính là cựu bộ trưởng Tài chính Tăng Tuấn Hoa chỉ giành 365 phiếu và ứng viên Hồ Quốc Hưng chỉ được 21 phiếu.
Reuters đưa tin hàng trăm người ủng hộ bà Lâm đã vẫy cờ và ăn mừng cả bên ngoài lẫn bên trong Trung tâm hội nghị và triển lãm Hồng Kông, nơi buổi bầu cử diễn ra từ 9 đến khoảng 11 giờ (giờ địa phương).
Tuy nhiên một vài vụ ẩu đả đã xảy ra gần đó, nơi cảnh sát dùng rào chắn ngăn người biểu tình. Các nhà hoạt động chính trị Hồng Kông tham gia biểu tình cáo buộc Bắc Kinh “can thiệp” vào cuộc bầu cử và vận động các đại cử tri bầu cho bà Lâm.
TIN LIÊN QUAN
Hồng Kông có nữ đặc khu trưởng đầu tiên
Cựu tổng thư ký chính quyền Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trở thành nữ đặc khu trưởng đầu tiên thay ông Lương Chấn Anh sau khi có kết quả cuộc bầu cử ngày 26.3.
Tân Hoa xã dẫn lời một phát ngôn viên Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Macau của Trung Quốc nhận định cuộc bầu cử là công bằng, trật tự và suôn sẻ, trưởng đặc khu Hồng Kông “đáp ứng các tiêu chuẩn đã ban hành”.
South China Morning Post dẫn lời phát biểu của bà Lâm tại cuộc họp báo sau khi đắc cử nhận định Hồng Kông đang chịu sự chia rẽ nghiêm trọng và gây nhiều bức xúc. “Ưu tiên của tôi là chữa lành sự chia rẽ, xoa dịu bức xúc và đoàn kết xã hội để tiến bộ. Một trong những động thái sắp tới là gặp gỡ những nhà lập pháp có quan điểm chính trị khác nhau để tìm ra cơ chế liên lạc thường xuyên”, bà nói.
Tuy nhiên, bà Lâm không đề cập trực tiếp đến khả năng hành động nhằm giúp người dân ở Hồng Kông có thể tham gia bầu cử trực tiếp. “Tôi cũng muốn Hồng Kông dân chủ hơn. Nhưng Hồng Kông đang đối mặt rất nhiều vấn đề. Tại sao chúng ta không bắt đầu với những việc dễ hơn trước?”, bà nói.
Trong khi đó, ứng viên Hồ Quốc Hưng nói rằng ông hy vọng bà Lâm tôn trọng các cam kết lúc vận động tranh cử và “mang lại sự hòa hợp cho Hồng Kông”. Ông Tăng Tuấn Hoa cũng khen ngợi bà Lâm là “người đủ năng lực”.
Tuy vậy, ông Dương Nhạc Kiều thuộc đảng Công dân cho rằng dù bà Lâm thắng cuộc đua, nhưng không chinh phục được trái tim người dân Hồng Kông. Khi được hỏi liệu có khả năng những người ủng hộ dân chủ hợp tác với chính quyền mới hay không, ông Dương nói rằng bà Lâm phải thuyết phục họ và xã hội rằng bà sẵn sàng lắng nghe và hòa giải bất đồng.
Khánh An