09/01/2025

Bài toán xe máy ở Myanmar

Lệnh cấm xe máy ở cố đô Yangon của Myanmar ngày càng tỏ ra bất cập sau 15 năm ban hành. Kể từ năm 2003, xe máy bị cấm ở TP.Yangon, 6 khu vực trung tâm cũng hạn chế xe đạp điện và xe đạp.

 

Bài toán xe máy ở Myanmar

Lệnh cấm xe máy ở cố đô Yangon của Myanmar ngày càng tỏ ra bất cập sau 15 năm ban hành. Kể từ năm 2003, xe máy bị cấm ở TP.Yangon, 6 khu vực trung tâm cũng hạn chế xe đạp điện và xe đạp.



Kẹt xe trên một con đường ở TP.Yangon 	 /// Ảnh: Phương Nguyễn

Kẹt xe trên một con đường ở TP.YangonẢNH: PHƯƠNG NGUYỄN

Lý do ban hành lệnh cấm vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi, theo tờ Myanmar Times. Đài Channel News Asia (Singapore) dẫn lời ông Maung Aung, một quan chức thuộc Cơ quan Quản lý giao thông vùng Yangon (YRTA), lưu ý: “Lệnh cấm được ban hành bởi thời điểm đó gần như tất cả những người điều khiển xe máy đều không tuân thủ luật lệ giao thông, nhất là những nhóm thanh thiếu niên chạy xe nẹt pô ầm ĩ”.
Bất chấp lệnh cấm
Việc xe máy được phép hoạt động trở lại tại Yangon có thể vẫn là điều xa vời. Nhưng YRTA thừa nhận lệnh cấm xe máy có thể được huỷ bỏ trong tương lai. “Do tình hình cơ sở hạ tầng đường bộ hiện nay và quản lý giao thông ở Yangon, chúng tôi không nên cho phép xe máy hoạt động vào thời điểm này. Hiện tại số lượng phương tiện giao thông gia tăng nhanh chóng và kẹt xe ở khắp mọi nơi. Nhưng tất nhiên nếu chúng tôi có thể mở rộng đường sá và nâng cấp cơ sở hạ tầng, chắc chắn chúng tôi sẽ cân nhắc cho phép xe máy và xe đạp chạy khắp thành phố”, ông Maung Aung nói.
Theo Myanmar Times, nhiều người dân có thể sẽ hoan nghênh việc hủy bỏ lệnh cấm bởi xe máy hiện vẫn là phương tiện đi lại phổ biến. Họ sẽ không phải “lén lút” đi xe máy và giới xe ôm không phải bỏ chạy khi gặp cảnh sát. Ko Aung Aung (32 tuổi), một tài xế xe ôm hoạt động ở một khu công nghiệp ngoại ô Yangon, cho biết nhiều người dân nghèo từ các tỉnh đổ về như anh dù biết vi phạm lệnh cấm nhưng vẫn “nhắm mắt” chở khách để kiếm sống. Đa số giới xe ôm “lén lút” đưa khách đến các trạm xe buýt hoặc chỗ làm việc.
 
 
Với dân số trên 5 triệu người, cố đô Yangon là thành phố lớn nhất Myanmar và là trung tâm thương mại quan trọng nhất của nước này. Chính phủ Myanmar chính thức dời thủ đô sang TP.Naypyidaw vào tháng 3.2006. Trong nhiều năm qua, lệnh cấm đã làm thay đổi cách đi lại của người dân. Xe hơi giá rẻ được nhập khẩu ồ ạt khiến đường phố tràn ngập xe hơi, dẫn đến tình trạng kẹt xe nghiêm trọng ở Yangon và nhiều nơi khác. Trước thực trạng đó, chính phủ Myanmar gần đây phải áp dụng một số biện pháp, bao gồm tăng các khoản thuế đối với xe hơi cá nhân và áp đặt lại quy định hạn chế nhập khẩu xe hơi. Tuy nhiên, động thái này bị xem là đã quá muộn, theo Channel News Asia.
 

Dù chưa bao giờ bị cảnh sát bắt, nhưng Ko Aung Aung từng bị phạt trong một đợt “truy quét”, mà theo anh là chỉ xảy ra vài tháng một lần. “Họ chặn xe tôi lúc 21 giờ, hỏi tôi lái xe máy đi đâu và có giấy phép lái xe không. Sau khi phân trần về hoàn cảnh gia đình, tôi đóng phạt 10.000 kyat (7,5 USD) và cảnh sát cho tôi đi mà không tạm giữ xe máy”, Ko Aung Aung kể. Mức phạt này tương đương số tiền anh kiếm được trong một ngày. “Nếu lệnh cấm được hủy bỏ, các tài xế xe ôm sẽ không phải hoạt động lén lút, sẵn sàng bỏ chạy nếu cảnh sát xuất hiện. Đa số chúng tôi là những người thất nghiệp mới ra chạy xe ôm. Tất nhiên là tôi lo sợ, nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác để kiếm tiền nuôi con”, Ko Aung Aung chia sẻ.

Ác mộng kẹt xe
Các số liệu thống kê cho thấy Myanmar có khoảng 4 triệu xe máy có đăng kiểm, chưa kể còn nhiều chiếc được nhập lậu. Tờ Frontier Myanmar phản ánh tình trạng nhiều người dân bất chấp lệnh cấm do hệ thống giao thông công cộng ở Yangon không đáp ứng nhu cầu đi lại. Ông Ko Tayoke Lay, chủ một công ty vận tải hành khách với 30 xe buýt, nói: “Thành phố thiếu hệ thống giao thông công cộng đáng tin cậy, nên người dân phải có giải pháp riêng của họ là xe máy”.
Channel News Asia nhận định một điểm yếu lớn nhất trong hệ thống giao thông công cộng ở Yangon là không có sự liên kết giữa các quận, gây cản trở việc đi lại của người dân. “Nạn kẹt xe liên tục và không bao giờ giảm, xe buýt thì không đúng giờ và không đủ tuyến. Điều này ảnh hưởng đến công việc của tôi. Dù ra khỏi nhà rất sớm, tôi luôn bị trễ giờ làm”, ông Kyaw Lin Htoon, một người dân làm việc trong trung tâm thành phố, chia sẻ. Giấc mơ của ông là một ngày nào đó có thể chạy xe máy của riêng mình đi làm.
Bỏ lệnh cấm xe máy có thể giúp giải toả tình trạng xe hơi ngập tràn đường phố và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Nhưng giới chuyên gia có nhận định trái ngược nhau về vấn đề này. Ông Jean-Marc Brule, thuộc tổ chức phi chính phủ Green Lotus (Bông Sen Xanh) chuyên tư vấn chính sách bảo vệ môi trường ở Myanmar, kịch liệt phản đối việc cho phép xe máy trở lại đường phố Yangon. “Đó sẽ là một thảm hoạ. Bỏ lệnh cấm chỉ giúp giảm thiểu một ít tình trạng kẹt xe, nhưng sẽ gây ô nhiễm nhiều hơn. Điều này sẽ khiến ngày càng nhiều người muốn sở hữu xe máy, từ bỏ phương tiện giao thông công cộng”, ông Brule nói. Theo ông, giải pháp trước mắt giúp Yangon thoát khỏi “cơn ác mộng kẹt xe” giữa lúc hệ thống đường sá còn hạn chế là đa dạng hoá phương tiện giao thông công cộng.
Giải pháp ông Brule đưa ra thực chất nằm trong kế hoạch phát triển của YRTA, bao gồm kế hoạch xây thêm đường mới và cầu vượt. Trong năm 2017, YRTA nỗ lực cải tổ hệ thống xe buýt chủ yếu do các công ty tư nhân vận hành, điều chỉnh giá vé và cố gắng liên kết hệ thống xe buýt trung chuyển nhanh (BRT) với hệ thống đường sắt nội thành. Chương trình thí điểm dịch vụ tàu đệm khí cũng sẽ được thực hiện trên sông Hlaing và Ngamoeyeik.
Tuy nhiên, David Allan – nhà sáng lập Tổ chức Spectrum (chuyên về tư vấn phát triển bền vững) ở Myanmar – không nhất trí với đề xuất của ông Brule. Ông Allan cho hay bản chất con người là luôn chọn những gì hiệu quả và xe máy lại là giải pháp linh hoạt. “Chính quyền phải đưa ra nhiều lựa chọn cho người dân. Đơn giản là chúng ta không có cách nào để phát triển một hệ thống giao thông công cộng hoàn hảo, đủ đáp ứng nhu cầu của Yangon”, ông Allan cho biết.

 

Bảo Châu