29/11/2024

Thăm dự án nông nghiệp, tổng thống Israel hái rau ăn thử tại chỗ

Ngày 24-3, Tổng thống Israel Reuven Ruvi Rivlin đã đến thăm dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco Tam Đảo (Vĩnh Phúc) – cơ sở đang ứng dụng công nghệ của Israel trong sản xuất nông nghiệp.

 

Thăm dự án nông nghiệp, tổng thống Israel hái rau ăn thử tại chỗ

 

Ngày 24-3, Tổng thống Israel Reuven Ruvi Rivlin đã đến thăm dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco Tam Đảo (Vĩnh Phúc) – cơ sở đang ứng dụng công nghệ của Israel trong sản xuất nông nghiệp.

 

 

Thăm dự án nông nghiệp, tổng thống Israel hái rau ăn thử tại chỗ
Tổng thống Israel ăn thử rau trồng trong nhà kính – Ảnh: Việt Dũng

Trong chuyến thăm này, công nghệ trồng rau của Israel đã được giới thiệu kỹ.

VN có thể xuất khẩu rau sạch

Sau khi nghe các chuyên gia giới thiệu về việc ứng dụng thành công công nghệ cao của Israel tại dự án, tổng thống Israel đã trực tiếp tham quan khu nhà kính của VinEco Tam Đảo.

Đánh giá cao sản xuất tại đây theo quy trình khép kín từ giống, gieo trồng, thu hoạch và đóng gói, Tổng thống Reuven Ruvi Rivlin đã hái rau mầm tại nhà kính và ăn thử tại chỗ. Nhiều thành viên trong đoàn cũng nhiệt tình nếm vị rau mầm.

Cho biết “rau có vị rất tuyệt vời”, tổng thống Israel khẳng định các doanh nghiệp Israel sẽ hợp tác với VinEco phát triển quy trình sản xuất, hướng tới mục tiêu cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch không chỉ cho thị trường VN, mà còn cho thị trường thế giới.

Khu nhà kính có diện tích 5,5ha ở Tam Đảo đang sử dụng công nghệ nhà kính của Teshuva Agricultural Projects (TAP). Đây là dự án cung cấp công nghệ nhà kính đầu tiên của TAP cho một đối tác tại VN.

Phía Israel cho biết TAP là công ty hàng đầu trên thế giới cung cấp bí quyết công nghệ sản xuất rau mầm Microgreen, rau trên hệ thống thủy canh công nghệ màng mỏng dinh dưỡng NFT cải tiến và công nghệ trồng cây trên giá thể Cocopeat.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật của VinEco, chia sẻ với công nghệ của Israel, nhà kính có hệ thống lưới cảm ứng với thời tiết, khi có mưa sẽ tự đóng lại, ngăn mưa đồng thời chặn côn trùng, giúp chủ động kiểm soát sâu bệnh cho cây trồng.

So với phương pháp sản xuất truyền thống, phương pháp sản xuất trong nhà kính giúp giảm thiểu việc phải sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh, vừa giúp nhà sản xuất trồng những bộ giống độc đáo, cung ứng cho thị trường nhiều loại rau củ quả.

Mặc dù phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt nhưng theo ông Phạm Đức Lưu – đội trưởng đội sản xuất nhà kính, với công nghệ hoàn toàn tự động, đảm bảo các điều kiện tối ưu về nước, dinh dưỡng, hàm lượng oxy, nhiệt độ… cho cây trồng, năng suất “rau công nghệ” có thể cao gấp 3-6 lần so với bình thường.

Xu hướng tất yếu

Ông Hồ Cảnh Sơn – người đang tham gia làm trang trại ở nhiều tỉnh thành ĐBSCL – nêu chi phí đầu tư cho mỗi hecta trồng rau sạch khá cao.

Về đầu ra, đúng là sản phẩm có gặp khó trong vài năm đầu, nhưng hiện cung đã không đủ cầu. Khách hàng chủ yếu là các nhà hàng, khách sạn tiêu chuẩn quốc tế.

Đơn cử như ở Phú Quốc, mỗi ngày nhu cầu rau sạch lên tới khoảng 30 tấn nhưng mới đáp ứng được một phần.

Ông Sơn cho rằng cái khó hiện nay là chính sách về hỗ trợ vốn và chính sách thuê đất, dù đơn vị của ông đã tham gia kiến nghị nhiều lần nhưng chưa thấy động tĩnh gì…

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc hợp tác trồng rau an toàn hoặc công nghệ cao là xu hướng tất yếu, cần thiết.

Vì vậy, VN cần sớm có chính sách hỗ trợ về đất đai như nới hạn điền, đặc biệt là thực thi gói cho vay 100.000 tỉ đồng mà Thủ tướng đã công bố để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sạch, phục vụ nhu cầu đang rất lớn…

Ông Nguyễn Văn Tâm – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang – cho biết chi phí đầu tư cho mỗi hecta trồng rau sạch ở các nước khoảng 8 tỉ đồng.

Từ năm 2007, khi mô hình trồng rau sạch trong nhà kính được một số doanh nghiệp tiếp thu, đưa về VN, chi phí đã giảm khá nhiều.

Hiện tại, một số doanh nghiệp trồng rau sạch khá thành công, công nghệ khép kín, chủ yếu tiếp nhận từ các nước Bắc Âu, Israel, Thái Lan… Ông Tâm cho rằng đầu ra cho rau sạch hiện còn tiềm năng rất lớn. Tại Kiên Giang, nguồn cung chỉ đáp ứng tối đa 7% nhu cầu của thị trường.

Ông Tâm cho biết Sở NN&PTNT Kiên Giang đang nghiên cứu để đề xuất một số chính sách với mục tiêu giảm vốn cần phải đầu tư trên một diện tích rau sạch, từ đó hỗ trợ việc mở rộng diện tích. “Mục tiêu của nền nông nghiệp VN là hướng tới nền nông nghiệp xanh, sạch, phát triển bền vững” – ông Tâm đề nghị.

Cần có tiêu chuẩn nông nghiệp công nghệ cao

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cho rằng đầu tư phát triển vào nông nghiệp công nghệ cao để làm ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng cao là hướng đi bắt buộc của nông nghiệp VN. Thế giới ngày càng quan tâm hơn đến an toàn thực phẩm và trong nước cũng vậy, nếu VN không sớm thay đổi, có thể đến ngày sản phẩm làm ra không thể bán đi đâu. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc xem đầu tư như thế nào, công nghệ nào. Hơn nữa, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao rất tốn kém và đòi hỏi công nhân có trình độ. Do đó, Nhà nước cần sớm có quy định về các tiêu chuẩn nông nghiệp công nghệ cao, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như tín dụng, lãi suất, thuế thuê đất… để phát triển những mô hình này.

Trần Mạnh

MỸ KHANH – MẬU TRƯỜNG – KHOA NAM