09/01/2025

Khởi nghiệp nông nghiệp sạch bắt đầu từ đâu?

Hiện nay khởi nghiệp nông nghiệp đang là xu hướng của rất nhiều người trẻ. Vậy làm thế nào để khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực này?

 

Khởi nghiệp nông nghiệp sạch bắt đầu từ đâu?

Hiện nay khởi nghiệp nông nghiệp đang là xu hướng của rất nhiều người trẻ. Vậy làm thế nào để khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực này?



Nhiều người trẻ hứng thú học hỏi và trao đổi kinh nghiệm  /// Ảnh: Nữ Vương

Nhiều người trẻ hứng thú học hỏi và trao đổi kinh nghiệmẢNH: NỮ VƯƠNG

Tại diễn đàn “Khởi nghiệp nông nghiệp – góc nhìn trong thời đại mới” do Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn TP.HCM tổ chức vừa qua, nhiều chuyên gia đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này.
Phải biết ứng dụng khoa học công nghệ
Ông Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, tỏ ra vui mừng khi có đông đảo người trẻ đến tham dự.
“Cách đây vài năm, chỉ lác đác người trẻ tham gia các diễn đàn hay hội thảo về khởi nghiệp nông nghiệp. Nhưng bây giờ chúng tôi thấy được sự quan tâm của các bạn đối với lĩnh vực này là rất lớn. Điều này chứng tỏ tinh thần doanh nhân của người trẻ đang nâng cao rất nhiều, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp”, ông An nhìn nhận.
“Thế giới đang muốn có một nguồn thực phẩm tốt cho sức khoẻ và sắc đẹp. Thế nhưng, những sản phẩm của ta chưa đáp ứng được. Đấy chính là lý do vì sao nông nghiệp đang là xu hướng của thế giới và tại sao chúng ta lại phải theo xu hướng này”, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, phân tích.
Đứng trước xu hướng không chỉ của riêng VN mà cả thế giới, nhiều bạn trẻ đã chọn cho mình con đường khởi nghiệp nông nghiệp. Tuy nhiên theo bà Vũ Kim Anh, Chủ nhiệm chương trình khởi nghiệp của Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM, hiện nay có nhiều dự án khởi nghiệp nông nghiệp rất khả thi nhưng lại rất thuần nông, chưa biết ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào trong canh tác. Khi giới thiệu sản phẩm của mình tại các phiên chợ thì mang sản phẩm có cả rễ và đất với mục đích để mọi người kiểm định là đất trồng an toàn. Rồi khi khách hàng hỏi sản phẩm có chất lượng không thì đưa đôi bàn tay chai sần và đen sì ra để chứng minh là trồng không dùng đến hóa chất, toàn đi bắt sâu, nhổ cỏ mỗi ngày…
“Nhưng để thành công và có được năng suất cao phải học hỏi các phương pháp canh tác từ các chuyên gia chứ không thể sản xuất đơn thuần. Đặc biệt, phải tìm đến các ứng dụng khoa học công nghệ, trong thời buổi công nghệ phát triển nếu ta không tận dụng thì sẽ chịu thua thiệt”, bà Kim Anh nói.
Tạo thương hiệu ?
“Mình đang là sinh viên nhưng ấp ủ dự án khởi nghiệp trong nông nghiệp. Mình phát hiện có một loại cây dại nhưng cho trái có rất nhiều công dụng như có tính dược liệu cao, chữa bệnh ung thư… Vậy làm thế nào để xây dựng được thương hiệu cho một loại trái chưa có tên có tuổi trên thị trường?”, Nguyễn Thị Mai, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, đặt câu hỏi.
Trả lời thắc mắc của Mai, ông Viên khuyên không chỉ riêng trường hợp này mà trong khởi nghiệp nông nghiệp nói chung, hãy mang sản phẩm của mình ra nước ngoài trước để chứng minh được hiệu quả và công dụng của nó là tốt. Sau đó tìm đến người đầu tư ở nước ngoài để phát triển. Khi đã ổn định và phát triển thì hãy mang về VN.
“Thứ nhất là người nước ngoài họ tin tưởng sản phẩm của VN còn tự nhiên rất nhiều, vì với họ nước ta là một nước thế mạnh về nông nghiệp. Chúng ta phải biết cách để nâng cao năng lực sản xuất của mình theo kiểu tự nhiên để giữ vững danh hiệu này và đây chính là cơ hội cho nông nghiệp nước ta đi chào mời khách nước ngoài. Khi đã vững chắc ở bên ngoài rồi thì hãy mang về VN. Thứ hai, nên nắm bắt tâm lý người VN rất thích hướng ngoại, thích xài hàng ngoại. Vì thế khi sản phẩm của ta đã có thương hiệu ở nước ngoài thì lúc này rất dễ thành công trong nước”, ông Viên định hướng.
Một sinh viên khác hỏi: “Làm sao để tránh được tình trạng được mùa mất giá mà được giá thì mất mùa của nông nghiệp VN?”.
Ông Viên cũng thẳng thắn: “Từ xưa đến giờ ta có chính sách khuyến nông, tức là khuyến khích mọi người trồng nhưng lại không khuyến khích lực lượng doanh nghiệp bùng nổ. Ta dễ dàng nhận thấy, trong một đơn vị sản xuất thì phải có khách hàng, có thị trường rồi mới có kế hoạch, mới bắt đầu sản xuất. Nhưng chúng ta thường đi ngược là làm ra sản phẩm rồi mới đi tìm người để mua. Đây là một sai lầm rất lớn”.
Ông Viên nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là phải nghiên cứu xem thị trường thực sự có nhu cầu với sản phẩm mình đang muốn trồng hay không. Bởi những sản phẩm nông sản như rau, chuối… nếu không có nơi tiêu thụ liền trong ngày hoặc vài ngày thì phải đổ bỏ. Chính vì vậy phải tìm được đầu ra cho sản phẩm trước và phải biết gắn kết với người mua sản phẩm của mình”.
Ông Viên chia sẻ thêm, khi canh tác đừng nghĩ đến số lượng mà hãy nghĩ đến sự khác biệt trước. Làm cách nào để người mua khi sử dụng sản phẩm của mình sẽ không muốn dùng sản phẩm của người khác nữa, nghĩa là mình phải khác biệt và hoàn hảo hơn những sản phẩm đã và đang có.
Theo đuổi lâu dài
“Phải thực sự đam mê nông nghiệp và theo đuổi lâu dài. Bởi sản phẩm nông nghiệp không giống những sản phẩm công nghiệp có thể đưa vào máy, máy làm là ra thành phẩm. Sản phẩm nông nghiệp phải trải qua một quá trình chăm sóc và theo dõi lâu dài”.
Lê Minh Vương (Trưởng dự án nuôi trùn quế và hệ thống dịch vụ du lịch nông nghiệp sinh thái TP.HCM)
Không thể làm một mình
Khởi nghiệp nông nghiệp thật sự rất gian nan, vì thế muốn thành công tuyệt đối không thể làm một mình. Phải tìm đồng đội trước khi chọn loại hình khởi nghiệp. Phải biết được điểm mạnh của ta là gì chứ đừng có tham. Sinh viên mới ra trường hay có tâm lý tham rồi ôm đồm công việc một mình dẫn đến thất bại nối tiếp thất bại. Mỗi người một mảng khác nhau sẽ như những mảnh ghép, ghép lại với nhau để trở nên hoàn chỉnh.
Lê Minh Hồng Phúc (Đồng sáng lập và điều hành Công ty sản xuất tỏi đen IamV)
Nông nghiệp phải có tâm
Khởi nghiệp nông nghiệp sạch phải thật sự có tâm, hãy đặt hết lòng mình vào trong đó để tạo ra sản phẩm thật sự tốt và an toàn cho cộng đồng. Khi mình mang được lợi ích thật sự cho khách hàng thì khách hàng cũng sẽ mang lại lợi ích cho mình.
Nguyễn Thị Hiếu (Trưởng trại Nấm Linh Chi Đất Thép  ở Củ Chi, TP.HCM)


 

Nữ Vương