09/01/2025

Dân Singapore chấp nhận bỏ tiền túi trị khói mù

Trước tình cảnh khó chịu do khói mù từ cháy rừng bên Indonesia tràn sang một số ngày dài trong năm, dân Singapore chấp nhận góp tiền để ngăn chặn.

 

Dân Singapore chấp nhận bỏ tiền túi trị khói mù

Trước tình cảnh khó chịu do khói mù từ cháy rừng bên Indonesia tràn sang một số ngày dài trong năm, dân Singapore chấp nhận góp tiền để ngăn chặn.

 

 

 

Dân Singapore chấp nhận bỏ tiền túi trị khói mù
Người dân Singapore khốn khổ vì đợt khói mù từ Indonesia vào tháng 8-2016 – Ảnh: Reuters

Trong cuộc chiến chống khói mù này cũng như cuộc chiến thật sự, chúng ta cần những người lính xông ra chiến trường, chứ không phải cứ chui trong phòng lạnh chờ đợi khói mù qua đi

Steven Lim (chủ nhà hàng gần khu Tiong Bahru)

Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) công bố gần đây cho thấy người dân Singapore sẵn sàng chi đến 1% tổng thu nhập trong một năm cho việc chống khói mù.

Nghiên cứu của NUS cho thấy số tiền mà người dân Singapore đóng góp có thể lên đến 913 triệu SGD (khoảng 643,5 triệu USD) mỗi năm, đủ để tạo ra một ảnh hưởng bền vững nếu số tiền này dùng cho việc phục hồi và bảo tồn đất trồng ở những vùng dễ xảy ra cháy rừng.

Dân đồng lòng góp sức

Ông Wijedasa, một trong ba tác giả của khảo sát trên, cho biết một trong những giải pháp để giải quyết tình trạng khói mù hằng năm là chi trả cho các dịch vụ liên quan đến hệ sinh thái, những quốc gia giàu có nên chi trả thường xuyên cho việc quản lý đất tốt hơn, khôi phục đất đai.

Theo tính toán, Indonesia cần khoảng 2,1 tỉ USD để giúp khôi phục 2 triệu hecta đất than bùn ở các vùng quê và hiện đã có 67 triệu USD từ Na Uy và Mỹ.

Trong các quốc gia ASEAN, Singapore bị ảnh hưởng nhiều nhất, như trong giai đoạn tháng 9 đến tháng 11-2015 với chỉ số ô nhiễm (PSI) đã vượt hơn 300 (trong khi ngày bình thường như hiện nay chỉ 
48-56).

Đợt khói mù này đã làm Singapore thiệt hại 700 triệu SGD (khoảng 493,4 triệu USD). Có lẽ vì thế mà người dân Singapore ngày càng thuận theo cách góp tiền cùng chính phủ ngăn ô nhiễm.

Ông Tukaram, một người Singapore gốc Ấn sống ở khu Bukit Merah, cho biết sẵn lòng bỏ tiền cho chiến dịch chống khói mù không liên quốc gia này.

“Khói mù do con người gây ra, việc có thể kiểm soát và ngăn chặn khói mù hoàn toàn có thể thực hiện với sự hợp tác của nhiều người, nhiều quốc gia.

Tôi tin nếu cả ba quốc gia Singapore, Malaysia và Indonesia cùng chung tay thực hiện nghiêm túc sẽ có khả năng chấm dứt chuyện này. Mỗi người đóng góp một ít, góp gió thành bão, số tiền này sẽ rất nhiều” – ông Tukaram nhận xét với Tuổi Trẻ.

Năm 2015, Singapore chịu một trận khói mù nặng nề nhất từ trước đến nay, chỉ số không khí ô nhiễm thời gian đó đã chạm mức nguy hiểm.

Không chỉ là những thiệt hại rõ ràng nhưng theo các nhà quan sát, nghiên cứu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất và khó đánh giá nhất là biểu hiện và nguy cơ tiềm ẩn đến sức khoẻ, mà điều quan trọng là ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư và là gánh nặng chi phí y tế và an sinh xã hội nền kinh tế phải gánh chịu.

Cũng từ đó, Indonesia đã có những nỗ lực để ngăn chặn lửa, thậm chí thiết lập tình trạng khẩn cấp bang trong việc ngăn chặn cháy rừng và nông dân đốt lửa sau thu hoạch.

Tín hiệu tốt nhen nhóm

Có lẽ năm nay khói mù sẽ sớm quay lại Đông Nam Á, thay vì bắt đầu từ tháng 9 hằng năm thì mới tháng 1-2017 khói đã bắt đầu từ quần đảo Riau (Indonesia) và một thông báo tình trạng khẩn cấp đã được Chính phủ Indonesia phát ra.

Indonesia cho biết việc ban hành cảnh báo này nhằm sớm thu hút thêm nhiều nguồn lực tập trung dập tắt lửa, chứ không phải đợi đến khi lửa vượt qua khỏi tầm kiểm soát, lan rộng ra khắp nơi như những năm trước.

Chính phủ Indonesia đã có một động thái chưa từng diễn ra từ nhiều năm qua là hủy giấy phép hoạt động của ba công ty liên quan đến việc để xảy ra cháy rừng. Ở Singapore, cơ quan môi trường quốc gia cũng bắt đầu áp dụng Luật ô nhiễm khói mù, cho phép điều tra các công ty có liên quan đến việc để xảy ra khói mù.

Các kế hoạch mang tính dài hơi để ngăn chặn, kiểm soát từ xa hiểm họa khói mù đã được chính quyền Singapore triển khai từ năm ngoái cùng các kế hoạch hỗ trợ những mắt xích liên quan trong cả chuỗi hoạt động kinh doanh có thể dẫn đến khói mù.

Các mắt xích được đề cập tới là xí nghiệp, nhà máy, nhà bán lẻ, người tiêu dùng, các tổ chức tài chính, tín dụng hỗ trợ cho hoạt động có liên quan đến nguồn gây ra khói mù và cả nông dân ở những vùng sâu vùng xa của Indonesia.

Tháng 3-2016, Học viện Ngoại giao Singapore đã đến trung tâm Kalimantan (Indonesia) – tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt khói mù năm 2015 – tiến hành các khảo sát và hỗ trợ người dân thay đổi phương thức trồng trọt lâu nay là đốt rừng, đất và cỏ khi chuẩn bị trồng trọt bằng những phương pháp bền vững không gây ra cháy rừng, cháy cỏ dại (nguyên nhân chính của việc tạo ra khói mù).

Singapore cũng triển khai các bước hỗ trợ những tỉnh ở Indonesia có thế mạnh trồng cọ và chế biến dầu cọ để đảm bảo quá trình trồng trọt, chế biến dầu cọ bền vững và không gây cháy rừng. Các sản phẩm này sẽ được chính quyền địa phương khuyến khích cách dán nhãn bền vững khi chuẩn bị bán trên thị trường.

Hiệp hội Ngân hàng Singapore cũng đưa ra hàng loạt tiêu chí liên quan đến tài chính bền vững áp dụng cho các thành viên khi thẩm định các dự án liên quan đến trồng trọt, kinh doanh dầu cọ xin vay vốn.

Có thể mùa khói mù năm nay sẽ chưa có nhiều thay đổi, nhưng một tương lai ít khói mù hơn cho các nước trong khu vực đã le lói như ánh sáng cuối đường hầm.

Tình trạng khói mù là một vấn nạn của nhiều quốc gia Đông Nam Á, phần lớn do các đám cháy ở những vùng đất than bùn bị khô cằn, cũng như việc nhiều công ty trồng, khai thác dầu cọ không kiểm soát và bảo vệ các vùng canh tác khỏi cháy rừng.

Ngoài ra, việc nông dân Indonesia thường đốt lửa để khai hoang hoặc làm đất sau mỗi vụ thu hoạch cũng khiến các nước trong khu vực thường xuyên phải chịu nạn ô nhiễm khói mù.

LÊ NAM (Từ SINGAPORE)