29/11/2024

Đau đầu với nguồn tuyển cao đẳng, trung cấp

Những dự báo về tình hình tuyển sinh khó khăn sắp tới đã làm nóng không khí cuộc gặp báo chí do Tổng cục Dạy nghề tổ chức chiều 22-3.

 

Đau đầu với nguồn tuyển cao đẳng, trung cấp

Những dự báo về tình hình tuyển sinh khó khăn sắp tới đã làm nóng không khí cuộc gặp báo chí do Tổng cục Dạy nghề tổ chức chiều 22-3.

 

 

Đau đầu với nguồn tuyển cao đẳng, trung cấp
Rất đông học sinh đến trải nghiệm làm bánh tại gian tư vấn của Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức – Ảnh: Như Hùng

Cho dù Tổng cục Dạy nghề khẳng định quy chế tuyển sinh cho hệ CĐ, trung cấp được ban hành theo cơ chế linh hoạt, tự chủ cao và tạo thuận lợi tối đa cho các trường, nhưng… khó vẫn là khó!

“Nút thắt” muôn thuở?

Ông Đỗ Văn Giang – phó vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy Tổng cục Dạy nghề – cho biết quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ CĐ, trung cấp vừa được Bộ LĐ-TB&XH ban hành, cho phép các trường có thể tuyển sinh một hoặc nhiều lần trong năm.

Hiệu trưởng các trường được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm, được phép linh hoạt giữa hai trình độ trong cùng ngành nghề đào tạo cùng trường, miễn sao đảm bảo được tỉ lệ học sinh, sinh viên/giảng viên, các cơ sở vật chất và thiết bị phù hợp với quy mô, trình độ đào tạo…

Trong khi đó, ông Cao Văn Sâm – phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề – cho biết tuyển sinh hệ trung cấp với đối tượng tốt nghiệp THCS có sự thay đổi lớn so với trước đây.

Các năm trước, học sinh tốt nghiệp THCS chỉ có một lựa chọn khi vào trung cấp, là vừa học nghề vừa học văn hoá.

Còn năm 2017, học sinh tốt nghiệp THCS có thể được lựa chọn chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu: nếu bản thân thấy khó khăn trong học văn hoá và không có nhu cầu liên thông thì được chọn học tập trung về chuyên môn, còn nếu có nguyện vọng liên thông sau này thì có thể chọn chương trình đào tạo vừa học nghề vừa học bổ túc văn h; để khi tốt nghiệp vừa có bằng trung cấp vừa có bằng tương đương bằng tốt nghiệp THPT, đủ điều kiện liên thông lên các trình độ đào tạo cao hơn sau này.

Tuy nhiên, dù tạo điều kiện cho cả nhà trường và người học, nhưng nhiều chuyên gia vẫn dự báo tình hình tuyển sinh CĐ, trung cấp năm nay “vẫn rất khó khả thi hơn so với tình trạng bi đát mấy năm qua”.

Ông Sâm cho rằng bản thân các trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải cạnh tranh với nhau, đồng thời phải cạnh tranh với cả hệ thống giáo dục ĐH để hút thí sinh.

Từ thực tế này, trường nào làm tốt sẽ phát triển, trường không làm tốt sẽ phải chấp nhận việc sáp nhập, thậm chí giải thể nếu không 
trụ được.

Khó khăn là dù giáo dục nghề nghiệp thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước là Bộ LĐ-TB&XH, nhưng lại gần như bị cắt khúc với giáo dục phổ thông vẫn do Bộ GD-ĐT quản lý, nên công tác phân luồng vẫn tạo điểm nghẽn trong nguồn tuyển 
với đào tạo nghề.

Có cách nào gỡ “nút thắt” này? Đáp lại câu hỏi của Tuổi Trẻ, ông Cao Văn Sâm cho rằng đây là “câu chuyện muôn thuở”, muốn tháo điểm nghẽn này cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, chứ không đơn lẻ một bộ ngành nào giải quyết đến nơi đến chốn được.

“Về phía Bộ LĐ-TB&XH, cần yêu cầu tăng các lĩnh vực, loại công việc đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng mới được hành nghề.

Song quan trọng hơn, Chính phủ cần có chỉ đạo để hình thành các hạn ngạch trong từng trình độ đào tạo, tạo sự cân đối cung cầu giữa các trình độ với nhu cầu lao động của thị trường” – ông Sâm nói.

Lãng phí 
liên thông ngược, 
cơ cấu đào tạo ngược

PGS.TS Cao Văn Sâm nêu một thực tế đang diễn ra ngày càng phổ biến là hiện tượng liên thông… ngược.

Khác với liên thông bình thường cho phép người tốt nghiệp trung cấp, CĐ có điều kiện học liên thông lên ĐH, liên thông ngược lại là tình trạng những người đã tốt nghiệp bậc học trình độ cao hơn quay trở lại học trình độ thấp hơn – chủ yếu là đào tạo nghề.

Nguyên nhân phổ biến của tình trạng này là người học ĐH, thậm chí cả sau ĐH, nhưng tốt nghiệp lại thất nghiệp, nên buộc phải quay về học nghề.

“Điều này thể hiện sự thay đổi nhận thức của người học, không quá coi trọng bằng cấp mà chú tâm vào tình trạng việc làm của bản thân.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng liên thông ngược gây lãng phí lớn cả về thời gian và tiền bạc” – ông Sâm nhận định.

Không chỉ lãng phí vì liên thông ngược, việc đào tạo nhân lực hiện nay cũng làm tăng thêm gánh nặng lãng phí, bởi cơ cấu đào tạo cũng… ngược.

“Ở nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc… có 95% lao động trực tiếp, chỉ có 5% lao động gián tiếp.

Với 5% lao động gián tiếp sẽ tuyển dụng lao động trình độ ĐH trở lên, còn 95% lao động trực tiếp chỉ cần tuyển nhân lực thông qua đào tạo nghề.

Tất yếu khi tăng quy mô đào tạo ĐH, đào tạo bậc cao, mà đào tạo nghề không tương xứng thì sẽ tạo ra sự mất cân đối cung cầu. Đó chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng 
thất nghiệp” – ông Sâm nói.

Năm 2017, chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp: 2,2 triệu người

Theo kế hoạch, năm 2017, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ tuyển mới 2,2 triệu chỉ tiêu. Trong đó trình độ CĐ và trung cấp là 540.000 người, còn lại trình độ đào tạo sơ cấp và dưới 3 tháng là 1,66 triệu người.

Cũng trong năm 2017, các trường sẽ tổ chức thi tốt nghiệp các trình độ đào tạo cho gần 2 triệu người. Trong đó bậc đào tạo CĐ và trung cấp khoảng 450.000 người, khoảng 1,5 triệu người tốt nghiệp trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng.

“Một cổ, ba tròng”?

Hiện tại, các trường CĐ đều được chuyển giao quản lý nhà nước sang Bộ LĐ-TB&XH, nhưng riêng CĐ sư phạm vẫn trực thuộc quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT.

Vậy với các trường CĐ đa ngành ở địa phương có đào tạo sư phạm sẽ cùng lúc phải chịu sự quản lý của ba cơ quan, liệu có gây nên tình trạng chồng chéo?

Trước băn khoăn này, PGS.TS Cao Văn Sâm cho rằng đây là vấn đề mà Chính phủ đã rất cân nhắc. Bậc CĐ sư phạm có đặc thù là đào tạo nhân lực cho ngành giáo dục sử dụng, nên cần thiết có sự quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, cả Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH chỉ là cơ quan quản lý nhà nước, còn các trường vẫn trực thuộc địa phương, các bộ ngành.

“Như vậy, các trường CĐ địa phương cũng chỉ chịu sự quản lý trực tiếp của một đầu mối từ địa phương” – ông Sâm nói.

NGỌC HÀ