10/01/2025

Tăng trưởng kinh tế không đồng nghĩa với ‘hạnh phúc’

Qua Báo cáo hạnh phúc thế giới 2017 (World Happiness Report), các chuyên gia nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế cao không chắc là yếu tố mang lại hạnh phúc cho người dân một quốc gia.

 

Tăng trưởng kinh tế không đồng nghĩa với ‘hạnh phúc’

 Qua Báo cáo hạnh phúc thế giới 2017 (World Happiness Report), các chuyên gia nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế cao không chắc là yếu tố mang lại hạnh phúc cho người dân một quốc gia.

 

 

 

Tăng trưởng kinh tế không đồng nghĩa với 'hạnh phúc'
Người dân Trung Quốc hứng chịu hệ quả ô nhiễm từ phát triển kinh tế nóng – Ảnh: AFP

Tôi không còn tin vào những gì người ta nói về tăng trưởng. Nó chỉ là một phần của mô hình phát triển theo chủ nghĩa tiêu dùng, sản xuất và vật chất

BENOIT HAMON (ứng viên Đảng Xã hội tranh cử tổng thống Pháp)

Báo cáo hạnh phúc 2017 dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc tiếp tục ghi nhận các quốc gia nhỏ phát triển ở Tây Âu là vùng đất hạnh phúc nhất thế giới, trong đó Na Uy, Đan Mạch và Iceland là ba nước dẫn đầu.

Các chuyên gia lưu ý tăng trưởng GDP trung bình của nhóm các nước hạnh phúc nhất thấp hơn trung bình chung của thế giới (dựa trên số liệu giai đoạn 2014-2016).

Trong khi đó, ở Trung Quốc – nước có tỉ lệ tăng trưởng cao và ổn định nhất thế giới – mức độ hạnh phúc của người dân vẫn giậm chân tại chỗ từ thập niên 1990. Đây là một nghịch lý về mặt lý thuyết: kinh tế đi lên thì người dân thấy thoải mái.

Ba nhà kinh tế Richard Easterlin, Fei Wang và Shun Wang dành hẳn một chương để giải thích cho trường hợp Trung Quốc trong bản báo cáo. Các học giả cho rằng bất bình đẳng giàu nghèo, môi trường ô nhiễm, chỉ số thất nghiệp tăng, lạm phát tăng, niềm tin xã hội xói mòn… là các yếu tố xoá sạch lợi ích của sự gia tăng tiện nghi vật chất mang lại từ tăng trưởng ở Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các biến động xã hội ở Trung Quốc trong 25 năm qua cũng góp phần thay đổi nhận thức của người dân về sự thịnh vượng/hạnh phúc – khái niệm không chỉ đơn thuần bao gồm của cải vật chất mà còn có những thứ như “tự do lựa chọn trong cuộc sống”, “mức độ chia sẻ trong cộng đồng”, “nhận thức về tham nhũng”…

Kinh nghiệm từ các quốc gia nhỏ châu Âu cho thấy khi một mức độ giàu có nhất định đã đạt được, tăng trưởng không còn quan trọng nữa đối với mức độ hạnh phúc.

Các thống kê về mức độ hạnh phúc khá quan trọng trong chính trị. Năm 2015, Trường Kinh tế London phân tích dữ liệu bầu cử ở châu Âu và phát hiện chỉ số hạnh phúc dự báo chính xác hơn tỉ lệ phiếu bầu dành cho chính phủ đương nhiệm thay vì các yếu tố như tăng trưởng GDP hoặc tỉ lệ thất nghiệp.

Nói tóm lại, một nền chính sách tốt sẽ tập trung vào tất cả các yếu tố mang lại hạnh phúc cho con người thay vì chỉ mỗi tăng trưởng.

PHÚC LONG