10/01/2025

Khí tài hiện đại hội ngộ tại Malaysia

Ngày 21.3, Triển lãm Hàng hải và hàng không quốc tế Langkawi 2017 chính thức khai mạc tại Trung tâm Mahsuri, thuộc bang Kedah của Malaysia.

 

Khí tài hiện đại hội ngộ tại Malaysia

Ngày 21.3, Triển lãm Hàng hải và hàng không quốc tế Langkawi 2017 chính thức khai mạc tại Trung tâm Mahsuri, thuộc bang Kedah của Malaysia.



 

 

Thủ tướng Malaysia Najib Razak phát biểu khai mạc và quang cảnh ngày đầu tiên của LIMA 2017 /// Chụp màn hình báo The Star

 

Thủ tướng Malaysia Najib Razak phát biểu khai mạc và quang cảnh ngày đầu tiên của LIMA 2017CHỤP MÀN HÌNH BÁO THE STAR

 

Tham dự lễ khai mạc LIMA 2017 có Thủ tướng nước chủ nhà Najib Razak, Phó thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi, Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Tun Hussein, Bộ trưởng Giao thông vận tải Liow Tiong Lai cùng các phái đoàn quân sự và đại diện chính phủ đến từ các thành viên ASEAN cũng như nhiều nước, vùng lãnh thổ khác như Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Úc…
Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam do trung tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu. Trước đó, vào ngày 15.3, tàu hộ vệ tên lửa 011-Đinh Tiên Hoàng của Việt Nam đã lên đường đến Langkawi để chuẩn bị tham gia hoạt động cùng với tàu hải quân các nước khác tại LIMA 2017. Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử tàu hải quân tham dự sự kiện này.
Khí tài hiện đại hội ngộ tại Malaysia - ảnh 1

Tàu hộ vệ tên lửa 011 Đinh Tiên Hoàng tại Langkawi ngày 21.3ẢNH CHỤP MÀN HÌNH NAVYRECOGNITION

Lớn nhất từ trước đến nay
LIMA được tổ chức 2 năm/lần từ năm 1991 và là một trong những triển lãm hàng hải – hàng không đáng chú ý nhất tại châu Á – Thái Bình Dương. Theo báo The Star, sự kiện năm nay thu hút 555 công ty đến từ 36 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm và là cuộc triển lãm LIMA lớn nhất từ trước đến nay. Để so sánh, LIMA 2015 có sự tham dự của 512 công ty đến từ 36 quốc gia, vùng lãnh thổ. Khu vực triển lãm năm nay có diện tích 119.209 m2, rộng hơn 15.000 m2 so với 2 năm trước.
Tầm quan trọng và quy mô ngày càng lớn của LIMA đã thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia có ngành công nghiệp quốc phòng và công nghệ phát triển mạnh như Mỹ, Nga, Pháp, Nhật, Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc… Bên cạnh đó, các “đại gia” trong lĩnh vực vũ khí và công nghệ của thế giới như Lockheed Martin, Boeing, Airbus, Thales, Mitsubishi, Rosoboronexport… đều không bỏ lỡ cơ hội góp mặt.
Theo ban tổ chức, tổng cộng 103 máy bay và 61 tàu sẽ tham gia biểu diễn và trưng bày tại LIMA 2017, kéo dài đến ngày 25.3. Bên cạnh đó, khách tham quan có dịp chứng kiến những màn biểu diễn ngoạn mục của những phi đội không quân nổi tiếng như Đại bàng đen của Hàn Quốc, Sarang (Ấn Độ), Jupiter (Indonesia) và phi đội Hiệp sĩ của Nga.
Năm nay cũng là lần đầu tiên các phi đội Đại bàng đen và Sarang đến biểu diễn tại Malaysia. Riêng phi đội Hiệp sĩ Nga sẽ trình làng các chiến đấu cơ Sukhoi Su-30SM mới. Tại lễ khai mạc hôm 21.3, không quân Malaysia đã trình diễn một số tiết mục như bay theo đội hình, tấn công đối không, đối đất…
Trong số những loại vũ khí có mặt tại triển lãm, máy bay không người lái (UAV) và tàu ngầm tự hành (AUV) lần đầu tiên được giới thiệu tại LIMA. Cụ thể, khách tham quan sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng các loại UAV nổi tiếng như MQ-1 Predator và MQ-8 Fire Scout của Mỹ cũng như AUV 62-AT của Tập đoàn SAAB (Thuỵ Điển).
Hợp tác quốc phòng ASEAN
Tờ New Straits Times dẫn lời Thủ tướng Malaysia Najib Razak phát biểu tại lễ khai mạc LIMA 2017 nhận định vai trò của công nghiệp quốc phòng đang thay đổi một cách nhanh chóng khi những thách thức an ninh mới đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu và phát triển. Ông nhấn mạnh trước những mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống mà khu vực cũng như thế giới đang phải đối mặt, chi tiêu cho quốc phòng có thể sẽ tiếp tục gia tăng.
“Chúng ta cần phải trang bị cho binh sĩ những khả năng cần thiết để đương đầu với chiến tranh hiện đại, cả đối xứng lẫn bất đối xứng”, Thủ tướng Najib nói. Cũng theo nhà lãnh đạo này, Malaysia sẽ dành khoản ngân sách 5,9 tỉ USD cho quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật trong Kế hoạch phát triển lần thứ 11.
Cùng ngày, Phó thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi cho biết Malaysia muốn tăng cường hợp tác với các nước ASEAN nhằm tận dụng sự tăng trưởng mạnh của ngành công nghiệp quốc phòng khu vực, dự kiến đạt 100 tỉ USD vào năm 2030.
Tờ Free Malaysia Today dẫn lời ông Ahmad nói Malaysia đã sản xuất được một số bộ phận, linh kiện thiết bị quốc phòng và sẵn sàng chia sẻ công nghệ với các thành viên ASEAN khác. “Các nước ASEAN cần thoát ra khỏi hình ảnh là chỉ biết mua khí tài về sử dụng mà cần cải thiện năng lực của chính mình để trở thành đối tác trong quá trình tích hợp các hệ thống phòng thủ”, phó thủ tướng Malaysia nói với các phóng viên tại lễ khai mạc LIMA 2017 ngày 21.3. Ông cũng bày tỏ tin tưởng triển lãm năm nay sẽ là diễn đàn để các thành viên ASEAN khám phá thêm cơ hội hợp tác trong ngành quốc phòng.
Malaysia nâng cấp hải quân ứng phó tình hình Biển Đông
Malaysia đang cân nhắc nâng cấp hạm đội hải quân nhằm đối phó mối đe doạ từ tình hình biến động trên Biển Đông cũng như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Cụ thể, giới chức cho biết dù ngân sách quốc phòng bị thu hẹp hơn trước nhưng Kuala Lumpur vẫn sẽ tập trung cải thiện năng lực phòng thủ và tăng cường hợp tác cùng với các nước ven Biển Đông khác.
Theo Reuters, hải quân Malaysia có kế hoạch thay thế toàn bộ 50 tàu chiến đang sở hữu, bắt đầu bằng dự án trang bị 4 tàu tác chiến ven biển (LMS) hợp tác sản xuất với Trung Quốc. Hai bên dự kiến chính thức ký kết hợp đồng đóng tàu và chuyển giao công nghệ tại LIMA 2017. Hải quân Malaysia hy vọng sẽ có trong tay tổng cộng 18 chiếc LMS. Theo ước tính của chuyên san IHS Janes, chi tiêu quốc phòng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự kiến đạt 250 tỉ USD trong giai đoạn 2016 – 2020.


 

Trùng Quang