10/01/2025

Doanh nghiệp đi vay phải tự trả nợ

Dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng các chuyên gia đều ủng hộ chủ trương “Chính phủ không gánh nợ cho doanh nghiệp nhà nước”, thậm chí giảm các khoản nợ được bảo lãnh nhằm giảm nợ công, để doanh nghiệp tự làm tự chịu trách nhiệm.

 

Doanh nghiệp đi vay phải tự trả nợ

 Dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng các chuyên gia đều ủng hộ chủ trương “Chính phủ không gánh nợ cho doanh nghiệp nhà nước”, thậm chí giảm các khoản nợ được bảo lãnh nhằm giảm nợ công, để doanh nghiệp tự làm tự chịu trách nhiệm.

 

 

 

Doanh nghiệp đi vay phải tự trả nợ
Khu liên hiệp gang thép Cao Bằng (thuộc Tổng công ty Khoáng sản – Vinacomin), một thành viên lỗ lã của Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản VN – Ảnh: TTXVN

Theo các chuyên gia, cùng với việc cắt “bầu sữa” Nhà nước, cần đưa vào luật trách nhiệm trả nợ của các cá nhân liên quan đến những khoản nợ của doanh nghiệp (DN) nhà nước, thậm chí lãnh đạo DN phải bán tài sản cá nhân để khắc phục hậu quả.

TS Trần Du Lịch: Không thể tuỳ tiện biến nợ DN nhà nước thành nợ công

Chúng ta cần phân định rạch ròi tài chính DN và tài chính công. Theo luật pháp VN, DN nhà nước là DN trách nhiệm hữu hạn, tức chủ DN chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trên vốn điều lệ và DN chịu trách nhiệm hữu hạn trên tài sản của chính DN.

Do đó dù Nhà nước là chủ sở hữu, dù có nắm giữ đến 90% cổ phần của DN vẫn không chịu trách nhiệm về nợ của DN, các khoản nợ của DN nhà nước là nợ DN chứ không phải nợ công. Khi làm ăn thua lỗ và phá sản, đó cũng là câu chuyện của tài chính DN.

Doanh nghiệp đi vay phải tự trả nợ
Ảnh: Tự Trung

Lẽ ra khi DN nhà nước làm ăn thua lỗ, Nhà nước cứ cho phá sản và chỉ mất phần vốn trong đó, không liên quan đến các khoản nợ của DN này, trừ khoản nào Nhà nước bảo lãnh vay. Thế nhưng thời gian qua Chính phủ lại tìm cách cứu nhiều DN nhà nước, biến các khoản nợ DN thành nợ công, hay đúng hơn Chính phủ đang tự tạo ra nợ công.

Bởi vậy, Luật quản lý nợ công sửa đổi cần phải quy định chặt chẽ, minh bạch trong trường hợp muốn phục hồi, cứu DN, Chính phủ muốn bảo lãnh vay nợ cho DN cũng phải chỉ rõ trách nhiệm cụ thể, công khai trong việc bảo lãnh nợ.

Chính phủ không thể tự tiện đi trả nợ, DN đã kinh doanh gặp thua lỗ phải cho phá sản. Nhà nước bản chất là nhà đầu tư, chứ không thể xem nợ DN nhà nước cũng là nợ của Nhà nước để đi lãnh nợ thay, để rồi tự tạo ra nợ công. Điều quan trọng là Chính phủ phải tăng cường quản lý, giảm thiểu rủi ro đối với khoản nợ của DN nhà nước.

TS Đinh Tuấn Minh (chuyên gia về tài chính công): Phải nêu rõ trong luật trách nhiệm trả nợ của DN

Chính phủ không gánh nợ thay cho DN nhà nước lẽ ra là điều phải làm từ lâu rồi. Tuy nhiên, cần phải tách bạch hai vấn đề, thứ nhất là những khoản vay Chính phủ bảo lãnh thì chắc chắn Chính phủ phải trả thay nếu DN không trả được. Còn với những khoản nợ mà DN tự đi vay, DN phải tự trả và cần phải nêu rõ trong luật.

Doanh nghiệp đi vay phải tự trả nợ
Ảnh: L.Thanh

Nhưng để giảm gánh nặng nợ công cần phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn DN nhà nước. Khi số lượng DN nhà nước giảm mạnh, Nhà nước không lo đi làm kinh tế, bán sữa, bán xăng dầu nữa. Việc DN kinh doanh như thế nào, lỗ hay lãi, nợ nhiều hay ít là chuyện của thị trường, của DN. Lúc đó nợ công mới giảm được.

TS Vũ Đình Ánh 
(chuyên gia tài chính): Phải quy trách nhiệm trả nợ cho cá nhân

Với tư cách là chủ sở hữu phần vốn và tài sản của DN nhà nước, nên Nhà nước phải có trách nhiệm với khoản nợ của DN nhà nước. Thực tế cho thấy vai trò của chủ sở hữu, tức là Nhà nước, trong hoạt động quản lý DN nhà nước hiện nay chưa rõ ràng, kể cả quyền hạn và trách nhiệm.

Một mặt là có sự can thiệp quá sâu của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là bộ chủ quản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, bổ nhiệm nhân sự… của DN nhà nước nên đương nhiên phải chịu trách nhiệm.

Doanh nghiệp đi vay phải tự trả nợ
Ảnh: Ng.Khánh

Để Nhà nước không đứng ra gánh nợ thay cho DN, hay nói cách khác là nợ của DN nhà nước không tính vào nợ công, điều quan trọng nhất là gắn quản lý nợ công với cải cách quản lý DN nhà nước, đặc biệt là làm rõ quyền hạn và trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN, trong đó có vấn đề về nợ.

Nếu DN nhà nước không trả được nợ, ai sẽ đứng ra trả? Cơ chế phải rõ ràng và quy trách nhiệm cho cá nhân là ông, bà chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc điều hành DN gây ra thua lỗ phải chịu trách nhiệm trả nợ, chứ không thể nêu chung chung là DN nhà nước sẽ trả.

Tóm lại là phải quy trách nhiệm cá nhân. Nếu không quy trách nhiệm cho cá nhân đứng ra trả nợ, Nhà nước vẫn phải đứng ra gánh vì những người đại diện phần vốn của Nhà nước tại DN nhà nước là công chức nhà nước.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh: Ai vay, người đó phải trả

Theo Hệ thống tài khoản quốc gia của Liên Hiệp Quốc 2008 mà VN đang áp dụng, nợ công bao gồm nợ Chính phủ và nợ DN nhà nước. Tuy nhiên, chúng ta cần làm rõ nợ DN nhà nước có phải do Nhà nước trả hay không? Nhất quyết là không. Phải xác định ai vay thì người đó trả, Chính phủ không vay thì Chính phủ không trả.

Vì vậy, trong Luật quản lý nợ công mới này cần làm rõ một khi cho DN nhà nước phá sản phải kèm theo người chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm đến đâu, chịu như thế nào. Không có chuyện Chính phủ trao trách nhiệm quản lý tài sản vào tay cá nhân, đến khi DN làm ăn thua lỗ, thất thoát tài sản của Nhà nước lại không ai chịu trách nhiệm.

Ngay trong xử lý nợ DN nhà nước cũng cần phân loại nợ ra và có chính sách cụ thể như nợ có khả năng trả, nợ nguy cơ cao và nợ chắc chắn không trả được.

Tùy theo khả năng phục hồi kinh doanh của DN, Nhà nước có lộ trình để DN trả nợ cũng như quy trách nhiệm làm ăn thua lỗ cho cá nhân đứng đầu DN. Lãnh đạo của DN nhà nước là những người được giao quyền quản lý tài sản, kinh doanh, đó là tiền của nhân dân. Tiền của dân mà sử dụng không hiệu quả thì phải truy cứu ai làm việc này, không thể bắt người dân phải gánh nợ thêm lần nữa.

Chúng ta phải thật sự mạnh tay, thậm chí phải tịch biên tài sản của họ, bắt buộc tìm cách khắc phục hậu quả, chứ không thể để xảy ra tình trạng phá sản một cách “vui vẻ” như thời gian qua.

NHƯ BÌNH – LÊ THANH