10/01/2025

Ước mơ mang đậm cá tính

Giữa hàng chục ngàn ước mơ sẽ trở thành bác sĩ, doanh nhân, nhà giáo của cuộc thi “Thực hiện ước mơ” năm học 2016-2017, có thể bắt gặp những ước mơ tuổi học trò thú vị, cá tính.

 

Ước mơ mang đậm cá tính

Giữa hàng chục ngàn ước mơ sẽ trở thành bác sĩ, doanh nhân, nhà giáo của cuộc thi “Thực hiện ước mơ” năm học 2016-2017, có thể bắt gặp những ước mơ tuổi học trò thú vị, cá tính.

 

 

 

Ước mơ mang đậm cá tính
Các thí sinh cuộc thi hợp sức trong sân chơi rèn luyện kỹ năng tại vòng bán kết cuộc thi  - Ảnh: Q.NG.

Hiếm hoi trong số những mơ ước làm bác sĩ, bạn Phạm Quế Linh (Trường THPT Gia Định, TP.HCM) đặt mục tiêu trở thành bác sĩ tâm lý trẻ em. Bạn cho rằng người lớn có quan tâm đến tâm tư, suy nghĩ của con trẻ nhưng còn hạn chế lắm.

Thậm chí cách nghĩ “thương cho roi cho vọt” vẫn là cách dạy con phổ biến dù để lại “bóng đêm tâm lý” trong không ít tâm hồn những đứa trẻ khi lớn lên, cả lỗ hổng trong hình thành nhân cách của con sau này.

Quế Linh dẫn ra thực tế phòng tham vấn tâm lý học đường vừa ít, vừa thiếu chuyên viên được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn. Ngay cả việc đưa trẻ đi khám tâm lý vẫn chưa là thói quen, nói gì đến việc điều trị tâm lý cho trẻ.

“Tình trạng học sinh bị trầm cảm vì áp lực học hành, gia đình không còn là chuyện hiếm. Mình muốn góp phần thay đổi suy nghĩ của người lớn trong việc tôn trọng cảm xúc của người khác, muốn giúp các em nhỏ thoát khỏi tình cảnh ấy” – Linh chia sẻ.

Dù ở lớp chuyên tin học song cậu học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) Nguyễn Lê Quốc Khang lại mơ ước làm vũ công chuyên nghiệp. Khang lập hẳn sơ đồ tư duy, tự vạch đường đi đến mục đích ấy với điểm mạnh là đam mê, tìm tòi sáng tạo, khả năng cảm nhạc tốt, đủ dẻo dai và luôn tập trung cao độ, nghiêm túc cho ước mơ nghề nghiệp.

Thừa nhận nghề múa vẫn chưa thật phát triển ở VN và hẳn có không ít chông gai, nhưng chàng trai này tỏ rõ quyết tâm theo đuổi nghề múa với lộ trình hiện thực hóa ước mơ: tự học múa trước khi thi vào trường múa chính quy.

Trong khi đó, nữ sinh Phạm Thị Nhật Lệ (Trường THPT Đào Sơn Tây, TP.HCM) mơ ước là thành viên đội cứu hộ của Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR).

Nhật Lệ may mắn được theo cha ở một chuyến công tác tại Mỹ mà trong một chuyến tham quan nhìn từ máy bay trực thăng, bạn đã tận mắt thấy đàn tê giác tung tăng chạy bên dưới trong môi trường sống được bảo vệ cẩn thận, càng giúp bạn nung nấu ước mơ về công việc tương lai.

“Người ta săn bắn, buôn bán trái phép và nhiều loại thú quý hiếm bị đe dọa nghiêm trọng vì hành vi vô ý thức của con người. Mình muốn góp sức bảo vệ những động vật đáng yêu này” – Nhật Lệ bày tỏ.

Mỗi thí sinh đều bỏ công tìm hiểu, chuẩn bị lý lẽ để bảo vệ cho ngành nghề mơ ước của mình, như có thể “sống chết” với nghề ngay lập tức.

Ấy cũng là tín hiệu vui cho những người tổ chức bởi chỉ từ một sân chơi phong trào, cuộc thi đã tiếp sức, động viên nhiều học sinh và giúp cả phụ huynh nhận diện để định hình rõ hơn cho con cái về công việc tương lai. Không quá lời khi nói rằng suất học bổng du học sẽ mang đến “cơ hội đổi đời” cho người nhận diện rõ nhất ước mơ của mình.

“Làm sao các bạn dám bày tỏ suy nghĩ, có thêm thông tin và sống với đam mê nghề nghiệp của chính mình chứ không gánh vác, làm thay cho cha mẹ hay ai đó chính là mục tiêu cuộc thi hướng đến” – anh Quách hải Đạt (giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM, trưởng ban tổ chức cuộc thi) – nói.

Chọn 13 thí sinh vào chung kết

Cuộc thi “Thực hiện ước mơ” năm học 2016-2017 do Thành đoàn TP.HCM phối hợp cùng Sở Giáo dục – đào tạo, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM, Viện đào tạo quốc tế (ĐH Kinh tế TP.HCM), báo Tuổi Trẻ và HTV3 tổ chức dành cho học sinh THPT từ Đà Nẵng trở vào đang ở giai đoạn cuối.

13 gương mặt vào chung kết được tham gia trải nghiệm môi trường làm việc của công việc tương lai mà mỗi bạn mơ ước trước khi chọn 5 thí sinh xuất sắc nhất vào chung kết xếp hạng. Giải thưởng dành cho người chiến thắng là học bổng du học tại ĐH Western Sydney (Úc) trị giá tối thiểu 75.000 đôla Úc.

QUỐC LINH