Khởi nghiệp ở tuổi 17
Bất chấp sự phản đối của cha mẹ, hai nam sinh Lào quyết tâm khởi nghiệp bán sách trực tuyến và giờ đây đã trở thành doanh nhân trẻ khi mới 19 tuổi.
Khởi nghiệp ở tuổi 17
Bất chấp sự phản đối của cha mẹ, hai nam sinh Lào quyết tâm khởi nghiệp bán sách trực tuyến và giờ đây đã trở thành doanh nhân trẻ khi mới 19 tuổi.
Vào năm 2015, Phoutthavanh Sisavath và Souvanhnuvong Samountree, lúc bấy giờ đều 17 tuổi và đang ngồi trên ghế nhà trường, đã sáng lập Công ty start-up Book Delivery. Đây là hai trong số những người trẻ khởi nghiệp đầu tiên ở thủ đô Vientiane, Lào.
TIN LIÊN QUAN
Để khởi nghiệp thành công, chỉ đam mê thôi chưa đủ
Khởi nghiệp đang trở thành “làn sóng” mới trong giới trẻ, nhưng làm thế nào để biến ý tưởng thành hiện thực, giải pháp nào để thuyết phục nhà đầu tư bỏ vốn, chiến lược phát triển ý tưởng khởi nghiệp thì không phải ai cũng biết.
Học khởi nghiệp
Sisavath từng tham gia nhiều hội thảo về khởi nghiệp ở Lào và gặp Samountree. Hai nam sinh phát hiện họ có chung niềm đam mê đọc sách và ý tưởng bán sách trực tuyến. Trả lời Thanh Niên, Sisavath cho biết: “Lào không có nhiều nhà sách trong khi giới trẻ như tôi rất mê đọc sách, muốn trau dồi thêm nhiều kiến thức thì chẳng biết tìm mua ở đâu”. Từ đó, Sisavath và Samountree cùng ba người bạn khác hợp sức thành lập nhà sách trực tuyến Book Delivery ngay trong lúc tham gia sự kiện Tuần lễ Start-up Vientiane 2015.
Ban đầu, nhóm khởi nghiệp tự bỏ tiền túi góp lại làm vốn, liên hệ với các nhà xuất bản trong nước và ở Thái Lan để có nguồn sách nội địa lẫn ngoại văn rồi dùng Facebook để rao bán sách, sau đó mở website riêng. “Khi nhận được đơn đặt hàng, chúng tôi liên hệ với các nhà xuất bản rồi mang về giao tận nhà khách hàng”, Sisavath nói.
Điều đáng chú ý là giờ giao sách chủ yếu sau 17 giờ vì khi đó các bạn trẻ mới đi học về. “Trước đây cha mẹ tôi cấm cản và nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ thành công với mô hình kinh doanh này. Họ lo ngại tôi không tập trung học hành rồi tương lai sẽ chẳng đi về đâu vì cứ thấy tôi về nhà là vội chạy đi giao sách”, Sisavath cho hay.
Trong những tháng đầu tiên, Book Delivery nhận được không quá 10 đơn đặt hàng, nhưng các bạn trẻ vẫn quyết tâm theo đuổi. Đến nay, hằng tháng Book Delivery nhận được trung bình khoảng 100 đơn hàng. Theo thống kê của Sisavath, trong giai đoạn tháng 1.2016 đến tháng 2.2017, Book Delivery bán được 1.868 quyển sách.
Không dừng ở hình thức kinh doanh sách trực tuyến, Book Delivery cũng tham gia mở gian hàng tại các cuộc triển lãm, chương trình xúc tiến start-up và thương mại, chủ yếu diễn ra vào dịp cuối tuần ở khắp nước Lào, đồng thời kêu gọi đầu tư để mở rộng hoạt động kinh doanh. Sisavath cho biết: “Hiện tại, chúng tôi có ba nhà đầu tư rót vốn vào Book Delivery. Cha mẹ tôi giờ đây thay đổi quan điểm về chuyện khởi nghiệp, chuyển sang ủng hộ và hỗ trợ thêm vốn”. Nhiều tác giả viết sách ở Lào cũng tự liên hệ với Book Delivery, “ký gửi” tác phẩm của họ. “Ở Lào, nhiều tác giả có sách được xuất bản nhưng không bán được. Chúng tôi giúp họ, họ giúp chúng tôi, theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi”, theo Sisavath.
Sisavath chia sẻ hiện nhiều bậc cha mẹ ở Lào vẫn luôn kỳ vọng con cái học hành tử tế, tốt nghiệp ra trường và có công việc ổn định. “Họ không muốn con cái mạo hiểm, nhưng tôi nghĩ giới trẻ cần phải thể hiện sự quyết tâm, kiên trì nếu theo đuổi con đường khởi nghiệp, đồng thời phải tạo được niềm tin ở cha mẹ”, Sisavath nói.
TIN LIÊN QUAN
Khi còn nhỏ tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một nhà kinh doanh. Lớn lên, tôi vẫn nghĩ mình đi theo con đường kỹ thuật, theo đuổi giấc mơ trở thành “nhà bác học” như thuở bé. Nhưng bây giờ tôi lại theo đuổi khởi nghiệp…
“Amazon khu vực Mê Kông”
Nhóm khởi nghiệp Book Delivery vừa mở một “nhà sách nhỏ” đặt bên trong quán cà phê lớn ở thủ đô Vientiane. Chủ quán cà phê này ưu ái người trẻ khởi nghiệp nên cho phép họ đặt kệ sách mà không lấy tiền thuê mặt bằng. “Chúng tôi chỉ phụ đóng chi phí điện, nước cho chủ quán”, Sisavath chia sẻ.
Không chỉ mải mê kinh doanh kiếm lợi nhuận, hai nhà đồng sáng lập Book Delivery cũng ý thức được “trách nhiệm xã hội” của doanh nghiệp. Sisavath cho hay: “Chúng tôi mong muốn đóng góp cho sự phát triển của nền giáo dục Lào. Chúng tôi thu gom sách cũ hay sách do “nhà hảo tâm” đóng góp, rồi đến thăm, giao lưu với học sinh và tặng các trường học vùng sâu vùng xa”.
Book Delivery có thể chỉ là một ý tưởng thương mại điện tử nhỏ không sánh bằng những cộng đồng khởi nghiệp tại các nước trong khu vực, nhưng đây lại là một ví dụ điển hình cho xu hướng giới trẻ khởi nghiệp đang phát triển ở Lào, theo nhận định của Đài Channel News Asia (Singapore). “Tôi nghĩ rằng nếu các quốc gia khác làm được, tại sao chúng tôi không thể”, bà Souphaphone Souannavong, chuyên gia cố vấn tài chính – nhà sáng lập Toh Lao Coworking Space, nói với Channel News Asia.
TIN LIÊN QUAN
Với dự án tận dụng nguồn bùn thải từ các công ty chế biến thủy sản xử lý thành bùn vi sinh phục vụ trồng trọt, Nguyễn Hữu Huy Hào và Phan Hồng Mức đã xuất sắc giành giải nhất trị giá 200 triệu đồng tại cuộc thi SIMVA – Hành trình khởi nghiệp.
Toh Lao Coworking Space (Không gian làm việc chung Toh Lao) được thành lập vào năm 2014 và là vườn ươm start-up đầu tiên tại thủ đô Vientiane, cung cấp không gian làm việc, internet và phòng họp với giá thuê ưu đãi. “Ban đầu tôi có rất nhiều mối lo ngại khi mở Toh Lao. Nhưng tôi nghĩ hãy thử tạo cơ hội, giúp đỡ giới trẻ khởi nghiệp”, bà Souannavong nói. Toh Lao cũng từng là nơi đặt văn phòng của Book Delivery. Nhưng để tiết kiệm chi phí, Sisavath sau đó chuyển kho sách về nhà.
Hai nhà đồng sáng lập Book Delivery, hiện là sinh viên năm nhất đại học, đang lên kế hoạch mở rộng mô hình kinh doanh, lấy trang mua bán trực tuyến Amazon làm nguồn cảm hứng. “Chúng tôi sẽ mở rộng sang bán quần áo và giày dép trong vài tháng tới và nghiên cứu cơ hội bán sách điện tử. Chúng tôi kỳ vọng sẽ mở rộng mạng lưới kinh doanh ra khu vực để trở thành một Amazon khu vực Mê Kông”, Sisavath nói.
Phúc Duy