10/01/2025

Chương trình phát thanh ngăn dòng bỏ học

Đã 4 năm nay, chương trình “Vượt lên chính mình” của Trường THCS Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang được phát đều đặn mỗi tuần vào giờ dưới cờ và buổi ra chơi chiều thứ hai.

Chương trình phát thanh ngăn dòng bỏ học

 Đã 4 năm nay, chương trình “Vượt lên chính mình” của Trường THCS Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang được phát đều đặn mỗi tuần vào giờ dưới cờ và buổi ra chơi chiều thứ hai.

 

 

Chương trình phát thanh ngăn dòng bỏ học
Hai “phóng viên nhí” Vĩnh Khang (trái) và Bé Hai đọc gương vượt khó để phát thanh trước toàn trường – Ảnh: M.TÂM

Chương trình không những giúp rất nhiều học sinh nghèo tiếp tục đến trường, mà còn có tác dụng giáo dục đạo đức cho nhiều học sinh khác…

Nêu gương sáng 
cho toàn trường

Chiều thứ hai, khi tiếng kẻng báo hiệu giờ ra chơi vừa dứt thì tiếng loa vang lên: “Alô, alô… Đây là chương trình phát thanh Vượt lên chính mình”. Nghe thấy thế, các bạn học sinh hồ hởi túa ra khỏi lớp, nhóm ngồi trên băng đá, nhóm đứng trước hành lang chăm chú lắng nghe buổi phát thanh.

Trên phòng truyền thống, hai bạn Vĩnh Khang và Bé Hai đang đọc về gương vượt khó của Nguyễn Tiến Cảnh, học sinh lớp 8A3, một buổi đến trường, một buổi phụ mẹ chèo đò rồi mò cua bắt ốc. Đêm đến, Cảnh chịu khó học đến khuya.

Khó khăn vậy nhưng năm nào Cảnh cũng đạt học sinh giỏi. Tuy nhiên, giờ đây cậu học trò hiếu học đó lại định nghỉ học vì phải phụ mẹ lo cho các em ăn học…

Câu chuyện của Tiến Cảnh được viết bằng câu văn mộc mạc và rất sống động qua giọng đọc truyền cảm của hai “phát thanh viên”, càng làm tăng thêm độ xúc động khiến nhiều học sinh đưa tay lau nước mắt. Một nhóm bạn lớp 7 bàn tán bằng giọng ngưỡng mộ:

“Anh ấy tài thật, vừa học vừa làm mà vẫn học giỏi”. Còn một nhóm lớp 6 ngồi gần đó nói: “Ảnh còn định nghỉ học để lo cho các em đi học, sao mà tội nghiệp ảnh quá vậy…”.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Anh, tổng phụ trách Trường THCS Thuận Hưng, chia sẻ chuyện phát thanh đưa gương vượt khó đã có từ nhiều năm trước, bởi trường ở quê nghèo, nhiều học sinh phải bỏ học làm công nhân hoặc lam lũ ruộng đồng.

Thầy cô đã dốc hết sức kéo trò trở lại với trường lớp, và trong nhiều biện pháp có chương trình “Vượt lên chính mình” giúp ngăn dòng bỏ học. Cô Ngọc Anh kể hơn 4 năm trước, có một học sinh lớp 9 nhà nghèo, học giỏi, phải đi chằm lá kiếm sống, có nguy cơ bỏ học rất cao.

Cô Anh nghĩ đến việc đưa gương vượt khó này lên phương tiện thông tin để mọi người chung tay giúp đỡ, đồng thời nêu gương sáng về vượt khó cho toàn trường. Cô liền phân công cho một học sinh cùng lớp viết bài về em đó.

Và khi bài viết được đọc vào tiết dưới cờ đã tác động rất nhiều đến các em học sinh khác. Nhiều em đã đem chuyện này kể với cha mẹ.

Vậy là phụ huynh rồi mạnh thường quân, người ít người nhiều đã gửi tặng những đồng tiền tình nghĩa cho em học sinh này. Nhờ vậy, em học sinh tiếp tục được cắp sách đến trường, giờ đã là sinh viên đại học…

“Gương vượt khó” 
và “CLB truyền thông”

Từ kết quả bất ngờ đó, ban giám hiệu trường quyết định thành lập chương trình có tên “Vượt lên chính mình”, trong đó gồm 2 trụ cột: “Gương vượt khó” và “CLB truyền thông”. Để được là “Gương vượt khó”, ngoài hoàn cảnh gia đình khó khăn, gương vượt khó phải học giỏi; còn nếu học không giỏi thì phải chăm học, giúp đỡ người thân và hiếu thảo với cha mẹ.

Riêng “CLB truyền thông” gồm “biên tập viên” và “phóng viên”. “Biên tập viên” gồm cô tổng phụ trách và các giáo viên chủ nhiệm.

Riêng “phóng viên” phải đủ tiêu chuẩn: học giỏi, nhất là môn văn, biết chia sẻ, giỏi ứng xử và có uy tín. Theo đó, mỗi lớp sẽ chọn ra 1-2 “phóng viên”. “Phóng viên” lớp nào sẽ viết bài về gương vượt khó lớp đó, bởi học cùng lớp nên các em nắm rõ về bạn mình, bài viết sẽ rung động hơn.

“Biên tập viên” sẽ hướng dẫn “phóng viên” kỹ năng viết bài và trao đổi nhiều vấn đề khác. Chẳng hạn như có bạn học giỏi nhưng ít chịu tâm sự với ai, vì vậy “biên tập viên” sẽ chỉ dẫn “phóng viên” cách tiếp cận bạn đó như thế nào.

“Phóng viên” Vĩ Khang, lớp 8, chia sẻ: “Lần đó, Khang được phân công viết về gương của bạn Lê Văn Hào, bạn ấy học giỏi, nhất là môn toán, nhưng ít chịu tâm sự với ai. Khang phải tìm cách làm thân bằng cách nhờ bạn ấy chỉ giùm môn toán.

Rồi Khang đem những quyển sách học tốt môn tiếng Anh cho bạn mượn. Sau đó, biết Hào thích bóng đá, Khang lên mạng tìm hiểu những đội bóng, cầu thủ nổi tiếng… để “tám” với Hào. Dần dần cả hai thân nhau luôn…”.

Còn “phóng viên” Bé Hai, lớp 8A1, thổ lộ: “Để bài viết sống động, đầy cảm xúc, ngoài việc phỏng vấn, “phóng viên” còn phải đến tận nhà nhân vật mục kích chuyện học tập và mưu sinh của bạn ấy.

Chẳng hạn như khi Bé Hai viết về bạn cùng lớp Nguyễn Thị Tuyết. Bé Hai đã đến nhà rồi xem bạn ấy vừa đan rổ vừa học như thế nào, để rồi đưa vào bài viết”…

Sau khi “phóng viên” viết xong, gửi bài cho giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách duyệt lại. Rồi bài viết được đọc dưới cờ và buổi ra chơi chiều thứ hai…

Thôi thì đủ các hoàn cảnh, có bạn ở với bà ngoại, cả hai bà cháu chằm lá thuê, bạn định nghỉ học để chằm lá bởi không muốn bà ngoại phải cực nhọc. Có bạn mồ côi cha, thấy mẹ một mình vất vả nên định ngưng ngang việc đèn sách, để phụ mẹ chuyện ruộng đồng nuôi các em ăn học…

Tác động tích cực đến học sinh

Câu chuyện về gương vượt khó của các bạn trong trường đã thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh. Các em thương bạn nên xin cha mẹ vài chục nghìn đồng, hoặc nhín tiền ăn quà gửi tặng bạn 5.000 – 10.000 đồng.

Rồi câu chuyện về gương vượt khó theo chân các bạn nhỏ ra khỏi phạm vi trường, khiến nhiều mạnh thường quân biết được cũng gửi tặng những suất học bổng cho các tấm gương này. Cạnh đó, trường còn tổ chức nhiều hoạt động như chạy việt dã quyên góp tiền, giúp thêm cho các hoàn cảnh khó khăn…

Nhờ vậy, cứ một bài phát thanh được phát là một học sinh được trợ lực vượt qua khúc quanh, mạnh chân bước tiếp trên con đường học vấn. Nhờ “Vượt lên chính mình”, nhiều em đã lên được cấp III hoặc là sinh viên đại học…

Bạn Trần Kim Niên, lớp 9, tâm sự: “Niên rất cảm ơn thầy cô, bạn bè và các vị mạnh thường quân. Số tiền ấy đã giúp Niên vượt qua lúc khốn khó cũng như động viên tinh thần Niên rất nhiều. Nếu không có sự tiếp sức này, Niên đã bỏ học từ năm lớp 7 rồi.

Sau này, dù hoàn cảnh có khó khăn cách mấy, Niên nhất quyết vượt qua để không phụ lòng kỳ vọng của mọi người”.

Các gương điển hình của các bạn vượt khó cũng tác động tích cực lại các học sinh trong trường.

Nhiều bạn nhỏ cho biết mình đã học được rất nhiều điều bổ ích sau khi một gương điển hình vượt khó được phát thanh trong chương trình, từ việc gầy dựng niềm tin vào lòng tốt ở đời cho đến những đức tính tốt đẹp như sự tự lập, hiếu thảo, lòng dũng cảm vượt qua khó khăn…

MINH TÂM