Mỹ – Trung và dòng tweet lúc 20h
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ còn cách cuộc gặp thượng đỉnh ở khu nghỉ mát Mar-a-Lago (Palm Beach, bang Florida) hơn hai tuần với nhiều kỳ vọng tháo ngòi căng thẳng giữa hai nước.
Mỹ – Trung và dòng tweet lúc 20h
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ còn cách cuộc gặp thượng đỉnh ở khu nghỉ mát Mar-a-Lago (Palm Beach, bang Florida) hơn hai tuần với nhiều kỳ vọng tháo ngòi căng thẳng giữa hai nước.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh ngày 18-3 – Ảnh: Reuters |
“Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc đang ở hai vị trí rất khác nhau, ít nhất là theo những gì chúng ta đang nghe |
Paul Haenle (cựu giám đốc phụ trách Trung Quốc thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ) |
Nhưng đêm thứ sáu (17-3), trước khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đặt chân đến Bắc Kinh, không ít người được một phen thót tim với dòng tweet của ông Trump lúc 20h07: “Bắc Triều Tiên đang hành xử rất tệ. Họ đã giỡn mặt với Mỹ trong nhiều năm. Còn Trung Quốc gần như không làm gì để giúp đỡ!”.
Không thể nói ông Trump cố tình làm khó thêm cho Ngoại trưởng Tillerson, nhưng một lần nữa phong cách “nói thẳng” của nhà lãnh đạo Mỹ lại gây phiền phức. Lạc quan lắm thì có thể cho rằng ông Trump lại dùng đòn nắn gân trước giờ thương thảo như kiểu cách quen thuộc trong làm ăn.
Tuy nhiên, báo Guardian dẫn lời ông Paul Haenle – cựu giám đốc phụ trách Trung Quốc thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ – tiết lộ các quan chức Washington đã lo sốt vó, sợ rằng dòng tweet của ông Trump sẽ chuyển đi thông điệp sai và làm ảnh hưởng tới chuyến thăm của ông Tập đến Mar-a-Lago.
“Phong cách bốc đồng của ông ấy có thể làm phật lòng người Trung Quốc và thậm chí là cá nhân ông Tập Cận Bình… Trung Quốc muốn nhà lãnh đạo của họ phải được đối xử thật tôn trọng. Nếu ông Tập đến Mỹ rồi một điều gì đó bất nhã xảy ra, nó sẽ ảnh hưởng rất xấu tới chính trị trong nước của Trung Quốc” – ông Haenle giải thích.
Người ta từng lo sợ hai cường quốc Trung – Mỹ sẽ bước vào một kỷ nguyên đối đầu khi ông Trump thắng cử. Nhà tỉ phú đã dành nhiều năm không tiếc lời lên án Trung Quốc (trong sách, qua phỏng vấn, trên mạng xã hội…) từ chuyện thao túng tiền tệ cho đến đàn áp chính trị.
Trong chuyến thăm của ông Tập đến Mỹ hồi năm 2015, ông Trump đã lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh phá hoại nền công nghiệp của Mỹ bằng cách hạ giá đồng tiền, rồi kêu gọi ông Obama đãi nhà lãnh đạo Trung Quốc ăn… bánh mì kẹp thịt Big Mac.
May mắn là căng thẳng dịu đi sau cuộc điện đàm đầu tiên giữa Tổng thống Trump và chủ tịch Trung Quốc hồi tháng trước, trong đó ông Trump rút lại thách thức đối với Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan.
Các chuyên gia nói họ thở phào trước viễn cảnh hai nhà lãnh đạo đang chuẩn bị tìm tiếng nói chung ở Palm Beach.
“Tôi cho rằng đó có thể trở thành khoảnh khắc thay đổi cuộc chơi. Ông Trump sẽ có cơ hội thể hiện một thứ mà ông ít có dịp xài – đó là kỹ năng chốt thương vụ” – ông Orville Schell, chuyên gia về quan hệ Trung – Mỹ thuộc Tổ chức Asia Society (Hong Kong), nhận định.
Về vấn đề Triều Tiên, ông Schell dự báo cuộc gặp Mar-a-Lago có thể chứng kiến “một bước đột phá bất ngờ”.
Trước đó, phát biểu khi ghé thăm Seoul ngày 17-3, Ngoại trưởng Tillerson cảnh báo Mỹ đã chuẩn bị phương án tấn công phủ đầu Triều Tiên và “sự kiên nhẫn chiến lược” của Washington với Bình Nhưỡng đang cạn dần.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc khó mà cứng rắn hơn nữa với Triều Tiên nếu xét sự gần gũi giữa hai nước. Lạc quan mà nói, những “cử chỉ” ông Tập mang đến Mar-a-Lago có thể mang tên gọi “đầu tư hạ tầng” hoặc “mở cửa thị trường” – mối quan tâm không hề nhỏ của Tổng thống Trump.
Trung Quốc “đá xéo” ông Trump Thông tin về cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khá ít ỏi dù hai ông cũng tổ chức họp báo tại Bắc Kinh. Theo Reuters, ngoại trưởng nước chủ nhà nói rõ rằng thông tin liên quan việc chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình là thông tin không được phép công bố. Nhưng ông cũng nói rằng ông cùng ông Tillerson đã có những cuộc trao đổi “thẳng thắn, thực chất và hiệu quả” về các vấn đề liên quan CHDCND Triều Tiên, Đài Loan và giao thương của hai nước. Trong khi đó, BBC cho biết ông Vương Nghị nói rằng Mỹ nên giữ “cái đầu lạnh” trong xử trí những căng thẳng với Bình Nhưỡng. Nhà lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc cho biết “tình hình đang nằm ở ngã tư, nhưng không được phép để nó phát triển thành một cuộc xung đột”. Ngoại trưởng Mỹ Tillerson trong khi đó nói đến “mức độ nguy hiểm” của căng thẳng, phát triển trong phát biểu ngày trước đó của ông ở Seoul rằng Mỹ có thể khởi động “hoạt động quân sự” chống Bình Nhưỡng nếu đánh giá rằng đã đến mức độ phải hành động. Nhưng ông Tillerson cũng cho biết Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí hợp tác để thuyết phục Bình Nhưỡng thay đổi quyết tâm theo đuổi các chương trình hạt nhân và tên lửa hiện tại. Ngoại trưởng Vương Nghị vẫn giữ lập trường của Trung Quốc, nói rằng các bên đều có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc chống lại Bình Nhưỡng, nhưng cũng vẫn phải tìm kiếm đối thoại và các giải pháp ngoại giao. Ông Vương nhấn mạnh: “Chúng tôi hi vọng rằng tất cả các bên, bao gồm cả bạn bè của chúng tôi từ Mỹ, có thể làm giảm tình hình căng thẳng bằng cái đầu lạnh và theo cách hiểu biết để đi đến được một quyết định khôn ngoan”. Ông nhắc đến “cái đầu lạnh” như một cách “đá xéo” với dòng trách móc của Tổng thống Donald Trump ngày trước đó trên Twitter. |